Vai trò của văn hóa kinh doanh

Thứ năm, 03/12/2020 15:37
(ThanhtraVietNam) - Nghe qua, tưởng chừng đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì đến nhau. Nhưng trên thực tế thì đây lại là hai lĩnh vực có sự gắn bó rất mật thiết với nhau. Kinh doanh hiện nay đang được diễn ra giữa một thời đại văn minh, văn hóa rất phát triển, bỏ xa những cách thức xưa cũ.

Các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội ngày nay phát triển rộng khắp toàn cầu, tạo nên một lớp người tiêu dùng mới khác hẳn trước đây về tâm lý, thị hiếu, vì thế nên muốn hoạt động kinh doanh tốt, thì doanh nghiệp, doanh nhân không thể bỏ qua sự tác động từ lĩnh vực đời sống văn hóa. Chính vì thế, muốn kinh doanh tốt thì phải nghĩ đến văn hóa kinh doanh. Thời gian gần đây, Chính phủ và các bộ ngành ở nước ta đã ra sức hoạch định nhiều chính sách, cổ vũ việc xây dựng văn hóa kinh doanh, bản thân các doanh nghiệp cũng đang cố gắng làm tốt việc này.

Ngay từ đầu tháng 11, vấn đề văn hóa kinh doanh đã được đưa ra thảo luận sôi nổi. Ngày 08/11, Ban tổ chức triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (gọi tắt là ban tổ chức 248) đã phối hợp với các bộ ngành liên quan cùng tổ chức Diễn đàn với chủ đề “tái thiết kinh tế trong  bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh” do. Diễn đàn này là dịp tôn vinh những doanh nghiệp có nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, củng cố văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 4 năm ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10/11 hàng năm. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nêu ý kiến: “Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước, đến tất cả các nhân tố thuộc văn hoá kinh doanh, văn hóa daonh nghiệp như: Triết lý, đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử, văn hóa tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sáng tạo xã hội, tinh thần kinh doanh vì xã hội, khởi nghiệp sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững. Đến nay nhiều doanh nghiệp, tổ chức cơ quan, đoàn thể và cá nhân đã đồng hành cùng Chính phủ tìm cách tái thiết kinh tế đất nước, nhằm phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch. Tuy nhiên, các giải pháp đặc thù từ góc độ văn hóa vẫn còn bỏ ngỏ”.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Nhân dịp này, tại một cuộc hội thảo khác do Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức cũng về nội dung văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế, cán bộ quản lý kinh doanh đã nêu những ý kiến sâu sắc như: Văn hóa doanh nghiệp có hàng trăm định nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung lại thì văn hóa doanh nghiệp là yếu tố chi phối hầu hết kết quả của doanh nghiệp. Mục tiêu của doanh nghiệp luôn là lợi nhuận và bảo đảm điều kiện tài chính tốt thì văn hóa doanh nghiệp chính là chìa khóa cho sự thành công hay thất bại của các doanh nhân Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoài đặc điểm của doanh nghiệp toàn cầu, nhưng có sự khác biệt cơ bản là vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do vậy văn hoá doanh nghiệp cũng cần theo sát với thực tế chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam.

Nước ta có dân số 96 triệu người, xếp thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, đó là chỗ dựa vững chắc cho kinh tế tiêu thụ nội địa. Chính phủ đã tạo ra cho Việt Nam một vị thế mới trong huy động sức dân, thực hiện nhiệm vụ ổn định, công bằng, hiệu quả, hướng mọi giải pháp theo mục tiêu vì người dân. Việc chống dịch Covid thành công đưa Việt Nam lên hàng đầu thế giới về việc này, tạo ra niềm tin về an toàn kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có người bị nhiễm Covid, họ phải hy sinh cá nhân, cái nhỏ để dành cho hiệu quả của quốc gia dân tộc. Nhờ phòng chống dịch tốt, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đáp ứng yêu cầu của thị trường biến động giữa thị trường truyền thống và các thị trường mới. Để ứng phó với đại dịch Covid doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp với các nội dung: Ứng xử tốt với khách hàng thông qua các hợp đồng kinh tế, đây chính là nguồn thu để bảo đảm cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Một thời gian dài nhiều chủ doanh nghiệp đã coi khách hàng là thượng đế, các doanh nghiệp thành đạt thường có chính sách khách hàng nhằm tạo ra niềm tin khi ký kết các hợp đồng kinh tế. Giành được niềm tin đã khó, nhưng giữ được niềm tin ấy để phát triển doanh nghiệp bền vững còn khó hơn rất nhiều. Niềm tin của khách hàng là bộ lọc giúp họ lựa chọn thông tin về sản phẩm, ứng xử để chi phối mọi hành động trong mua bán hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp. Vì thế chính sách khách hàng hợp lý sẽ bảo đảm cho doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kinh doanh và bảo đảm điều kiện tài chính lành mạnh trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc gia và quốc tế. Cũng cần ứng xử tốt trong nội bộ thông qua quy chế làm việc.

Sang thế kỷ 20, các doanh nghiệp cũng đã cân nhắc để sửa cách ứng xử với khách hàng và nhân viên để phù hợp với lối kinh doanh toàn cầu. Ứng xử với nhân viên phải được coi trọng từ các khâu tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, quyền lợi. Quy chế doanh nghiệp cần quy định sao cho có thể bảo đảm cho doanh nghiệp thực hiện đúng mọi quy định của pháp luật, chấn chỉnh một thực tế là muốn tạo sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài còn gặp quá nhiều vướng mắc do luật pháp chưa hoàn thiện, vốn ngân sách chưa được sử dụng hợp lý trong đầu tư và phân phối. Phải dễ dàng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp để thực hiện tốt hơn thủ tục hành chính, cùng với họ chống tham nhũng, hối lộ.

Một chuyên gia kinh tế khác đưa ra cái nhìn: Vấn đề văn hóa doanh nghiệp ở nghĩa rộng thường được hiểu đồng nghĩa với văn hóa kinh doanh còn ở nghĩa hẹp, nó được hiểu là phương thức ứng xử, cách thức ứng xử riêng làm nên bản sắc văn hóa của mỗi doanh nghiệp. Lý thuyết cũng như thực tế đã khẳng định và chứng minh rằng văn hóa kinh doanh hay văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, cơ bản cho sự thành công của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp Việt Nam trụ lại, vươn lên trong cuộc chiến với Covid đều thừa nhận vai trò trụ đỡ của văn hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục tạo niềm tin cho doanh nghiệp vào các giải pháp vĩ mô hỗ trợ của nhà nước trong đối phó với dịch Covid. Đảm bảo các gói cứu trợ, hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh đến được doanh nghiệp. Đó là những vấn đề doanh nghiệp đang trông đợi Nhà nước, song tự bản thân họ thì cần quán triệt thiết thực hơn văn hóa doanh nghiệp, xem như là nguồn lực phi vật thể cần có, cần phát huy hơn nữa. Đi vào cụ thể, cần nuôi dưỡng, phát huy yếu tố văn hóa trong quản trị doanh nghiệp, biến các giá trị văn hóa này thành giá trị vật chất cho doanh nghiệp. Trước nguy cơ dịch bệnh kéo dài, thì bên cạnh những cố gắng, tìm các cứu cánh vật chất, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến các cứu cánh phi vật chất đem lại các giá trị tinh thần to lớn trong đó có văn hóa kinh doanh./.

                                                                                                              Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra