Thanh tra bảo vệ môi trường không báo trước: Bước tiến tư duy và hiệu quả quản lý

Thứ hai, 20/07/2020 15:24
(ThanhtraVietNam) - Vấn đề môi trường của nước ta đang diễn biến phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng, không còn khả năng tiếp nhận chất thải; tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra nhức nhối và phổ biến ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Biết rằng, việc xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường (BVMT) không hề dễ, nhưng vì môi trường xanh – sạch – đẹp, khó ta cũng phải thực hiện.

Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về BVMT không cần thông báo

Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá, chủ trương của Đảng và Nhà nước phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một nước theo hướng công nghiệp. Trong tình hình hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang rất sôi động, diễn ra trên toàn cầu. Đây được xem là cơ hội rất tốt để chúng ta nhận biết được những thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi thì phát huy, khó khăn phải tìm cách khắc phục. Đặc biệt, vấn đề môi trường có ảnh hưởng rất lớn, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội nước ta. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, Việt Nam là một trong năm quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất thế giới, "đóng góp" tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.

Nếu chúng ta làm không đúng quy trình, không thực hiện nghiêm chỉnh và giám sát chặt chẽ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, tất cả vi khuẩn trong rác thải ngấm xuống đất rồi ảnh hưởng đến nguồn nước. Kiểm soát những việc này không không ai bằng cộng đồng làng, xã, thôn xóm. Môi trường luôn trong sạch sẽ có tác động rất lớn đến sức khỏe của con người. Nếu có sức khỏe, năng suất lao động sẽ tăng, trí tuệ sẽ tăng như vậy sẽ giúp cho sự thịnh vượng của đất nước Việt Nam, tăng vị trí của Việt Nam trong trường quốc tế.

Trong việc giải quyết vấn đề môi trường, muốn có một môi trường xanh, sạch, đẹp đã có hàng trăm biện pháp được đề ra, trong đó biện pháp quan trọng nhất chính là thực thi pháp luật. Chúng ta có Luật BVMT năm 2005, Luật BVMT sửa đổi năm 2014 rồi Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Du lịch... Tuy nhiên, luật ban hành ra nhưng hướng dẫn cụ thể việc thi hành luật đó như thế nào đối với cộng đồng thì còn chưa được rõ ràng, cụ thể. Do đó, còn nhiều lỗ hổng của pháp luật, nhiều người lợi dụng những kẻ hở của pháp luật, đặc biệt là những doanh nghiệp chưa có tâm, chỉ nặng về kinh tế mà xem nhẹ vấn đề môi trường.

Vào tháng 5 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ cũng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật BVMT (sửa đổi). Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc xây dựng Luật BVMT (sửa đổi) phải đảm bảo BVMT được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Có thể nói, vấn đề môi trường của nước ta đang diễn biến phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng, không còn khả năng tiếp nhận chất thải; đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác BVMT. Đã đến lúc cần hình thành đạo luật về BVMT một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đưa các chức năng quản lý nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số Bộ vào dự thảo Luật.

Đáng nói, tại Dự thảo Luật BVMT (sử đổi), có một số điểm mới, mang tính đột phá đó là việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về BVMT không cần thông báo, công bố trước để bảo đảm tính hiệu quả; quy định thời hiệu xử phạt là 5 năm để phù hợp với tính chất các vi phạm về môi trường; quy định các tổ chức, cá nhân quản lý khu công cộng được “phạt” theo nội quy, quy chế về BVMT của khu công cộng để đạt được mục đích giáo dục, răn đe.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Nỗ lực hơn nữa trong kiểm soát và giữ được môi trường hòa bình, trong sạch

Hiện nay, Nhà nước đã và đang vận động người dân phân loại rác tại nguồn và xả rác đúng nơi quy định. Có thể nói phân loại rác tại nguồn là một khâu vô cùng quan trọng trong quá trình xử lý rác thải nhằm giảm thiểu môi trường. Rác thải sẽ chia làm các loại như: Rác hữu cơ dễ phân hủy (các loại thức ăn thừa, đã hư hỏng, vỏ trái cây…) và rác thải khó phân hủy (rác tái chế và không tái chế); rác tái chế gồm chai lọ, nhựa, khung sắt, máy móc hỏng…; rác không tái chế là phần thải bỏ.

Được biết, quy định giờ thu gom rác là từ 17h – 22h hàng ngày, tuy nhiên, bạn chỉ cần di chuyển vài vòng trên đường vào bất kỳ giờ nào trong ngày, trên các tuyến phố tại Hà Nội, rác được xả ra “vô tư”, xuất hiện bất thình lình không kể giờ giấc, địa điểm.

Vấn đề rác thải Hà Nội ùn ứ ở nhiều điểm tại nội đô trong những ngày qua, lại đặt ra bài toán về quán lý nhà nước về thu gom, xử lý rác thải tới ý thức chấp hành nghiêm việc đổ rác thải đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường sống. 

Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, tùy vào địa điểm vứt, đổ rác mà hành vi đổ rác không đúng nơi quy định có các mức phạt khác nhau. Thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp; cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường; công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan. Cụ thể: Phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 05 - 07 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Thẩm quyền đã rõ, Luật cũng quy định là vậy, tuy nhiên, tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra nhức nhối và phổ biến ở khắp mọi nơi, mọi lúc trên cả nước. Trên thực tế, cũng thấy rất ít các Quyết định xử phạt của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Biết rằng, việc xử phạt này không hề dễ, nhưng vì môi trường xanh – sạch – đẹp, khó ta cũng phải thực hiện. Lúc này, cần lắm những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, xử phạt thật nghiêm minh và tăng cường trách nhiệm quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng liên quan.

Có thể nói, giải pháp quan trọng góp phần không nhỏ vào công cuộc BVMT đó là những cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Song ý thức của người dân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường cũng là điều đóng vai trò quyết định, góp phần quan trọng giữ môi trường xanh, sạch, đẹp./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra