Cùng với việc phòng, chống dịch bệnh, các nước đều đang ra sức mở cuộc chiến với sự suy giảm kinh tế. Riêng nước ta ngay từ tháng 1 năm 2020, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xem việc phòng, chống đại dịch như một cuộc đại chiến và nêu quyết tâm chiến thắng, dù có ảnh hưởng đến tài chính, kinh tế. Việc chống dịch bệnh nguy hiểm này cũng như chống giặc, nên phải quyết chiến thắng, xem đây là một cuộc đại chiến. Nhưng đến lúc này, sau mấy tháng nỗ lực quyết chiến với đại dịch, nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới phải nghĩ tới việc kết hợp giữa phòng chống dịch bệnh Covid-19 với sự khôi phục nền kinh tế.
Trong kỳ họp cuối tháng 3, đầu tháng 4 mới đây, Chính phủ đã đề xuất nhiều biện pháp vượt khó, khôi phục và phát triển kinh tế, nhiều khoản chi lớn đã được Chính phủ bàn bạc quyết định cấp phát, với mỗi khoản hàng chục nghìn tỷ đồng, để vừa chống suy thoái kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa trợ cấp cho những người lao động mất việc làm và những người dân đang gặp khó khăn. Lãnh đạo các đô thị lớn có nhiều cơ sở kinh tế, nhà máy, doanh nghiệp như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đang vừa đẩy mạnh thực hiện những sự chỉ đạo kể trên của Chính phủ, vừa trực tiếp có các biện pháp khôi phục kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Thành ủy Hà Nội vừa có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp về ý tưởng vượt qua mọi khó khăn, khôi phục nền kinh tế. Sau 22 ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng lây lan dịch bệnh, Chính phủ đã chia ra các nhóm tỉnh thành có nguy cơ cao và cần phải tiếp tục duy trì thêm một số ngày giãn cách xã hội.
Cùng với tiếp tục thực hiện các cách thức phòng chống đại dịch Covid-19, nhiều chương trình, dự án, hoạt động kinh tế mới đã nhanh chóng được thực hiện chuẩn bị cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo, sau khi tính toán để lại đủ số gạo cho nhu cầu trong nước. Một số dự án xây dựng, làm đường đã được cấp phép. Chính phủ cũng bàn các biện pháp đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công qua các hình thức thuần là công, hay PPP, hoặc phối hợp cả hai. Nhiều doanh nghiệp và đại diện các ngành nghề kinh tế đã nhanh chóng bàn bạc khôi phục lại sản xuất kinh doanh, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ mọi mặt của Chính phủ cho kinh tế xã hội.
Phát triển kinh tế là một nhiệm vụ cấp thiết song hành với phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: tapchitaichinh
Về việc tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Các tổ chức hiệp hội kinh tế cũng đề nghị thành phố có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực có thể đóng góp lớn cho xã hội, nhất là đầu tư cho sản xuất, vì hiện nay ở Hà Nội, số doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn còn chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, ít các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. Họ cũng đề nghị Thành ủy và chính quyền thành phố Hà Nội nghiên cứu, đồng bộ hóa cơ chế chính sách và giải quyết các bất cập về cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan, nhằm đem lại sự nhất quán và hiệu quả cao của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực kinh tế. Thành phố cũng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mới trong định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, sở Công Thương thành phố Hà Nội nêu ý kiến, sẽ tham mưu cho UBND thành phố có các giải pháp quyết liệt, điều chỉnh chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Sở tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính. Qua đó, cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, hướng dẫn việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập từ 2018 và từ tháng 04 năm 2019. Ngành nông nghiệp đã cùng với các bộ ngành, chính quyền các tỉnh thành phố thúc đẩy việc đưa nông sản Việt Nam ra thế giới bán, siết chặt lại chuỗi liên kết còn lỏng lẻo giữa các bộ phận, các địa phương và chuỗi vận chuyển logistic. Ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh việc giải cứu nông sản không để ế ẩm bằng cách kết hợp tiêu thụ trong nước cùng với xuất khẩu.
Về đầu tư công, Chính phủ đang đẩy mạnh việc kiểm soát tốc độ gia tăng quy mô nợ công, đồng thời triển khai thực hiện các dự án đầu tư công bị trì trệ lâu nay hoặc dự án cần thiết mới. Các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm có thương hiệu kinh tế cao. Thương mại điện tử đang quyết khôi phục lại đà tăng trưởng. Giữa khi lo lắng về dịch bệnh Covid-19 thì Việt Nam lại có tin vui: Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do giữa liên minh Châu Âu ( EU và Việt Nam). Hiệp định EVFTA này sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư và giao lưu kinh tế cho cả hai phía, là đòn bẩy cho tăng trưởng của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD của EU. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Trong vị trí chủ tịch ASEAN, vừa qua Việt Nam đã tổ chức hội nghị lớn với những người đứng đầu các nước trong khu vực để vừa bàn sự phối hợp phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh liên kết giao lưu, đầu tư, thương mại. Nhiều nội dung của Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN họp tại Thái Lan từ tháng 11 năm 2019 đã và đang được doanh nghiệp Việt Nam khai thác cùng với nội dung hội nghị lớn tại Hà Nội mới rồi để thu lợi trước mắt, cũng như lâu dài trên cơ sở khẳng định vị thế nước ta tại Đông Nam Á.
Trong những cố gắng vượt khó để phát triển ổn định trở lại nền kinh tế nước nhà, các doanh nghiệp Việt đang ra sức khai thác những lợi thế từ mối quan hệ tốt đẹp với doanh nghiệp các nước ASEAN. Với hội nhập kinh tế khu vực cũng như toàn cầu, các ngành hàng lớn thường thu về hàng tỷ USD đang cố gắng vượt khó để thực hiện bằng được các mục tiêu tăng trưởng mà từ năm ngoái, họ đã đề ra cho năm 2020, nhất là về lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng từ 41,5 - 42 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong năm 2020, trong đó, riêng tổng cục thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2019. Còn ngành dệt may năm 2019 đã xuất siêu, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng 7,55% so với 2018, năm 2020 ngành dệt may dự đoán số đơn hàng tại Việt Nam sẽ rất cao, nên họ sẽ quyết vượt khó khăn để đạt mức tăng trưởng khoảng 9 - 10%. Ngành da giày đặt mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu tới trên 100 nước, trong đó 70 nước sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Còn ngành lâm nghiệp lâu nay vẫn gồm hai loại hàng xuất khẩu chính là sản phẩm gỗ và chế biến lâm sản luôn đạt hàng tỷ USD mỗi năm, nên năm 2020 ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 12,5 tỷ USD, che phủ rừng 42%, cộng gộp các phân ngành lại thì mục tiêu 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp là 5 - 5,5%. Ngành chè xuất khẩu vẫn đặt mục tiêu năm 2020 mở rộng chinh phục thị trường Âu - Mỹ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát biểu: Nguy cơ dịch bệnh có khi lại là cơ hội cho tiến bộ kinh tế xã hội chứ không đơn thuần chỉ là mối nguy. Mới đây, Thủ tướng nhận định, việc khôi phục nền kinh tế đi đôi với chiến thắng dịch bệnh cũng là một cuộc chiến khó khăn, nhưng vô cùng cần thiết, Chính phủ sẽ phối hợp cùng chính quyền các cấp, các địa phương và các doanh nghiệp, doanh nhân, đông đảo nhân dân chiến thắng trong cuộc đại chiến thứ hai này. Cùng với việc thúc đẩy các bộ ngành địa phương thực hiện các chính sách, biện pháp Chính phủ đã đề ra trong các cuộc họp mới rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự định tới đây sẽ có cuộc đối thoại rộng rãi thẳng thắn với các doanh nghiệp bàn việc vượt khó, khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh./.
Trung Vũ