Quá khứ, lý lịch tư pháp và việc lựa chọn cán bộ

Thứ sáu, 27/09/2024 15:04
(ThanhtraVietNam) - Còn bao nhiêu công chức, lãnh đạo có "tỳ vết" trong quá khứ, bằng một cách nào đó đã len lỏi, leo cao vào hàng ngũ những người giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, đó là câu hỏi, vấn đề cần được làm rõ, xử lý.

Trong lúc số tiền chiếm đoạt cũng như thiệt hại gây ra do hành vi tham nhũng của Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ công Thương và thuộc cấp đang khiến công luận hết sức bất bình thì lại xảy ra điều bất ngờ hơn nữa với thông tin vị này cùng với môt cán bộ cấp vụ đã từng có "tỳ vết" trong quá khứ.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát thì bị can này vào năm 1988 bị phạt 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm về tội “Đầu cơ”. Bị can Nguyễn Lộc An cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cấp dưới của bị can Đỗ Thắng Hải, bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” trong vụ này cũng đã có một tiền án 3 năm tù cho hưởng án treo về tội “Trốn thuế” vào năm 2002.

Việc một người đã từng vi phạm pháp luật đến mức độ hình sự trong hàng ngũ của đội ngũ cán bộ, đảng viên có thể sẽ khiến không ít người thấy ngạc nhiên nhất là những người đó lại giữ những chức vụ quan trọng trong một lĩnh vực hết sức nhạy cảm liên quan nhiều đến chuyện tiền bạc.

Điều đó không chỉ khiến người ta bất ngờ mà còn hơn thế nữa, đó là sự lo lắng về những lỗ hổng trong công tác cán bộ và về chất lượng của đội ngũ cán bộ đảng viên hiện nay, vấn đề đã nhiều lần được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước.

leftcenterrightdel
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh - VGP) 

Công luận đặt ra câu hỏi, tại sao một người đã từng bị kết án hình sự, hình phạt chỉ dành cho những hành vi nguy hiểm cao cho xã hội theo quy định của Bộ Luật Hình sự, lại có thể “lọt” vào cơ quan Nhà nước, hơn thế nữa lại được thăng tiến đến chức vụ rất cao, với trọng trách và quyền hạn rất lớn trong bộ máy cơ quan quản lý, trong khi chúng ta luôn xác định “cán bộ là cái gốc của công việc”?

Trong khi mà việc lựa chọn cũng như sự thăng tiến của cán bộ, công chức được thực hiện rất chặt chẽ bởi những quy đình nghiêm ngặt qua nhiều khâu, nhiều bước?

Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định suốt quá trình công tác của mình chưa từng gặp trường hợp nào có án tích (dù đã được xóa án tích) mà thăng tiến đến chức vụ cao như ông Đỗ Thắng Hải.

Trước hết cần phân biệt một cách rành rẽ vấn đề luật pháp và chuyện lựa chọn cán bộ. Các luật gia phân tích rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, một người đã từng phạm tội, sau khi mãn hạn tù và qua hết thời gian thử thách nếu không phạm tội mới thì người đó được xóa án tích và trong lý lịch tư pháp sẽ không thể hiện điều này.

Và như vậy người đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân như một người bình thường. Nhưng một người được xóa án tích không có nghĩa là hoàn toàn không để lại “vết tích” gì và cái bản án năm xưa sẽ không bao giờ được nhắc đến nữa.

Bằng chứng là khi xảy ra vụ án Xuyên Việt Oil đang được xử lý thì bản án trước kia của các bị cáo vẫn được đưa ra để xem xét, mặc dù về nguyên tắc khi án tích đã được xóa thì nó không bị coi là tình tiết tăng nặng. Như vậy một người đã được xóa án tích có quyền được tham gia vào việc tuyển chọn trong các cơ quan nhà nước như mọi người khác.

Tuy nhiên vấn đề quan trọng tiếp theo cần phải nói tới là đó là một trong những nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…”, (Điều 5 Luật Cán bộ, công chức).

Chúng ta đều biết rằng tuyệt đại đa số cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo quản lý trong các cơ quan nhà nước là đảng viên, cho nên việc quản lý và sử dụng cũng như quá trình thăng tiến không chỉ tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn phải thực hiện theo các quy định của Đảng.

Một người từng phạm tội hình sự sau khi cải tạo có thể trở lại cuộc sống thiện lương và có các quyền và nghĩa vụ như mọi người bình thường khác, trong đó có việc tham gia hoạt động công quyền.

Nhưng một người được đứng trong hàng ngũ của Đảng và sau đó được bổ nhiệm, giao những trọng trách trong bộ máy công quyền thì đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều.

Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là một vinh dự lớn lao và chỉ dành cho những người tiền phong, gương mẫu, những người có quá khứ minh bạch, sạch sẽ. Phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên là một quá trình đòi hỏi thời gian, quy trình thẩm tra, xác minh trước khi kết nạp đảng hết sức chặt chẽ, chắc chắn không chỉ qua bản tự kê khai và các giấy tờ kèm theo trong đó có lý lịch tư pháp.

Trong vụ việc các cựu cán bộ lãnh đạo của Bộ Công Thương, cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền đã thực hiện quá trình kiểm tra kỹ lượng thì không thể bỏ qua tình tiết những người này đã từng phạm tội và nếu đã biết được điều này thì liệu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền đã thực sự cân nhắc trên cơ sở các quy định của Đảng để quyết định đưa một người đã từng có "tỳ vết" trong quá khứ vào đội ngũ của Đảng hay chưa?

Chúng ta không theo “chủ nghĩa lý lịch” để truy nguyên và cản trở mong muốn cũng như sự phấn đấu của mỗi con người đã từng trải qua sai lầm trong quá khứ nhưng cũng không thể dễ dãi xem nhẹ những gì đã từng diễn ra, nhất là trong việc lựa chọn cán bộ. Bản án, án tích rồi sẽ qua đi nhưng bản chất con người không dễ gì thay đổi.

Quá trình hình thành nhân cách là một thời gian rất dài và dường như đã định hình ở một độ tuổi mà người ta gọi là thành niên. Chấp hành pháp luật là cái tối thiểu bắt buộc phải có của mỗi con người, đạo đức là cái tối đa mà một cán bộ, đảng viên phải vươn tới.

Đảng viên, công chức lãnh đạo không chỉ là người bảo đảm được cái tối thiểu là không vi phạm pháp luật mà phải phấn đấu, rèn luyện hướng tới cái tối đa, đó là phẩm chất, đạo đức cách mạng với các chuẩn mực được chỉ ra trong Quy định 114-QĐ/TW mới đây của Đảng. Đây cũng là tiêu chuẩn cho sự lựa chọn cán bộ cần được quán triệt và thực hiện nghiêm túc trong quá trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo để tránh xảy ra những điều đáng tiếc như đã xảy ra.

Con người luôn có hai mặt tốt xấu. Những cái xấu có thể được kiểm soát, không bộc lộ trong điều kiện bình thường nhưng dễ dàng phát tác, trỗi dậy khi có điều kiện, môi trường thuận lợi, nó giống như bản năng của bầy sói hoang khi nghe “tiếng gọi nơi hoang dã”.

Những cán bộ, đảng viên được xem xét, bổ nhiệm vào hàng ngũ lãnh đạo đến cấp vụ, cấp thứ trưởng và cao hơn nữa hẳn còn phải trải qua sự lựa chọn hết sức kỹ càng và cẩn trọng gấp nhiều lần.

Vì vậy, vụ việc đang diễn ra khiến cho cán bộ, đảng viên và người dân không khỏi lo lắng và băn khoăn: Còn có bao nhiêu những công chức, cán bộ, lãnh đạo có "tỳ vết" trong quá khứ mà bằng một cách nào đó đã len lỏi, leo cao vào hàng ngũ những người giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, tham gia quyết định sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân? 

TS. Đinh Văn Minh
Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra