Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân

Thứ tư, 23/09/2020 22:05
(ThanhtraVietNam) - Hiện nay, ở các đô thị, không khó để bắt gặp các cửa hàng thuộc ngành hàng bán lẻ, cơ sở sản xuất nhỏ. Điều này cho thấy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được hình thành và phát triển với các hình thức sản xuất kinh doanh phong phú.

Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới kinh tế đất nước đến nay, kinh tế tư nhân đã được Đảng và Nhà nước có những chính sách, biện pháp hỗ trợ vì sự phát triển này vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế trong nước, cũng là cách thức giao tiếp với kinh tế toàn cầu. Nhiều năm qua, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân, nhất là khi gặp khó khăn với dịch bệnh Covid-19. Ngay khi dịch bắt đầu diễn ra, Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội nghị với các doanh nghiệp cùng bàn cách vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần đổi mới, biến thách thức thành cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển và phục hồi nền kinh tế, chuẩn bị trước cho thời điểm hậu dịch Covid-19.

Qua các cuộc hội nghị, Chính phủ đã thống nhất cùng với các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) quyết định dùng các chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì sản xuất kinh doanh, dù gặp phải nhiều khó khăn do đại dịch gây ra. Đồng thời, có chính sách tài chính để các doanh nghiệp nuôi quân và dưỡng quân, hỗ trợ trực tiếp thúc đẩy giao thương nội địa và giao thương xuất khẩu.

Mặt khác, tự thân các doanh nghiệp cũng thấy không thể chỉ trông chờ toàn bộ vào nguồn tín dụng Nhà nước, mà cần huy động vốn trên thị trường. Họ đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018, tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh để vừa trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu. 

 

leftcenterrightdel
 Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam được tổ chức tháng 5/2019 (Ảnh: Internet)

Theo VCCI, Chính phủ cần hướng chính sách hỗ trợ đến khu vực phi chính thức, giảm bớt tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp nông thôn. 

Những năm gần đây, Nhà nước đã đẩy mạnh triển khai nguồn vốn đầu tư công với nhiều dự án công trình Nhà nước và các doanh nghiệp cùng làm. Chính hình thức này đã tạo nên một nguồn vốn, nguồn lực giúp cho kinh tế tư nhân phát triển. Để tiếp tục thúc đẩy theo phương thức đối tác công tư (PPP), cần có khung pháp lý ổn định cho những hợp đồng dài hạn quy mô lớn, nhiều rủi ro. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của pháp luật liên quan tới điều chỉnh hợp đồng. Chính vì thế, Chính phủ đã soạn thảo và trình ra Quốc hội Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Theo Chính phủ, cần ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững. Việc ban hành Luật PPP quy định chi tiết cho hoạt động này mới chỉ dừng ở các nghị định chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật  Bảo vệ môi trường, Luật  Doanh nghiệp,  Luật  Đất đai,  Luật  Xây dựng, Luật  Đấu thầu. Để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP, cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, quy mô lớn. Việc quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm được quy định tại luật, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực.

Từ luận điểm này, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hai phương án: Phương án 1 là quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực. Phương án 2 không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, đất nước. Trong xem xét bước đầu dự thảo luật, Quốc hội đã nhấn mạnh phải đảm bảo hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP, công khai minh bạch, không sân sau, không lợi ích nhóm, để đảm bảo chắc chắn hiệu quả công trình, minh bạch ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư. 

Nhiều đại biểu Quốc hội khi góp ý cho luật đã đề nghị tách bạch rõ ràng cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư theo hợp đồng. Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác phải tính bằng giá trị theo cơ chế thị trường.

Để phát triển kinh tế tư nhân vào thời điểm này còn phải lưu ý đến việc nhiều doanh nghiệp trong nước muốn tăng vốn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thu hút đầu tư tư nhân, theo nhiều chuyên gia kinh tế  có vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong nước, nếu đầu tư tư nhân tăng 1% sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm 0,15 điểm/ % trong năm 2020. Tầm quan trọng của thu hút đầu tư tư nhân đã được Chính phủ khẳng định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm an toàn xã hội trong bối cảnh vẫn còn đại dịch Covid-19, khiến doanh nghiệp cũng như người dân lâm vào tình cảnh khó khăn. 

Vậy phải làm sao để thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, huy động được nguồn vốn còn tích lũy lớn trong dân chúng? Theo nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ về kết nối cung cầu thị trường, cần xúc tiến các hoạt động thương mại, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, nhất là khai thác những lợi ích từ Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực. Qua đó, kích thích khu vực kinh tế tư nhân tăng cường đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ nên hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp lớn giữ vai trò đầu đàn đối với các doanh nghiệp nhỏ, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, Chính phủ nên thông qua hình thức phát hành trái phiếu nhiều hơn nữa liên quan đến các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ và các tài sản quý, có cơ chế giám sát các hoạt động cho vay ngang hàng, tháo gỡ thủ tục cho nhiều dự án đang ách tắc đầu tư, kinh doanh nhất là lĩnh vực bất động sản. Để thu hút đầu tư nhân, trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn hậu Covid-19, những rào cản về môi trường kinh doanh phải kịp thời tháo gỡ. Ngành Hải quan, ngành Thuế cũng phải có những chính sách mới giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ họ trong sản xuất kinh doanh tiêu thụ hàng trong nước và xuất khẩu hàng ra nước ngoài. 

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền nhiều tỉnh và thành phố đã và đang tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân đón sóng đầu tư mới qua các hình thức động viên cổ vũ, tăng cường phối hợp để giải quyết nhanh các hồ sơ dự án đầu tư, thẩm định sớm và nhanh. Với các dự án có liên quan đến đất đai, tỉnh sẽ cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiến hành nhanh và tốt việc giải phóng mặt bằng. Thực tế đang cho thấy, việc xúc tiến đầu tư từ các nguồn vốn xã hội đang ngày càng dồi dào, năm 2019 nguồn vốn này chiếm tới 34% GDP mà gốc của nguồn vốn nhiều trường hợp là từ kinh tế tư nhân. Sau khi đã được huy động, nguồn vốn này lại quay trở lại hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ mới để tiếp cận với sự tiếp sức của các tổ chức tài chính nước ngoài đang được kinh tế tư nhân kỳ vọng giúp họ tháo gỡ khó khăn về vốn. 

Theo các chuyên gia kinh tế, khoa học công nghệ luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng và là nguồn lực không thể thiếu cho kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế, nên họ phải chú ý ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo vào kinh doanh./.

                                                                                                        Trung Vũ

 

 

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra