Tích tụ để ruộng đất sinh lợi nhiều hơn

Thứ hai, 08/05/2017 14:36
(ThanhtraVietNam) - Muốn nền nông nghiệp nước nhà có bước phát triển đột phá và cạnh tranh được với thế giới thì phải áp dụng công nghệ cao, đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, huy động ngân hàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vay đầu tư cho nông nghiệp và nông dân, trong đó sớm triển khai gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực này.

Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét để có những thay đổi về chính sách, luật pháp để phát triển công nghệ cao theo hướng phù hợp thực tiễn và đặc thù của ngành Nông nghiệp, xúc tiến mở rộng thị trường nông sản. Cần phải làm nhanh những việc đó để thoát khỏi một thực tế đáng suy nghĩ, ấy là Việt Nam có hơn 70% dân số làm nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp khảng 20% GDP, trong khi có những nước như Hà Lan tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 2% dân số nhưng đóng góp 40% GDP. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất chậm lại trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng. Để thay đổi được điều này, ngành Nông nghiệp Việt Nam cần đổi mới phương thức sản xuất, trong đó có ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn với giá trị thương mại cao.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 
Chính phủ đã có chủ trương là sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách liên quan tới đất đai. Nhưng tại sao mới chỉ có khoảng 4.000 doanh nghiệp trong tổng số 600.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và việc ứng dụng công nghệ cao chưa được nhiều? Câu trả lời là: vì thiếu ruộng đất đủ rộng để lập trang trại, hay nhà máy, hoặc tạo cánh đồng mẫu lớn cấy lúa, trồng cây công nghiệp, trồng cỏ nuôi bò thịt, bò sữa, nên dẫu có nhiệt huyết, có vay được tiền ngân hàng nhưng đầu tư manh mún thì làm sao tiến hành hiệu quả được. Ngay cả khi muốn chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì cũng phải nghĩ đến việc có đủ quỹ đất. Năm 2017, diện tích canh tác hữu cơ tuy tăng 3,6 lần so với năm 2010 nhưng mới chỉ đạt 76.000 ha. Thế mà Việt Nam muốn sản xuất sản phẩm hữu cơ cũng như hiện đại hóa nông nghiệp thì cả hai mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân cũng cần đến một diện tích rộng cho mỗi cơ sở, nghĩa là cần đến một sự tích tụ ruộng đất, như ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: cần quy hoạch những vùng đất rộng.

Nhưng làm việc trên đâu có dễ vì phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của các chủ thể tham gia đầu tư rộng lớn vào nông nghiệp và phải nghĩ đến tâm lý cũng như quyền lợi về sử dụng đất của nông dân. Tích tụ ruộng đất để đem lại nhiều lợi hơn cho việc sử dụng, canh tác đất đai, hứa hẹn lợi nhuận cao cho những nhà đầu tư vào nông nghiệp, cho các nhóm hộ nông dân, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa giá trị cao, là ý tưởng hay, nhưng không được làm nghèo hóa người dân, không để người nông dân mất việc làm.

Thời gian qua, chính sách và pháp luật đất đai về cơ bản đã hoàn thiện, tạo điều kiện bước đầu cho người sử dụng đất tập trung tích tụ đất đai theo quy mô lớn. Chính sách này đã đem lại sự yên tâm của cả nông dân lẫn người thu gom, thuê mua đất, hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chuyển đổi tốt cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Một số mô hình liên kết sản xuất kinh doanh đã thành công với các cánh đồng mẫu lớn. Một số tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, An Giang đã có những mô hình sáng tạo tích tụ đất đai, khắc phục được tình trạng một số nơi để hoang hóa nhiều mảnh ruộng, hoặc có cấy trồng song không đem lại lợi nhuận cao, thậm chí thua lỗ. Việc tích tụ ruộng đất để hình thành các sơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp lớn cũng tạo thêm công ăn việc làm, lưu giữ được nhiều lao động nông thôn, tránh tình trạng nông dân ly hương ra thành phố.

Điều hay, điều lợi của việc tích tụ ruộng đất thì như thế, nhưng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình tập trung đất đai diễn ra chậm, ruộng đất manh mún tiếp tục cản trở việc lập các cơ sở nông nghiệp lớn, công nghệ cao và cơ khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Tuy một số doanh nghiệp đã tiến hành thuê đất của nông dân để lập nhà máy chế biến nông sản, trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nhưng thị trường cho thuê đất phát triểt kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất để xây nhà ở, xây dựng các khu đô thị mới. Sự bất cập, cản trở đó đang đòi hỏi phải có những đổi mới về thể chế, chính sách để thúc đẩy chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, trong đó có việc xem lại, chỉnh sửa Luật Đất đai và các văn bản dưới luật, nới lỏng quy định về đối tượng nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp, nới lỏng mức hạn điền. Tuy nhiên, như ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tích tụ ruộng đất cần tránh tính hình thức mà phải căn cứ vào nhu cầu thị trường, năng lực sản xuất của các nhà đầu tư. Khả năng làm ra nhiều sản phẩm giá trị cao đã vậy, nhà đầu tư còn phải giỏi tìm đầu ra, đem về lợi nhuận cao, đảm bảo kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như sòng phẳng trả tiền thuê đất cho nông dân, công lao động cho người làm thuê. Trong việc tính toán lợi ích thì đừng vội đồng hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp với nông nghiệp quy mô lớn. Việc tích tụ ruộng đất mới chỉ là tiền đề, còn có đem lại hiệu quả thực tế hay không còn tuỳ thuộc vào sự tài ba của doanh nghiệp hay chủ trang trại, người đứng đầu cơ sở sản xuất. Cũng phải tính cả đến khả năng ngăn ngừa rủi ro, vượt khó vì sản xuất, kinh doanh nông nghiệp vốn dĩ hay chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu biến đổi và dễ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế trong ngoài nước nếu xảy ra./.                                                                                    

                                                                                                 Trung Vũ

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra