<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">Trước thực trạng khô hạn ở
nhiều nơi trong nước ta, đặc biệt là Tây Nguyên, Nam Trung bộ, đồng bằng sông
Cửu Long, do sự biến đổi thất thường của thiên nhiên, mới càng thấm thía nỗi
khổ, sự thua thiệt kinh tế xã hội và khó khăn đời sống do thiếu điện chạy máy
bơm nước. Đã thế, các nhà máy thuỷ điện cũng chỉ chạy cầm chừng, vì còn phải xả
bớt nước để hỗ trợ chống hạn. Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn điện lực Việt
Nam (EVN), nước ta có 81 nhà máy thuỷ điện đang vận hành với tổng công suất
khoảng 15. 570 MW, chiếm 40,4% công suất toàn hệ thống. Nhưng trong đó chỉ có
38 hồ chứa nước có khả năng điều tiết nước phục vụ phát điện, tưới tiêu và cấp
nước cho hạ du trong cả mùa khô 2016 với tổng dung tích hữu ích là 33,01 tỷ m<sub></sub>3
nước. Thuỷ điện hiện vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện, song
sản lượng thuỷ điện đã liên tục giảm từ 59,8 tỷ kWh năm 2014 xuống còn 55,3 tỷ
kWh năm 2015. Muốn không giảm, nhất là muốn tăng sản lượng thuỷ điện là rất
khó. Bởi vì, như hiện tại, các nhà máy thuỷ điện khu vực miền Trung và miền Nam
đang được vận hành với yêu cầu vẫn phải cấp nước cho hạ du nên lượng nước trong
các hồ chứa nước chỉ còn lại già nửa tổng dung tích hữu ích cho chạy máy phát
điện. Thế mà do ảnh hưởng của Elnino kéo dài, lưu lượng nước về các hồ miền
Trung và <st1:country-region w:st="on"><st1:place w:st="on">Nam</st1:place></st1:country-region>
đều giảm nhiều nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến phát điện. <o:p></o:p></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">Để tiếp tục đảm bảo cung cấp đủ
điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là trong mùa khô năm 2016, ngành điện phải
tìm mọi cách khai thác thêm nguồn cung ứng điện, như khai thác tối đa các nhà
máy nhiệt điện than, khai thác hợp lý các nhà máy thuỷ điện kết hợp với đáp ứng
yêu cầu cấp nước cho hạ du. Đối với lưới điện, các đơn vị sẽ tập trung thi công
đảm bảo hoàn thành đóng điện các công trình đường dây 500kV Duyên Hải – Mỹ Tho,
220 kV Huế - Hoà Khánh mạch 2, 220 kV Bảo Thắng - Yên Bái và các công trình có
kế hoạch đóng điện trong quý 1 năm 2016. Để đảm bảo cân đối cung cầu điện giữa
ba miền Bắc -Trung - <st1:country-region w:st="on"><st1:place w:st="on">Nam</st1:place></st1:country-region>,
EVN đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm
trên lưới điện truyền tải vào vận hành. Ngành điện cũng đẩy mạnh việc phát
triển và sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT), để vừa có thêm nguồn cung ứng điện,
lại vừa đáp ứng những yêu cầu về vệ sinh, an lành môi trường sống. Một yêu cầu
bắt buộc trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là phải đảm bảo an ninh,
an lành năng lượng, là năng lượng xanh, giảm dần nguồn điện năng do chạy máy
điện bằng than, đưa tỷ lệ năng lượng sạch thông qua NLTT lên cao trong tổng số
năng lượng. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, xét
đến năm 2030 đã đặt mục tiêu phát triển nguồn NLTT từ nay đến 2020 nâng tỷ lệ
điện sản xuất từ NLTT lên 4,5% tổng số nguồn điện và đến 2020 là 6%. <o:p></o:p></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">Nhưng để đạt được mục tiêu trên
là rất khó, vừa phải xây dựng các cơ sở điện gió, điện khai thác năng lượng mặt
trời, vừa tiếp tục xây dựng thuỷ điện lớn và thuỷ điện nhỏ. Tiềm năng về NLTT
là rất lớn, nhưng hiện nay khai thác được rất ít. Chẳng hạn với điện gió, hiện
cả nước có 77 dự án đã đăng ký, tổng công suất trên 7 000 MW, nhưng hiện chỉ có
3 dự án tại: Tuy Phong - Bình Thuận, trên đảo Phú Quý và nhà máy điện gió Bạc
Liêu được triển khai và có điện bán vào hệ thống lưới điện quốc gia với tổng
công suất 52 MW. Tại các dự án này chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD/
MW và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD/ MW. Trong khi đó mức giá mua
điện gió hiện nay chỉ có là 7,8 Cents/ KWh, thấp nhất thế giới, nên các nhà đầu
tư điện gió phải chịu lỗ lớn, đáng ra mức giá phải từ 12 – 13 Cents/ KWh mới đủ
chi phí. Nhìn chung phát triển nguồn NLTT là nhu cầu bức thiết, nhưng lại đang
gặp nhiều vướng mắc nhất là do công nghệ và giá thành đầu tư tương đối cao. Nhà
nước cũng đã có những chính sách hỗ trợ để phát triển NLTT, như Quyết định 31 /
2014/QĐ- TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án sử dụng chất thải rắn; Quyết
định 24 /2014/ QĐ- TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối và
Quyết định 37/ 2011/ QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt
Nam, với nhiều sự hỗ trợ rất cụ thể, thiết thực, đang xem xét hiệu chỉnh theo
hướng tăng, song vẫn chưa đồng bộ và thấp so với thế giới. Để giải quyết hiệu
quả những vấn đề còn đang đặt ra, cũng như đảm bảo phát triển bền vững dài lâu,
ngày 25/ 11 / 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2 068 / QĐ -
TTg phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn
2050 với hàng loạt cơ chế, chính sách ưu tiên và mang nhiều tính đột phá, đáng
kỳ vọng nhất là tăng giá mua điện của NLTT và hỗ trợ nhiều hơn cho đầu tư, qua
đó có thể thu hút mạnh hơn các nhà đầu tư trong ngoài nước. Theo các chuyên gia
ngành điện, vấn đề quyết định là ở chỗ phải làm rõ mỗi KWh điện năng từ NLTT sẽ
được trợ giá cụ thể là bao nhiêu, phải cao hơn mức cũ. Hiện nay cũng như trong
vòng 10- 15 năm tới thì 2 dạng nguồn NLTT triển vọng nhất vẫn là điện gió và
điện năng lượng mặt trời nhưng phải hỗ trợ mạnh về giá mua điện. Mục tiêu phát
triển NLTT là khai thác 3000 – 5000 MW
công suất với sản lượng hơn 10 tỷ KWh vào năm 2025.<o:p></o:p></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">NLTT đang là nguồn, là định
hướng đầu tư xây dựng, khai thác cùng với đầu tư, phát triển nhiều nguồn năng
lượng khác của EVN. Tuy nhiên nỗ lực của riêng ngành điện là chưa đủ, mà còn
cần sự vào cuộc hỗ trợ, chung tay góp sức của toàn xã hội, như khai thác hiệu
quả các nguồn nước để phục vụ công tác tưới tiêu, đồng hành phối hợp ủng hộ
trong quá trình triển khai xây dựng các công trình phát điện, đặc biệt là ý
thức tiết kiệm trong sử dụng điện của
cộng đồng xã hội và của các doanh nghiệp.</font><font face="Times New Roman" style="font-size: 13pt;"><o:p></o:p></font></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align: right;"><span style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2"><b><i>Tổng hợp</i></b></font></span></p>