Từ ruộng vườn, trang trại đến bàn ăn

Thứ hai, 19/06/2017 14:32
(ThanhtraVietNam) - Tại các phiên làm việc, trả lời chất vấn của Quốc hội, thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn được các Đại biểu Quốc hội đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến độ tin cậy trong vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm nông lâm thủy sản.

Sản phẩm nông nghiệp vốn là cái gốc của thực phẩm, từ ruộng vường trang trại dẫn đến bàn ăn phải làm sao để không dẫn đến con đường từ bàn ăn đến nghĩa địa. Cái gốc an toàn thực phẩm có liên quan đến thị trường, nông dân không có tư cách pháp nhân nhưng lại sản xuất và bán sản phẩm để làm thực phẩm nhiều nhất trong khi cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thực tế công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng đã có hiệu quả nhất định, nhưng ngoài việc truy xuất từ gốc nông sản, các cơ quan chức năng hiện khó phát hiện được hết những trường hợp sản xuất, kinh doanh nông sản vi phạm vệ sinh an toàn, như thịt heo chứa chất tạo nạc, rau hoa quả, thịt cá bị bơm phụ gia, ngâm tẩm ướp hóa chất độc hại. Mới chỉ có sản phẩm động vật tại một số cơ sở là có giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo lô hàng. Còn phần lớn rau củ quả, tôm cá không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo, khiến cho các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó giám sát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm để cũng như xử phạt những trường hợp vi phạm.

Trong kinh doanh nông sản để làm thực phẩm, phần lớn những doanh nghiệp chân chính khó có thể đảm bảo hàng hóa của mình khi nguồn sản phẩm nông nghiệp đầu vào sản xuất đã khó có thể tin chắc là tốt. Dù có chọn được đầu vào sạch đi nữa, sau khi chế biến, đem bán ra lại dễ bị đánh đồng với sản phẩm của một số nhà sản xuất kinh doanh thiếu lương tâm lợi dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ không an toàn để hạ giá thành sản phẩm, dễ dàng cạnh tranh với người làm ăn chân chính. Do đó, nguyên liệu gốc để làm ra thực phẩm từ sản phẩm nông nghiệp là vô cùng quan trọng, phải kiểm soát kỹ mọi phương diện.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Nguồn nguyên liệu, cũng như hàng thực phẩm có nguồn gốc, thành phần từ cây trồng biến đổi gen đã tràn vào Việt Nam từ 20 năm nay, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khâu kiểm soát lại lơ là, bán hàng mập mờ, thiếu minh bạch. Trong chăn nuôi, việc nhập quá nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn là ngô, đậu biến đổi gen đã khiến sản phẩm từ nông nghiệp biến đổi gen tiếp tục gây tâm lý lo ngại trên thị trường với người tiêu dùng.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, từ ngày 20 đến 29 tháng 06 năm 2017 Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Phạm vi kiểm tra từ tàu cá, cảng cá, cơ sở nuôi thủy sản, chợ đầu mối, thu mua, đến sơ chế, bảo quản, chế biến. Nếu kết quả thanh tra tiêu cực sẽ gây tâm lý sợ không mua của người tiêu dùng trong nước nhất là ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu thủy sản. Việt Nam được hưởng thuế ưu đãi rất lớn khi xuất khẩu thủy sản vào EU nên các nước EU yêu cầu hàng hóa phải đảm bảo xuất xứ về an toàn thực phẩm, chứ không đơn giản chỉ cần không sử dụng kháng sinh, hạn chế dùng hóa chất bảo quản. Thực tế, để tránh bị thiệt hại do không mua hoặc trả lại hàng không đủ chất lượng vệ sinh an toàn thực phảm, thì ngay từ gốc nông lâm thủy sản đã phải nhận diện, kiểm soát lọai bỏ các mối nguy an toàn thực phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, đến chế biến nhất là đưa hóa chất vào thực phẩm.

Các Đại biểu Quốc hội đã yêu cầu bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc kháng sinh, hóa chất có trong sản phẩm, tạo ý thức bảo vệ môi trường cho những người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Thị trường thế giới, như Mỹ đã có những quy định khắt khe về an toàn thực phẩm, cũng là hàng rào lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Thị trường thế giới luật hóa ngay từ phòng ngừa an toàn thực phẩm nhập khẩu, họ kiểm tra từ sản xuất, cung cấp nguyên liệu, đến chế biến đóng gói và đưa ra thị trường. Vì vậy, ngành nông nghiệp nước ta muốn xuất khẩu tốt, phải đặc biệt chú ý đến điều này.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ nông sản là xu hướng đang được thế giới chọn lựa. Ở nước ta, xu hướng này trên thị trường đã xuất hiện và một số nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm có xuất xứ nông sản đã chú ý, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không dùng hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Diện tích sản xuất hữu cơ ở nước ta hiện là 76 000ha, gấp 3,6 lần so với năm 2010. Nhiều sản phẩm đã được chứng nhận cũng như được bán trong nước. Với nhu cầu cấp bách của thị trường về an toàn thực phẩm, tiềm năng phát triển của ngành thực phẩm hữu cơ đã và càng ngày càng gắn với an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người mua hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua nông sản hữu cơ cho sạch thì các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ có thể yên tâm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất nông sản hữu cơ cần lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm để có hướng đầu tư sản xuất thích hợp với nhu cầu của từng thị trường, gắn với thị hiếu an toàn thực phẩm. Bộ cũng đang phối hợp với các bộ ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm triển khai đồng bộ sự hướng dẫn sản xuất thực phẩm theo lợi thế quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm, đặc sản vùng miền đáp ứng tốt nhất yêu cầu cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn thực phẩm cao nhất.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản xuất khẩu nông sản cần chú ý đến các quy định trong nước và đòi hỏi của các nước về an toàn thực phẩm. Tận dụng sự hỗ trợ của nhà nước, cùng xây dựng hệ thống tổ chức chứng nhận về sinh an toàn thực phẩm. Để quản lý tốt an toàn thực phẩm, đã có ý kiến đề xuất nên có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương bao gồm cả ba lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương, sớm sửa đổi Nghị định 38/CP, phân công lại trách nhiệm của 3 Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Đây là ý kiến đề xuất tại một hội thảo mới đây về “An toàn thực phẩm ở Việt Nam- từ nghiên cứu đến chính sách”.

Nhìn chung, ngành Nông nghiệp còn rất nhiều việc cần làm bởi dù kinh tế hằng năm vẫn tăng trưởng nhưng dường như con số này mất nhiều ý nghĩa khi an toàn thực phẩm không được bảo đảm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải cùng Chính phủ và toàn dân tuyên chiến với nông sản, thực phẩm bẩn.

                                                                                                            Trung Vũ 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra