Phát triển du lịch cuối năm

Thứ ba, 17/11/2020 15:09
(ThanhtraVietNam) - Cuối năm là thời điểm vàng để đẩy mạnh kinh doanh và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch. Tuy nhiên, thời điểm vàng năm nay ngành du lịch Việt Nam gặp khó do đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lụt. Để vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, nhiều tỉnh, thành phố đã sớm có những chương trình, dự án du lịch thiết thực phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế và nhiều chủ doanh nghiệp du lịch thì trong bối cảnh nhiều khó khăn cản trở như hiện nay, phải chọn sự an toàn làm phao cứu sinh cho phát triển du lịch, không thể kích cầu ồ ạt mà phải tổ chức các tour du lịch an toàn. Mỗi tour này cần giới hạn số người không quá đông, tiến hành du lịch ngắn ngày đến những địa danh hiện đang không có đại dịch và không ngập lụt. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm về số lượng nên chưa thể hồi phục du lịch quốc tế, du lịch nội địa vì thế trở thành bộ phận giảm sóc, giúp các điểm đến có thể tiếp tục duy trì hoạt động, đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp sự tính toán, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, phương thức marketing, tiếp cận khách hàng, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của thị trường nội địa.

Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng với một lượng không nhỏ đối tượng khách là những người nổi tiếng, doanh nhân, nghệ sỹ vốn thích và quen đi du lịch chất lượng cao ở nước ngoài, bây giờ họ sẵn sàng cho du lịch nội địa tiếp nhận và khai thác các xu hướng đó. Do dịch bệnh nên các doanh nghiệp du lịch phải cạnh tranh qua khả năng tổ chức các tour an toàn, đảm bảo cho khách du lịch thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế về phòng chống đại dịch Covid-19. Hàng loạt yêu cầu về giãn cách chống lây nhiễm được siết chặt, đòi hỏi quản lý chặt chẽ, chi phí tăng cao, song doanh nghiệp không thể tăng giá bán vì sợ mất khách, biên lợi nhuận của mảng kinh doanh tour nội địa vốn đã siêu mỏng nay lại càng không có lời nhiều, một số doanh nghiệp du lịch lỗ lớn.

leftcenterrightdel
 Các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam

Cơ cấu lại sản phẩm du lịch sau đại dịch Covid-19 là vấn đề sống còn để sớm phục hồi ngành kinh tế du lịch. Trong ý đồ vượt khó để phát triển du lịch nội địa ngoài những biện pháp chung thì mỗi tỉnh, mỗi thành phố có ưu thế về du lịch lại có những cách thức khắc phục, bứt phá riêng. Như thành phố Hải Phòng định hướng chiến lược phát triển kinh tế trên 3 trụ cột chính là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistic và du lịch thương mại, hướng đến mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế vào năm 2025. Thành phố Đà Nẵng thì tìm mọi cách khôi phục lại những thành tựu và kinh nghiệm làm du lịch từ nhiều năm trước.

Tỉnh Hòa Bình vốn có nhiều ưu thế du lịch có thể khai thác tiềm năng từ rừng núi, di tích lịch sử, văn hóa, các công ty du lịch tại Hòa Bình vừa mới tổ chức hội thảo và phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa đợt 2 năm 2020 với chủ đề “du lịch Hòa Bình an toàn hấp dẫn”. Nhằm thu hút khách quay trở lại hòa bình, các khu du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên tỉnh Hòa Bình đã đồng loạt triển khai các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá phòng và giá dịch vụ, có khách sạn nhà hàng kinh doanh dịch vụ du lịch giảm giá tới 50% để tăng sức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã tranh thủ đầu tư xây mới các hạng mục, hoặc tu sửa nâng cấp trang thiết bị để nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Qua khảo sát, hiện nay số lượng khách du lịch đến với các điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Hòa Bình đã đông trở lại, có nơi như Mai Châu, tháng 9 năm nay lượng du khách đã đạt 80% so với cùng thời điểm tháng 09  năm 2019. Trong 3 quý đầu năm toàn tỉnh Hòa Bình đã đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có trên 250.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Hàng chục doanh nghiệp du lịch lớn ở Hòa Bình vẫn đang làm đơn xin đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa, cam kết miễn phí, giảm giá với các sản phẩm dịch vụ du lịch. Các doanh nghiệp du lịch đề nghị sở du lịch Hòa Bình tập trung quan tâm, hỗ trợ vào nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới. Sở du lịch Hòa Bình cũng nên tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi công nghệ số với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng phục vụ ngành du lịch. Để các doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành tồn tại được sau đại dịch Covid-19, tự thân họ cũng thấy nên hướng đến đối tượng khách hàng nội địa nhiều hơn vì dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp nên du khách đến nước ta không thể là con số nhiều. Dù phục vụ khách nội địa nhưng các đơn vị lữ hành, các khu du lịch vẫn cần thực hiện tốt nguyên tắc giảm giá nhưng không giảm chất lượng.

Chẳng riêng các địa phương, mà ngành du lịch cả nước nói chung cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về những chương trình khuyến mại, ưu đãi, tri ân khách hàng để thu hút khách du lịch, các địa điểm đón khách đến du lịch cần tạo ra sản phẩm khác biệt, còn các hãng lữ hành nên khai thác các tour du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp du lịch vẫn cần đẩy mạnh đào tạo nhân sự, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cấp quy trình quản lý chất lượng, ứng dụng công nghệ 4.0, sửa sang lại cơ sở vật chất và chuẩn bị mọi thứ tốt nhất để khi dịch bệnh kết thúc có thể trở lại hoạt động kinh doanh du lịch một cách tốt nhất. Bài học kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á là họ đều có những chương trình thúc đẩy du lịch nội địa song song với đảm bảo phòng dịch bệnh./.

                                                                                                    Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra