Tính ưu việt của chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19

Chủ nhật, 11/07/2021 22:38
(ThanhtraVietNam) – Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị của nước ta tham gia chống dịch quyết liệt với nhiều biện pháp đồng bộ. Gần đây nhất là chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) do Thủ tướng Chính phủ ban hành mang nhiều tính ưu việt, tinh thần hết sức nhân văn và được các Tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Không để bất kỳ người dân nào thiếu đói do dịch bệnh COVID-19

Bộ trưởng, chuyên viên 'vừa chạy vừa xếp hàng' đưa gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đến tay dân

Giảm 65 nghìn lao động trong quý II/2021

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương nên tình hình lao động, việc làm quý II/2021 chịu ảnh hưởng, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc quý II/2021 giảm 65 nghìn người so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 0,2 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng 0,4 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm và thu nhập của người làm công hưởng lương tăng. Cụ thể, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc 6 tháng đầu năm 2021 tăng 788,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm 0,07 điểm phần trăm; thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng 281,7 nghìn đồng.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,30% (quý I là 2,19%; quý II là 2,40%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,07%; khu vực nông thôn là 1,86%.

Những con số trên cho thấy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà hàng chục nghìn lao động bị mất việc, rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. 

leftcenterrightdel
 Hỗ trợ của Chính phủ lúc NLĐ đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là rất kịp thời và đáng quý. (Ảnh: Bộ Y tế)

9 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động

Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tham mưu các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Quyết định số 23/QĐ-TTg, các chính sách hỗ trợ, gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp, cập nhật báo cáo tình hình kết quả thực hiện hỗ trợ các đối tượng theo Quyết định này, kết nối, liên thông cung cấp dữ liệu báo cáo với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Có thể thấy rằng, các quy định cụ thể tại Quyết định số số 23/QĐ-TTg rất cụ thể, chi tiết, đảm bảo hỗ trợ các nhóm đối tượng trên tất cả các lĩnh vực và các mức hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia phổ biến, phối hợp triển khai và giám sát việc thực hiện Quyết định này. Do đó, các chính sách hỗ trợ theo Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Điều này thể hiện sự ưu việt của chế độ ta cũng như sự kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đúng như quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Như vậy, lúc Nhân dân khó khăn do mất việc làm, tạm nghỉ, thu nhập giảm, nông sản khó khăn trong tiêu thụ, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh buộc phải ngừng hoạt động… Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp NLĐ, NSDLĐ giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống hàng ngày.

leftcenterrightdel
 Chính sách hỗ trợ đã đến tay với người lao động TP.HCM. Ảnh: VOV

Đơn giản hóa tối đa các thủ tục, chính sách đã đến được với nhiều người lao động

Ngay khi Quyết định 23/QĐ-TTg được ban hành, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã chủ trì buổi họp báo công bố Quyết định và truyền đi thông điệp, đơn giản hóa tối đa các thủ tục với phương châm thông thoáng nhất để NLĐ và NSDLĐ tiếp cận dễ dàng nhất nhưng vẫn đúng luật.

Đặc biệt, Quyết định có những điểm mới rất quan trọng. Theo đó, 12 nhóm đối tượng chính sách sẽ được cụ thể hóa một cách chi tiết nhất. Phân cấp, phân quyền rõ ràng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu là Chủ tịch UBND các chính quyền địa phương.

Đối với lao động tự do - đối tượng bị tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời cho đối tượng này. Tuy nhiên, để làm thủ tục giải ngân cho đối tượng này rất khó khăn nên Chính phủ chỉ đưa mức sàn, còn mức hỗ trợ cụ thể sẽ do địa phương quyết định.

Chỉ sau hai ngày họp báo công bố chính sách, đến ngày 9/7 và 10/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều lao động tự do nghèo tại địa phương này đã được cán bộ phường đến tận nơi để trao số tiền 1,5 triệu đồng. Số tiền kịp thời đã đến được với đối tượng yếu thế được đánh giá bị tác động lớn nhất bởi dịch bệnh Covid-19 này càng ý nghĩa hơn khi người lao động nghèo chưa biết làm gì để có tiền sau khi những gánh hủ tiếu dạo, những xe thu mua ve chai...phải ở nhà để phòng, chống dịch. Đó là những hình ảnh, thực sự xúc động và ý nghĩa.

Thực tế, với cách thức thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, khi các tổ dân phố nộp danh sách lên là phường sẽ xét duyệt ngay, nếu đúng đối tượng theo quy định sẽ cử cán bộ đến tận nhà trao tiền luôn, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, Thành phố Hồ Chí Minh đang đồng thời chạy đua chống dịch và cũng "thần tốc" đưa chính sách tới tay người lao động...

Như vậy, chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Chính phủ đang phát huy được tính ưu việt trong đời sống xã hội của Việt Nam. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chính sách đã rất kịp thời đến tay đúng đối tượng được hưởng, giúp họ giảm bớt khó khăn, gánh nặng trong hoàn cảnh tác động của dịch bệnh. Góp phần củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta./.

Minh Nguyệt

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra