Trong những ngày vừa qua, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rộ lên vụ ngộ độc do ăn phải pate Minh Chay của một doanh nghiệp ở Đông Anh, Hà Nội.
Xác định ban đầu cho thấy đây là một vụ việc nghiêm trọng về vệ sinh ATTP trong năm 2020. Các cơ quan quản lý lĩnh vực: nông nghiệp, công thương và y tế đã vào cuộc để kiểm tra nguyên nhân của vụ việc, Cục ATTP Bộ Y Tế đã đề nghị Cơ quan Công an điều tra làm rõ vụ việc này để trả lời trước công luận. Qua thông tin của các cơ quan báo chí và ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP cho ta thấy: quy mô và tính chất của vụ việc là rất phức tạp, số lượng hàng được tung ra thị trường kể cả bán trực tiếp và bán online là khá lớn. 12.000 khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm này. Một số khách hàng do nhiễm độc nặng đang phải cấp cứu tại các bệnh viện.
Qua vụ việc này, sơ bộ chúng ta có thể rút ra một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, theo quy định hiện nay thì phần lớn những sản phẩm thực phẩm thông qua chế biến đang lưu hành trên thị trường nội địa đều được cấp Giấy phép đủ điều kiện sản xuất kinh doanh của cấp có thẩm quyền của các bộ, ngành liên quan, sau đó doanh nghiệp được phép tự công bố Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và trước khi lưu hành trên thị trường. Đây là một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý cần phải xem xét lại bởi một khi doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP và đã tự công bố chất lượng sản phẩm của mình thì sản phẩm thường xuyên được tung ra thị trường, chính vì vậy trong thực tế khó tìm ra doanh nghiệp nào tự công bố “sản phẩm mình không đạt chất lượng”.
Thứ hai, với điều kiện hiện nay theo thống kê cho biết, ở Việt Nam có hàng chục vạn cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm đa phần là nhỏ, lẻ đang hoạt động, chính vì vậy, cho tự công bố chất lượng sau hậu kiểm là một bài toán cực kì khó khăn và bất cập, không thể thực hiện được. Bởi, kỉ luật thị trường, kỉ luật sản xuất kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp và trong mỗi con người chưa được tự giác đến mức độ tuân thủ các quy định của pháp luật một cách nghiêm túc 100%.
Các cơ quan quản lý của các bộ, ngành liệu có hậu kiểm kịp thời và đầy đủ những sản phẩm tung ra thị trường hàng tháng hàng năm hay không? Điều đó mặc dù chưa có số thống kê nhưng chắc chắn là khó có thể thực hiện được trọn vẹn. Từ đó, dẫn tới những sơ hở bị lợi dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả quyền lợi của người tiêu dùng và của xã hội.
Thứ ba, câu chuyện của 1 kg thịt lợn trước đây do 3 Bộ quản lý: Bộ Nông nghiệp quản lý chăn nuôi, Bộ Công thương quản lý việc lưu thông thịt lợn đã giết mổ và Bộ Y tế quản lý các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến vẫn còn nguyên giá trị thời sự về công tác quản lý cho đến hôm nay.
Khi xảy ra vụ việc Pate Minh Chay thì cơ quan nông nghiệp địa phương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chế biến sản phẩm, sau đó thì lại mời cơ quan Y tế và Công thương vào xem xét kiểm tra và xử lý. Chính sự phân công cắt khúc dễ dẫn tới những đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ với nhau khi xảy ra các vụ việc. Mặt khác, việc chậm xử lý kịp thời những vụ việc nghiêm trọng. Thực tế chứng minh cho ta thấy hậu quả qua vụ việc này thì từ khi phát hiện đến khi đình chỉ lưu thông và thông báo cho người tiêu dùng mất tới gần 10 ngày.
Thực phẩm thiết yếu phải được kiểm soát chặt trước khi đưa ra thị trường để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng. Ảnh: PV&BT
Thứ tư, chúng ta đã có khá đầy đủ các Luật liên quan đến ATTP như Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, Luật Chất lượng hàng hóa, Luật Thương mại, Luật ATTP... Song, các nghị định hướng dẫn vẫn chưa thật đầy đủ, còn thiếu và chồng chéo cũng làm cho công tác quản lý thực sự gặp nhiều khó khăn.
Chính một lãnh đạo thuộc lĩnh vực quản lý thị trường từng thừa nhận, hiện nay hệ thống các quy chuẩn kĩ thuật, tiêu chuẩn quốc gia hoặc các quy định về an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm còn thiếu và chưa rõ ràng, thực tế này đã gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Rõ ràng đây cũng là một nguyên nhân làm cho công tác quản lý ATTP gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao, người tiêu dùng vẫn phải chịu trận với ma trận hàng hóa trên thị trường hiện nay, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến được tung ra thị trường hàng ngày.
Qua những vấn đề nêu trên cho ta thấy trước hết cần phải xem xét lại việc cho phép tự công bố chất lượng còn các cơ quan quản lý chỉ làm nhiệm vụ hậu kiểm sau khi sản phẩm đã được tiêu thụ. Đó là một “sơ hở chết người” cần phải xem xét lại. Cần kiến nghị những mặt hàng thực phẩm thiết yếu đối với đời sống xã hội của hàng trăm triệu người tiêu dùng hàng ngày, phải được tiền kiểm, quản lý chặt chẽ từng đợt hàng sản xuất trước khi tung ra thị trường.
Tiếp theo, cần phải xem lại việc phân công nhiều bộ ngành quản lý ATTP, đó là điều mà các nước tiên tiến không làm. Cần phải có một cơ quan quản lý ATTP nhà nước ở cấp Bộ hoặc cấp Cục , có quyền kiểm tra, giám sát, xử lý, các Bộ ngành liên quan chỉ tham gia phối hợp. Cần phải nâng cao chế tài xử lý các chế tài xử lý các vụ việc nghiêm trọng về ATTP đến mức phải xử lý hình sự hoặc rút đăng kí sản xuất kinh doanh vô thời hạn. Kỉ cương về ATTP cần phải được siết chặt để những cá nhân tổ chức không tuân thủ pháp luật sẽ không dám làm chứ không chót làm để chịu xử lý một cách khá nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe như hiện nay. Làm được việc đó chính là bảo vệ quyền lợi trước hết cho người tiêu dùng xã hội một sức khỏe và một cuộc sống an toàn bình an.
Vũ Vinh Phú-Nguyên PGĐ Sở Thương mại Hà Nội