Thận trọng khi phục dựng di sản lịch sử

Thứ hai, 17/05/2021 14:34
(ThanhtraVietNam) - Để phục vụ cho việc nghiên cứu, thăm xem lại những công trình lịch sử thời xa xưa và phát triển du lịch trong nước, nhiều di sản lịch sử văn hóa đang được một số tổ chức và cá nhân nghiên cứu, đề xuất việc phục dựng lại. Công việc này được những kiến thức mới của khoa học kỹ thuật đặc biệt là công nghệ 4.0 gợi mở và hỗ trợ cho rất nhiều. Song, cần thận trọng khi phục dựng di sản lịch sử.

Hoàng thành Thăng Long sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã thành nơi nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và hệ thống công nghệ thông tin mới. Qua đó, người ta được gợi nhắc sự muốn biết hình thái cung điện nhà Lý ra sao khi mà nhiều cổ vật tìm thấy ở hoàng thành đã gợi ý hình dáng kinh thành này. Nhưng những dấu tích còn lại chỉ đủ để tìm thấy nền móng, phần giữa và trong nhà không còn tồn tại di chỉ gì, tức là không biết tường, cũng không có dấu tích cho thấy kiến trúc cung điện hay là kiến trúc gì khác, tuy hoàng thành Thăng Long vẫn còn sót lại các móng trụ của một công trình xây dựng lớn thời Lý. Gây bàn cãi nhiều nhất là mái nhà, lượng ngói tìm thấy cho dự đoán kiến trúc thời Lý có mái lợp ngói hồng. Các nhà nghiên cứu đem di vật ngói đỏ đó so sánh với các nước ở châu Á để tìm ra hình thái mái cung điện liệu có giống các mái nhà cung điện còn tồn tại ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay cố đô Huế của ta. Loại kết cấu đỡ mái giống nguồn gốc của một nước ngoài, sơn son tìm thấy khiến bộ mái rõ dần, Viện nghiên cứu kinh thành nhà Lý cũng tìm tiếp ra được những mô tả về dấu cùng sơn son đỏ tươi cột vẽ long hạc rồi toan giải mã hình thái bộ khung giá đỡ mái.

Tóm lại, những gì tìm được tại Hoàng thành Thăng Long cho thấy là những dấu ấn của cung điện nguy nga tráng lệ thời Lý, tuy hãy còn băn khoăn rằng kiến trúc 3 tầng hay 5 tầng? Qua khảo cứu các di vật thì có một cột lớn ở chính giữa gọi là kiến trúc có cột trung tâm chứng minh nó là công trình lớn hơn 3 tầng. Cũng dựa trên các dấu tích, các nhà nghiên cứu còn vẽ ra hai dãy lầu với 26 kiến trúc lục giác đặt cạnh nhau tuy chưa biết những dãy lầu này được sử dụng vào việc gì. Theo dự kiến Viện nghiên cứu sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu so sánh giải mã sâu hơn về chức năng, kỹ thuật lợp của các loại ngói khai quật được từ Hoàng thành Thăng Long. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành phục dựng hình thái của bộ mái thời nhà Lý. Chắc chắn rằng sẽ có vẻ đẹp riêng, sắc thái riêng dấu ấn của nhà Lý, kết tinh bản sắc dân tộc có cho đến lúc ấy.

leftcenterrightdel
 Một phát hiện mới trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu tại Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Thanhnien.vn

Ngành khảo cổ học của ta thì cho rằng, đã có di tích rồi nhưng phải hiểu được hết các di tích ấy thì mới giải mã được. Nghiên cứu hiện trường sơ sảy là mất di tích dị vật nên phải rất kỳ công từ hiện trường đến trong phòng nghiên cứu liên ngành mới có thể dựng lại được hình ảnh di tích, gọi tên nó. Bước đầu vẽ được hình ảnh cung điện là quý vô cùng rồi, nó hội tụ năng lực nghiên cứu và biến nghiên cứu thành hình ảnh sinh động. Những nghiên cứu về mặt bằng thời Lý hôm nay đáng ghi nhận, nhưng mới chỉ là bước đầu, phải mạnh dạn nghiên cứu tiếp một cách thận trọng công phu, kể cả phản biện. Trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam hầu như không có thời kỳ nào vượt được thời Lý cả về độ tinh mỹ, bố cục, hình khối, đường nét và cổ luật. Cần nghiên cứu phục dựng các cung điện thời Lý liên đới với các triều đại trước thời Lý, sang cả thời Trần và các triều đại sau.

Phải nói, trước hết đến những di sản cung điện đền đài thời Đinh – Lê và cố đô Hoa Lư tiếp giáp trước của nhà Lý. Viện khảo cổ học vừa tìm thấy ở cố đô Hoa Lư những bằng chứng cho thấy quy mô của Kinh đô nước Đại Cồ Việt thời nhà Đinh lớn hơn nhiều sự hình dung lâu nay của ta, tuy ngay tại bản địa thì Cố đô Hoa Lư hiện đang có nhiều di vật công trình lịch sử, văn hóa về thời Đinh Tiên Hoàng và thời Lê Đại Hành. Khảo cổ học vừa tìm thấy ở các hố đào lớn sự xuất lộ các dấu vết kiến trúc thời đại thành Đại La tại Hoa Lư trước cả thời Đinh- Lê nằm chồng lên nhau. Những phát hiện mới kể cả mộ táng, đồ tùy táng giúp củng cố các ghi chép trong quyển Đại Việt sử ký toàn thư rằng vua Đinh Tiên Hoàng xây thành và dựng cung điện, vua Lê Đại Hành xây dựng thêm nhiều cung điện quy mô lớn có cột dát vàng, mái lợp ngói bạc. Khảo cổ mới đã vén mở diện mạo của kinh thành Hoa Lư xưa với những lớp tường thành kiên cố, nhiều kiến trúc quy mô to lớn đẹp đẽ, cho thấy phần nào Hoa Lư trước thời vua Đinh.

Bởi Hoa Lư là Di tích Quốc gia đặc biệt thì đương nhiên phải có kế hoạch bảo tồn và phát huy dài hạn. Khi các cụ định đô ở Hoa Lư là đã xác định một trung tâm vô cùng lớn. Để khảo cổ, chúng ta phải chia giai đoạn, phải điều tra tổng thể để có kết quả khai quật có thể thúc đẩy phát triển nghiên cứu Hoa Lư và những gì liên quan đến nhà Đinh và nhà Tiền Lê. Trước hết những sự quan tâm hiện nay là dựng lại sân điện nhà Đinh. Theo khảo sát hiện nay thì thấy hai tấm hoa văn rất lớn được chiếu lên thành tường của hố khai quật sâu 2 mét đó là đôi chim phượng uốn lượn và hình hoa sen cách điệu. Cùng lúc ở nền đất của hố khai quật có hình chiếu nhiều người đang đào dần từng nắm đất nhỏ. Đó là hình dung về cuộc khai quật khảo cổ học năm 1997 đã phát hiện ra sân điện thời Đinh này. Cũng là sân điện này trước đây chưa có trưng bày gì đáng chú ý ngoài mấy viên gạch. Những di vật khảo cổ mới đang đặt vấn đề làm thế nào để truyền cảm hứng và hiểu biết cho người dân để người xem không trong nghề khảo cổ có thể hình dung ra không gian từng có ở đó với những thứ gì để trưng bày. Trên cơ sở đó, người dân hiểu được dấu tích viên gạch rồi xúc động và tự hào dân tộc hơn.

Được biết, cùng với phục dựng cung điện thời Lý thì ở hoa Lư cũng đang có nhiều công trình được tiếp tục khảo cứu, phục dựng và bổ sung sau những kết quả khảo cổ mới và những khảo cứu công nghệ tiên tiến từ Hoàng thành Thăng Long,để phục dựng nhà Đinh và nhà Tiền Lê, nhất là năm nay 2021 lại là năm Ninh Bình triển khai dự án phát triển du lịch kết nối các di sản văn hóa mà Hoa Lư là một đỉnh điểm sẽ đón đợi du khách. Sân điện đền Đinh khi phục dựng sẽ rất hấp dẫn người xem.

                                                                                                   Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra