Thực hiện tốt chương trình “mỗi xã một sản phẩm”

Thứ ba, 14/04/2020 15:03
(ThanhtraVietNam) - Ngoài nỗi lo chung về sức khỏe trước đại dịch Covid-19, một số hộ dân, chủ vườn ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang còn có nỗi lo mùa vải thiều chín đến nơi rồi, liệu thu hoạch rồi sẽ bán đi đâu? Thực tế cho thấy, nhiều hàng nông sản của nước ta đang đứng trước nguy cơ không tiêu thụ hết được, thị trường trong nước trong giai đoạn thực hiện phòng, chống dịch bệnh không thể tập trung đông đúc người mua, xuất khẩu ra nước ngoài càng khó.

Lâu nay, Trung Quốc là khách hàng chủ yếu của vải thiều và nhiều loại nông sản khác của Việt Nam. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên sức mua hàng nông sản giảm đi nhiều. Từ đầu năm đến nay nhiều xe hàng hoa quả đặc sản của ta như dưa hấu, thanh long có thời điểm đã bị dồn ứ, tắc nghẽn tại các cửa khẩu. Sau những cố gắng rất cao trong giao dịch với các cơ quan chức năng hàng nông sản đã được lưu thông.

Vải hay dưa hấu cũng chỉ là một trong rất nhiều thứ hàng nông sản đặc trưng cho mỗi địa phương ở Việt Nam, cũng như chè Thái Nguyên, hay chè Tân Cương cũng thuộc tỉnh Thái Nguyên, quả thanh long tại nhiều tỉnh miền Nam, hay húng Láng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét đã có từ bao đời nay đều là những thứ nông sản mang tính đặc sản của mỗi vùng đất, do thiên nhiên ưu đãi mà có. Hay là những sản phẩm của mỗi địa phương được chế biến từ nguyên liệu sẵn có như cốm Vòng, các loại bánh gần gũi với dân Thủ đô như bánh cuốn Thanh Trì, hoặc sản phẩm tiểu thủ công như lụa Hà Đông, lụa Tân Châu, đồ gốm Bát Tràng… Chính là do muốn phát huy những mặt mạnh của sản vật địa phương mà từ mấy năm nay, Chính phủ và các bộ ngành, chính quyền các địa phương đã cùng nhau đẩy mạnh sự phát triển của phong trào “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), vừa để đáp ứng yêu cầu của người mua trong nước, vừa để xuất khẩu, tạo thành một mũi nhọn đem lại nhiều hiệu quả cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nay gặp sự cố dịch bệnh ảnh hưởng đến tiêu thụ thì nỗi lo chung của cả nhà quản lý lẫn người sản xuất kinh doanh là làm sao giữ vững được khả năng sẵn có của chương trình cũng như tiếp tục mở rộng phát triển.

leftcenterrightdel
 Vải thiều tại hội chợ giới thiệu hàng nông sản địa phương (Ảnh: Internet)

Thời gian vừa qua, nhiều hoạt động đã cho thấy sự cố gắng của chính quyền các cấp và của nhiều doanh nghiệp, cũng như của những người sản xuất đặc sản. Như tháng 02, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị bàn việc phát triển ngành mía đường. Qua đây, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo việc xuất khẩu hàng nông sản, phải lấy chính ngạch làm quan trọng, không đổ xô vào tiểu ngạch, mỗi địa phương đều phải xem xét lại để cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ các hàng đặc sản để phát triển phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện tại với phong trào mỗi xã một sản phẩm, sản phẩm khó tiêu thụ thì giảm bớt sản xuất, tìm ra các mặt hàng mới dễ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tận dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh bán lẻ qua mạng. Nếu cứ như thế thì vẫn có thể duy trì và phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người sản xuất sản phẩm đặc trưng của mỗi tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 07/01/2020 đã tiến hành hội nghị triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó điểm quan trọng là cắt giảm bớt những điều kiện kinh doanh của nông nghiệp, triển khai mạnh 11 nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Tinh thần của hội nghị là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung triển khai quyết liệt hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch của Chính phủ. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường cũng như thế mạnh, truyền thống đặc sản của mỗi địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu, thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Ngoài ra, cần ưu tiên vốn đầu tư công, chú ý các dự án lớn nhằm phát triển ngành nông nghiệp nông thôn hiệu quả an toàn bền vững. Đi vào từng ngành cụ thể có thể thấy chủ trương trong những tháng qua đã được thực hiện rất tích cực như: Từ ngày 01/01/2020 ngành mía đường đã thực hiện khôn khéo hiệp định Atiga, xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường theo hiệp định, song vẫn phát triển ổn định ngành mía đường giữ được mọi điều khoản đã ký với các nước trong khối ASEAN. Theo các chuyên gia ngành mía đường dù hiệp định Atiga có hiệu lực nhưng vẫn còn 5% thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT, chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp như Hiệp hội mía đường khẳng định là vẫn còn tình trạng buôn lậu nên ngành mía đường cần có giải pháp vừa chống buôn lậu vừa kiểm soát và duy trì sản xuất trong nước. Như vậy, không phải mất tiền nhập khẩu từ nước ngoài và vẫn đối phó được tình trạng các nước sản xuất đường lớn trên thế giới có trợ giá dễ bóp méo thị trường.

Lãnh đạo hai ngành Nông nghiệp, Công thương và chính quyền các địa phương đã cùng lưu ý: Những vùng có thể phát triển đặc sản thì cứ tiếp tục cố gắng sản xuất hàng đặc sản, vừa kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp đầu tư sản xuất các hàng đặc sản mang tính chất mỗi xã một sản phẩm, tìm tới các địa phương có thế mạnh này, như 10 tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều khả năng khai thác và phát triển sản vật. Đến hết tháng 07 năm 2019, đã có 10 tỉnh trong số 14 tỉnh ở miền núi phía Bắc xây dựng và phê duyệt xong đề án triển khai chương trình OCOP, dự kiến được chuẩn hóa đến năm 2020 là 577 sản phẩm với nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng được thị trường trong và ngoài nước đón nhận tốt và mua nhiều.

Để hỗ trợ nhau trong việc phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm, các tỉnh miền núi phía Bắc đã thành lập các hiệp hội OCOP. Nhiều xã thuộc các huyện nghèo nhưng khí hậu tốt, đất đai màu mỡ đang ra sức phát triển các sản phẩm có thế mạnh tại địa phương như chè xanh, chè hoa vàng, mật ong rừng, trám đen, nấm lim xanh. Nhiều xã ở tỉnh Bắc Giang đã trồng vải thiều, vụ vải năm 2019 đạt hàng nghìn tỷ đồng. Cũng tại tỉnh Bắc giang để hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, tỉnh lồng ghép các chính sách của trung ương và chủ động ban hành chính sách riêng về hợp tác xã nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, tập trung đất đai, tham gia hội chợ, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn mác, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc để tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

Một số tỉnh miền núi đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện trương trình OCOP đồng bộ  trên cả nước. Khi về thăm tỉnh Sơn La vài tháng trước đây, lãnh đạo Chính phủ khen ngợi tỉnh miền núi này đã nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu trái cây. 

Rõ ràng, chương trình OCOP đang có sự phát triển ngoạn mục với nhiều sản phẩm từ lâu đã được khẳng định giá trị thì cần tiếp tục phát triển, đồng thời phải có thêm nhiều sản phẩm mới. Để hỗ trợ thiết thực cho việc phát triển các trương trình OCOP, theo các chuyên gia kinh tế, cần đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm này nằm trong định hướng chung của ngành nông nghiệp đưa nông sản Việt ra thế giới thông qua việc có nhiều đặc sản, đồng thời xây dựng chuỗi Logistic. Xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng năm đem về hơn 40 tỷ USD, nhưng nhiều khi vẫn còn ế hàng, thất thoát, thua thiệt, nhất là do chi phí cho vận chuyển hàng đi bán còn lớn, khiến lợi nhuận chưa cao. Để khắc phục, phải xây dựng chuỗi Logistic theo quá trình tích hợp từ các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển. Cũng cần đưa chính sách bảo hiểm nông nghiệp vào thực tiễn để đảm bảo sự an toàn cao, làm an tâm người dân và các doanh nghiệp trong thực hiện chương trình OCOP. Rất nên có sự liên kết, phối hợp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu hàng OCOP giữa các tỉnh, thành với nhau, nhất là khi cần cùng nhau vượt khó như hiện nay./.

                                                                                                          Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra