UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng đã công bố tinh giản chương trình Học kỳ 2 và triển khai dạy học qua Internet và trên truyền hình. Đồng thời, sẽ không tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào tháng 8/2020. Phương án Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Một điểm mới là Kỳ thi sẽ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND tỉnh) chủ trì tổ chức. Bộ GDĐT đóng vai trò chỉ đạo, ban hành các quy chế, hướng dẫn, cung cấp các phần mềm chấm thi, phần mềm quản lý thi, tiến hành thanh tra, giám sát. UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi của địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế. Các tỉnh sẽ thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi, gồm: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 chiều 22/4, đồng ý với phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi này.
“Kỳ thi này do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh. Cần tăng cường thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành như Bộ GDĐT, Bộ Công an. Cần tăng cường sử dụng công nghệ để đảm bảo tính trung thực của kỳ thi”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Như vậy, việc giao quyền tổ chức kỳ thi về cho địa phương cũng nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi.
Những bài học “đắt giá”
Vấn đề đang được dư luận băn khoăn và quan tâm hiện nay về Kỳ thi tốt nghiệp THPT khi UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chủ trì liệu có xảy ra những gian lận? Vì Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 do Bộ GDĐT tổ chức, đã phát hiện những gian lận nghiêm trọng tại một số tỉnh.
Cụ thể, sau khi công bố kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, nhiều tỉnh có điểm thi cao bất thường. Kết quả, phát hiện 221 thí sinh gian lận về điểm, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang; 63 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh ở Sơn La. Trong số này có 6 thủ khoa, á khoa các trường ĐH lớn và được nâng từ 15 đến 27 điểm. Những con số này khiến dư luận “dậy sóng” và bất bình vì một kỳ thi đặc biệt quan trọng, lấy kết quả để tuyển sinh đại học lại có thể để xảy ra những gian lận nghiêm trọng như vậy.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh internet
Rút kinh nghiệm, đến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GDĐT đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, lực lượng trong xã hội để cùng tham gia công tác tổ chức, coi thi. Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trong cả nước. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi. Tuy nhiên, việc thí sinh ở Phú Thọ mang điện thoại vào phòng thi để tuồn đề ra ngoài nhờ người giải hộ khiến dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng về sự gian lận.
Chắc hẳn, những sai phạm về công tác tuyển sinh, quản lý văn bằng chứng chỉ trình độ đại học của Trường ĐH Điện lực được Thanh tra Bộ GDĐT chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 109/KL-TTrB ngày 26/9/2019, là một trong những bài học đắt giá đối với các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Qua kiểm tra xác suất danh sách sinh viên trúng tuyển một ngành học của Trường ĐH Điện lực năm 2013 cho thấy, trong số 222 sinh viên, có đến 140 sinh viên có điểm đầu vào thấp hơn điểm trúng tuyển. Năm 2013, số lượng trúng tuyển thực tế của trường là 2.080, nhưng trong báo cáo lại là 1.518, vượt 43,4% so với chỉ tiêu. Đến năm 2014, trường này đã vượt chỉ tiêu 12,2%...
Làm sao để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có gian lận?
Năm nay, khi UBND các tỉnh, thành phố chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức toàn bộ các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát được triển khai như thế nào để không xảy ra gian lận?
Cũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Bộ GDĐT ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn, trong đó có việc Bộ GDĐT phải tổ chức thanh tra, giám sát kỳ thi tại các địa phương, chứ không thể buông lỏng”. Như vậy, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý công tác thanh tra, kiểm tra trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Do đó, Bộ GDĐT sẽ ban hành Quy chế và hướng dẫn công tác thi; hướng dẫn và tổ chức thanh tra, giám sát công tác tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT tại các địa phương. Đồng thời, Bộ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng ngừa tiêu cực, gian lận trong Kỳ thi. Trong đó, Bộ tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi; tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi. Các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy, bằng phần mềm chung của Bộ, có sự giám sát của hệ thống camera. Đặc biệt, năm nay, các tỉnh phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử. Bộ GDĐT sẽ lấy đó làm căn cứ đối sánh kết quả thi.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ GDĐT, công tác thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường để hướng tới kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan. Theo đó, dự kiến ngoài lực lượng thanh tra của Bộ, thanh tra của sở GDĐT, công tác thanh tra sẽ có thêm lực lượng thanh tra của tỉnh để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi; nhất là các khâu in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi, công tác coi thi và chấm thi.
Về công tác tuyển sinh, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục đại học, với các phương thức tuyển sinh khác nhau, như: Sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra… hoặc bổ sung thêm các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong tuyển sinh ĐH, CĐ cũng cần được Bộ GDĐT tăng cường; mặt khác cần phát huy hoạt động thanh tra, kiểm tra ở các cơ sở giáo dục đại học (hoạt động thanh tra nội bộ).
Mong rằng, với những giải pháp đồng bộ, được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ của Bộ GDĐT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do các tỉnh chủ trì sẽ thành công. Để đạt được điều này, cần sự chung tay, giám sát của toàn xã hội; đặc biệt là ý thức tự giác, phẩm chất đạo đức chuẩn mực của những người làm công tác tại Kỳ thi./.
Minh Nguyệt