Trí thức, văn nghệ sĩ nâng cao ý thức xây dựng văn hóa và tăng cường cống hiến

Thứ tư, 14/10/2020 14:27
(ThanhtraVietNam) - Đây là tinh thần phấn đấu mà xã hội đang đặt ra với giới trí thức và văn nghệ sĩ. Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, cũng là năm bứt phá hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Trong tinh thần phục vụ những nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, thời gian vừa qua, nhiều hiệp hội trí thức, văn học, nghệ thuật đã tiến hành hội nghị bàn công tác trong những năm tới, chọn lựa những đảng viên xứng đáng bầu vào cấp ủy cơ quan và Đảng đoàn hiệp hội với quyết tâm cao, nỗ lực hơn nữa để đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Vừa qua, nhiều ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã được đông đảo các vị trí thức, văn nghệ sĩ chú ý lắng nghe, nhân dịp Hội nghị kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (tháng 7/1948 - tháng 7/2018), đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu và nhấn mạnh: “Người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống; Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, phản ảnh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Đồng thời, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới khác nhiều so với thời kỳ chiến tranh quan liêu, bao cấp. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay. Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.” Chỉ có như vậy mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người và cần thiết cho công chúng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời phỏng vấn của Thời báo văn học nghệ thuật, đã nói rõ ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ kính yêu đã từng nói rất sâu sắc rằng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đảng ta đã kế thừa các giá trị văn hóa của cha ông và luôn coi văn hóa nghệ thuật là bản sắc của sự phát triển bền vững trường tồn. Nghị quyết 33 NQ/TW ngày 09/6/2014 với mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong kết nối nguồn lực, gắn kết toàn dân, hướng đến bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.

Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế, đồng thời, phải chăm lo phát triển văn hóa con người. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quản lý về hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp xây dựng văn hóa, giáo dục và con người trong thời kỳ mới. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật có phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn phù hợp. Tiếp tục chú trọng phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc trong các giai đoạn phát triển đất nước là một yêu cầu thời đại của bất kỳ dân tộc nào.

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hội nhập, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý III năm 2020. Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam là nơi tập hợp đoàn kết các tổ chức thành viên, các hội văn học nghệ thuật trực thuộc để phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương trao tặng Bằng khen cho các văn nghệ sỹ, nhà khoa học, trí thức tiêu biểu năm 2020. (Ảnh: Tuyengiao.vn) 

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ngành Tuyên giáo, ngày 31/7/2020, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị gặp mặt các đại biểu tri thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Đồng chí Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư đã đến dự và phát biểu ý kiến với nội dung: “Trong 90 năm qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã có vai trò quan trọng và đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đóng góp trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Đảng và Nhà nước thông qua nhiều giải thưởng, chức danh, danh hiệu thể hiện chủ trương ưu tiên cho trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ”.

Cả nước hiện nay có khoảng 170.000 cán bộ khoa học và công nghệ, hơn 43.000 văn nghệ sĩ hoạt động ở các hội trung ương và địa phương. Các tổ chức hội và hội viên luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng chuyên môn, khơi dậy lòng say mê, tìm tòi, sáng tạo gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Qua đó, đã có nhiều công trình giá trị, tác phẩm giàu tính nghệ thuật ra đời, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, dù trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà cũng luôn yêu nước nồng nàn, tự tôn, gắn bó và đồng hành với dân tộc. Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, cùng với toàn Đảng toàn dân, bằng hoạt động kiên trì, thầm lặng, tâm huyết và đầy sáng tạo, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trên các lĩnh vực, đã góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội, kém phát triển và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đồng chí Trần Quốc Vượng bày tỏ sự mong muốn trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục thủy chung, đồng hành với dân tộc, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân, đem tài năng của mình sáng tạo nhiều hơn những công trình, tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn, tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ cao nhất cho công cuộc đổi mới, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đông đảo các nhà trí thức, khoa học, văn nghệ sĩ dự hội nghị này đã rất hoan nghênh và nhiệt liệt hưởng ứng ý kiến của đồng chí Thường trực ban Bí thư Trần Quốc Vượng./.

                                                                                                                  Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra