<p style="text-align: justify;">Tết đến xuân sang, bắt đầu một năm mới, là thêm một tuổi, nhưng mỗi lớp người lại có một niềm tâm sự khác nhau. Trẻ nhỏ thì mừng sự lớn lên. Thanh niên phơi phới sức sống. Lớp đứng tuổi kể từ tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh (đến độ tuổi bốn mươi phải làm sao suy nghĩ không sai, năm mươi tuổi biết mệnh trời) thì nhìn lại những cái làm được, chưa làm được mà tính toán kỹ hơn cho bước đi tới, làm tốt hơn trong thời gian còn lại không mấy nữa vẫn minh, vẫn mạnh của cuộc đời. Chứ người đã kế cận tuổi già chỉ nghĩ đến sự về hưu, nghỉ ngơi. </p><p style="text-align: justify;">Đó là suy nghĩ phổ biến, thông thường của lớp người chuyển sang già đã thành quen, là không thể khác mỗi dịp năm cũ đi qua năm mới đến. Nhưng vài năm nay, nhất là trước sự chuyển giao thời gian từ năm 2016 bước sang năm 2017, lớp tuổi gần già đã phải có những suy nghĩ khác vì đang có những sự đề xuất tăng độ tuổi về hưu. Trước đây, quy định của nhà nước về tuổi nghỉ hưu đối với những người làm công ăn lương, nữ là 55 tuổi, nam 60, bây giờ nhiều ý kiến lại đề xuất tăng thêm độ tuổi để có thể về hưu. Cũng đã bàn bạc, phát biểu nhiều, đề nghị Quốc hội xem xét, song bị Quốc hội từ chối, chưa bàn, mãi đến vừa rồi khả năng xem xét việc này của Quốc hội mới nhiều hơn, nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đi đến kết luận là sẽ hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi độ tuổi nghỉ hưu của Luật Lao động theo hướng tăng tuổi, để sẽ trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới. Theo đề xuất này thì từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu trước hết là đối với cán bộ, công chức, viên chức, tức những người hưởng lương nhà nước, với lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm ba hoặc bốn tháng, cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2025 trở đi sẽ thực hiện đối với các đối tượng làm việc có hưởng lương còn lại, cũng với lộ trình như trên.</p><p style="text-align: justify;">Sở dĩ có sự đề xuất như trên, trước hết vì sợ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội do tuổi thọ tăng cao, thời gian được hưởng lương hưu kéo dài, nên như mọi thứ bảo hiểm khác, không thể lấy người hưởng ít bù cho người hưởng nhiều như trước đây do bình quân tuổi thọ chưa cao. Còn với mức bình quân tuổi thọ 73 như hiện nay dẫn đến thời gian hưởng lương hưu quá kéo dài thì quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bất khả cân đối thu chi. Bởi tuổi thọ của người tham gia bảo hiểm xã hội càng tăng cao, cũng sẽ đồng diễn với việc sẽ giảm đi số người có đóng bảo hiểm nhưng chết sớm, không hưởng lương bảo hiểm, hoặc thời gian hưởng lương bảo hiểm ngắn, trái lại sẽ tăng số người hưởng lương bảo hiểm nhiều năm. Thực tế mấy năm trở lại đây cho thấy, tỷ lệ người đóng bảo hiểm cho người hưởng ngày càng giảm, năm 1996 là 217/1, thì năm 2000 chỉ còn 34/1, năm 2012 là 9,3/1, năm 2015 là 8,13/1. Ngoài lý do sợ vỡ quỹ bảo hiểm, thì lý do đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu còn là: Với những người có khả năng quản lý, lãnh đạo hành chính, kinh tế giỏi, trình độ khoa học kỹ thuật cao, nếu họ được tăng tuổi về hưu, đất nước sẽ khai thác thêm nhiều lợi ích từ họ. Song cũng chuyện có nên tăng tuổi hưu hay không, lại đang có một luồng ý kiến ngược lại, như: Những người có chuyên môn ngành nghề giỏi, xã hội thời cơ chế thị trường đang cần họ, đang sẵn môi trường, cơ sở để họ thi thố tài năng và làm giàu, thì họ chỉ mong về hưu để làm tư, mở cơ sở kinh doanh tư nhân. Xét về góc độ sức khoẻ, tăng tuổi về hưu, chậm được nghỉ ngơi khi sức khoẻ của phần đông người lao động đã giảm sút và nhiều bệnh tật, năng suất lao động không thể cao, xã hội khai thác từ họ chẳng còn được bao lăm, bản thân họ cũng chỉ thêm mệt mỏi, đau ốm. Tăng tuổi hưu, tức giữ lại một số đông lao động, sẽ mất nhiều chỗ làm của hàng triệu lao động trẻ, cử nhân đang chờ việc. Rồi lại còn việc chính phủ đang nêu quyết tâm cao giảm mạnh biên chế, cứ tăng tuổi hưu thì giảm ai đây?</p><p style="text-align: justify;">Việc nên hay chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu, theo nhiều chuyên gia, cán bộ, trước hết cần phải làm rõ chính sách quy định mức đóng, thời gian đóng và mức hưởng bảo hiểm xã hội đã phù hợp chưa, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội đã tốt chưa, minh bạch đến đâu, có lãng phí, thất thoát không, đã tìm cách đem đầu tư hiệu quả để tăng thu cho quỹ chưa? Thay cho việc chỉ nhăm nhăm tăng tuổi nghỉ hưu để bớt, để chưa phải trả lương hưu cho nhiều người. Cân đối quỹ bảo hiểm còn có cách khác nữa là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm để tăng nguồn thu. Nghĩ cách tăng thu sẽ phù hợp hơn là chỉ nghĩ tăng tuổi về hưu để giảm chi trả bảo hiểm xã hội. Đợi khi nào Việt Nam đạt đến giai đoạn phát triển cao hơn nữa, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng bình quân thu nhập đều cao, tăng trưởng việc làm cao hơn tỷ lệ tăng lực lượng lao động và cải thiện được điều kiện lao động thì hãy nghĩ tới kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu, việc tăng tuổi hưu cũng không phải với tất cả mọi thành phần công nhân viên chức, mà nên thực hiện với từng bộ phận, từng độ tuổi, phải rất linh hoạt không bó buộc, độ chênh tuổi nam nữ khi định mức tuổi hưu cũng cần nghiên cứu kỹ, đừng vội nghĩ không thấu đáo sự bình đẳng nam nữ, vì sức khoẻ nam nữ có khác nhau, nghỉ hưu ngang tuổi nhau chưa hẳn đã phù hợp. Cũng không thể không nghĩ thêm một điều: Tăng tuổi hưu, người được hưởng lợi chủ yếu là khu vực hành chính sự nghiệp, công việc nhẹ nhàng lương cao, nhất là đối tượng làm lãnh đạo, còn đối với nhiều người khác, nhất là lao động nặng nhọc thì vẫn mong muốn về hưu như quy định cũ để còn bảo đảm sức khoẻ, chăm lo con cháu, cho nên phải xem xét theo từng ngành nghề, không nên vội vã tăng tuổi về hưu đồng loạt./.</p><div style="text-align: right;"> <i> Trung Vũ</i></div><div><br></div>