Sàng lọc, tiếp sức cho doanh nghiệp Nhà nước

Thứ hai, 10/04/2017 08:56
(ThanhtraVietnam) - Nói đến doanh nghiệp Nhà nước ( DNNN) là người ta nghĩ ngay đến sự cần thiết, phải có kinh tế Nhà nước và DNNN, nhất là ở những lĩnh vực liên quan đến lợi ích công cộng, trọng điểm quốc kế dân sinh, an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, bên cạnh những DNNN hoạt động tốt thì số yếu kém cũng không ít. Điều này đặt ra vấn đề phải sàng lọc lại hệ thống các DNNN, đặc biệt là tiếp sức và tạo điều kiện để phát triển những doanh nghiệp trọng điểm, cổ phần hoá những doanh nghiệp còn lại, xử lý các dự án và doanh nghiệp yếu kém. Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hoá 508 DNNN, nhưng kể từ 2016 quá trình cổ phần hoá đang chậm lại, cả năm chỉ cổ phần hoá được 56 doanh nghiệp, hai tháng đầu năm nay, 2017, không có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa. Theo nhiều ý kiến phát biểu tại các diễn đàn kinh tế, các cuộc họp của Chính phủ, từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đến các cán bộ phụ trách bộ ngành, chuyên gia kinh tế đều chung nhận định là cổ phần hóa DNNN không dễ vì phải xem xét, xử lý hàng loạt vấn đề về tài sản, đất đai, định giá thế nào, liệu có để mất toàn bộ, hay phần lớn vào tay một số người? Chậm trễ cổ phần hóa còn có nguyên nhân từ cung cầu thị trường và tâm lý ngại thay đổi của bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố đang là cơ quan chủ quản và cả của nhiều người đứng đầu doanh nghiệp sợ mất quyền lợi, chức vụ. Để giải quyết khó khăn, ngăn chặn sự chây ỳ của DN trong việc cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị đẩy mạnh công tác sắp xếp đổi mới DNNN giai đoạn 2016- 2020, trong đó, có nội dung phải xử lý trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng; Sẽ xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý điều hành doanh nghiệp. Trường hợp thực hiện không đúng quy định, hoặc sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định cổ phần hóa DNNN với kỳ vọng tạo khung pháp lý chặt chẽ và đẩy mạnh quá trình này.

leftcenterrightdel
 
Trong Nghị quyết vừa được ban hành, Chính phủ đã yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và DNNN nói chung. Năm 2017 cũng là năm Chính phủ muốn tạo chuyển biến mạnh hiệu quả hoạt động của khối này. Một thực tế cần chấn chỉnh là nhiều tập đoàn và DNNN hoạt động yếu kém song việc giám sát còn nhiều bất cập khi chưa có một hệ thống tiêu chí an toàn về tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh để làm cơ sở cho việc giám sát, quản lý của Nhà nước tại các DNNN. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều DNNN đi vay hoặc chiếm dụng vốn quá lớn so với chủ sở hữu trong khi năng lực kinh doanh quá kém, đầu tư quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp lý để tăng cường hiệu quả giám sát DNNN, đẩy nhanh cố phần hoá, nỗ lực minh bạch tài chính, quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng hơn và cải cách hệ thống quản trị doanh nghiệp, tiến tới mô hình quản lý DNNN với quy chế thưởng phạt nghiêm minh tương xứng với hiệu quả công việc, đưa DNNN về với quỹ đạo thị trường hoạt động bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Những đặc lợi đặc quyền về vốn, đất đai, chính sách dành cho DNNN dần được thu hẹp.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm đến phương án cũng như tiến độ xử lý các DNNN yếu kém; Không cấp thêm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để xử lý khó khăn yếu kém của các dự án xây dựng mới, hay sửa chữa nhà máy cũ đang nợ lớn; Kiên quyết bảo toàn tài sản Nhà nước ở mức cao nhất, giảm thiểu thiệt hại ngân sách, bảo đảm công khai minh bạch trong xử lý, giải quyết các khó khăn của các dự án đang đứng bên bờ vực phá sản. Đã có hơn 40 phương án được xây dựng để xử lý 12 dự án thuộc dạng này. Chính phủ cũng sẽ cân nhắc tính toán kỹ từng phương án theo nguyên tắc là Nhà nước không bỏ thêm tiền, song cũng phải đảm bảo hài hòa các lợi ích, xác định còn khởi động lại được, còn cứu được là phải cố gắng khởi động lại, cố gắng cứu. Trong quá trình xử lý phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư. Phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, nhưng không quên các vấn đề an sinh xã hội, không bỏ rơi người lao động và đảm bảo sự phát triển bền vững các ngành kinh tế lớn của đất nước. Đến hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý các dự án doanh nghiệp đang có “vấn đề”. Cần rút ra những bài học kinh nghiệm về đầu tư, từ lập dự án, đến thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết hợp đồng, giám sát triển khai, để không tái diễn sự kém cỏi, sai lầm, vi phạm. Cần có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư cho các dự án kinh tế lớn. Có thể nói, để tạo chuyển biến mạnh trong hiệu quả hoạt động của DNNN là cả một chặng đường gian nan, cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị với đồng bộ các giải pháp tích cực, hiệu quả./.

                                                                                                           Trung Vũ

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra