Đặc biệt, mới đây, ngày 06/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông báo chương trình hành động thực hiện EVFTA và chỉ đạo hội nghị bàn với các bộ ngành và các địa phương nhanh chóng thực hiện chương trình hành động này.
Với Việt Nam, các nước châu Âu nhiều năm nay đã là đối tác kinh tế quan trọng, đặc biệt là về xuất nhập khẩu, nổi bật là xuất khẩu hàng dệt may và xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản và lâm sản. Cùng với các thương vụ trực tiếp, chúng ta cũng đã ký kết các quy định, văn bản để đẩy mạnh giao thương, đồng thời ra sức chuẩn bị cho một hiệp định thương mại tự do để nhanh có được kết quả ký kết và thông qua chính thức, có hiệu lực thực thi vào đầu tháng 8. Càng gần đến ngày Hiệp định được ký kết và thực thi, thì các ngành kinh tế và các doanh nghiệp ở nước ta càng ráo riết chuẩn bị các kế hoạch để sớm thực hiện tốt Hiệp định này.
Điển hình, Bộ Tài chính đã thực hiện nhanh chóng chỉ đạo của Chính phủ và xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định với sự phân công nhiệm vụ trách nhiệm cho các cơ quan tổ chức liên quan, điều hành để thực thi đầy đủ, có hiệu quả Hiệp định EVFTA nhất là các nội dung thuộc Bộ mình. Bộ thống nhất với kế hoạch thực hiện của Chính phủ về mục tiêu và xác định nhiệm vụ chủ yếu như: Công tác tuyên truyền phổ biến thông tin, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực. Xác định nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tuyên truyền phổ biến Hiệp định và cung cấp thông tin thị trường EU để các doanh nghiệp cũng như các cơ quan Nhà nước hiểu rõ cam kết mà thực thi đúng và hiệu quả. Những việc chuẩn bị cho Hiệp định đi vào thực thi được Bộ Tài chính kết hợp với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật. Qua quá trình rà soát, nghiên cứu Hiệp định, Bộ Tài chính đã xây dựng danh mục lộ trình các cam kết cần được nội luật hóa và xây dựng pháp luật thể chế để thực thi gồm một luật và hai nghị định gồm Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định EVFTA. Vụ hợp tác quốc tế Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương hoàn thiện các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hạn ngạch xuất khẩu, cũng như các quy định khác về hàng tân trang.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu sang EU
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan cùng chính quyền các địa phương và nhiều doanh nghiệp đã tổ chức tọa đàm tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy hải sản để phù hợp với việc thực thi hiệp định EVFTA, cũng như cùng đối phó với những tác động xấu của đại dịch Covid-19. Ngành nông nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu sang EU, nhất là về an toàn thực phẩm, chế biến hàng hóa, củng cố thương hiệu, chú trọng nhiều đến xác định xuất xứ hàng hóa theo quy định chung và theo sự định hướng là tạo những vùng hàng hóa nông sản có chất lượng cao để gây cảm tình tốt hơn trong xuất khẩu, các nước EU sẽ nhập khẩu của Việt Nam 8.000 tấn gạo mà thuế xuất nhập khẩu trở về 0%, vừa tăng được số lượng xuất khẩu vừa tăng được cả kim ngạch xuất khẩu.
Ngành dệt may đang nêu quyết tâm cao tận dụng cơ hội từ EVFTA thông qua sự đổi mới nâng cao năng lực. Theo các chuyên gia kinh tế, dệt may là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA, nhưng cũng không hề dễ dàng, đơn giản để có thể hưởng mức thuế 0% nếu sản phẩm không đáp ứng quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp không đầu tư chiều sâu cho chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của các khách mua trực tiếp là các doanh nghiệp các nước trong khối EU. Cũng theo các chuyên gia kinh tế, sẽ có 2 lợi ích ngành dệt may sẽ được hưởng: Thứ nhất thuế từ 15% sẽ về 0%; Thứ hai, quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, EVFTA sẽ chỉ áp dụng từ vải, tức là vải áp dụng cho hàng dệt may xuất khẩu sang EU chỉ cần đáp ứng điều kiện sản xuất tại Việt Nam, nhưng có thể linh động, ví như EU đã có hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc thì vải nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam may thành sản phẩm xuất khẩu sang Châu Âu vẫn được áp dụng ưu đãi từ EVFTA. Các chuyên gia kinh tế đánh giá EVFTA mở ra một thị trường xuất khẩu dệt may rộng lớn vì nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của EU lớn nhất thế giới, hiện vào khảng trên 250 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với Hoa Kỳ vì đó là thị trường có 500 triệu dân, chiếm 26% GDP và 20% thương mại toàn cầu.
Hiệp định EVFTA cũng tạo ra sức ép nhất định thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam buộc phải nội luật hóa những quy định đã cam kết, khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được thuận lợi hơn trong thương mại, hành chính, kiểm tra chuyên ngành.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành dệt may cũng đứng trước những thách thức không nhỏ để thực thi EVFTA, vì EU là thị trường khó tính, người mua đòi hỏi hàng đẹp, chất lượng cao, nhất là yêu cầu về an toàn sản phẩm và vệ sinh môi trường lao động. Các doanh nghiệp Châu Âu thường kiểm tra hàng hóa đạt chuẩn rồi mới đặt hàng, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Một thách thức nữa là các doanh ngiệp nước ta phải thực hiện cạnh tranh thẳng với các doanh nghiệp nước ngoài ngay từ sản xuất hàng trong nước, cũng như khi đem hàng bán ở Châu Âu cạnh tranh mạnh nhất với các doanh nghiệp FDI và các doanh ngiệp Châu Âu. Nếu không đổi mới mọi mặt về công nghệ, quản trị chất lượng thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng khó mà cạnh tranh nổi trên thị trường EU dù có EVFTA. Một khó khăn nữa là phải đáp ứng nhu cầu mỗi năm một cao hơn, vì EVFTA sẽ khiến cho các khách hàng Châu Âu tăng mức đặt hàng, liệu doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu đó không? Để gỡ điểm nghẽn này nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang mở rộng nhà máy, tuyển thêm nhân lực. tìm nơi đặt đủ nguyên liệu đầu vào cho tốt và nhiều hơn.
Để thực hiện Hiệp định EVFTA thì ngành nông nghiệp cần sản xuất được nhiều hàng hóa hơn, nâng cao chất lượng. Điều này không dễ vì sản xuất nông nghiệp đang giảm sút cả về nhân lực khi dân số nông thôn tiếp tục giảm, kém sút cả về ứng dụng công nghiệp trong nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến nông sản để nâng cao chất lượng hàng nông sản. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho hàng nông sản đang cao lên do thói quen sản xuất, tiêu dùng trong nước, công tác kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm còn kém, sự kết hợp làm việc này giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Y tế và Bộ Công thương còn chưa chặt chẽ, cũng như về kiểm tra và xứ lý sai phạm. Cả 3 bộ này cần phối hợp tốt hơn để thúc đẩy được hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn, ưu tiên tại các vùng chuyên canh và với hàng xuất khẩu, thực thi tốt hơn nữa luật An toàn thực phẩm, sửa đổi một số điều luật theo hướng khắc phục chồng chéo, phân cấp hợp lý cho địa phương và phân công giữa trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, nước ta là nước có nhiều rừng, sản phẩm từ đồ gỗ cũng khá hấp dẫn trên thị trường EU nên rất cần đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng, hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ với mẫu mã đẹp, chất lượng hàng hóa bảo đảm. Bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật cần rút ngắn thời gian giao hàng, nâng cao sự an toàn, chất lượng của đồ gỗ nhất là đẹp về mẫu mã tốt về chất lượng, theo sát được nhu cầu của các khách hàng EU, qua đó tận dụng nhiều lợi ích từ EVFTA./.
Trung Vũ