Nghệ sĩ tăng quảng cáo "thổi phồng", giảm uy tín bản thân
Trong xã hội hiện đại ngày nay, các nghệ sĩ không chỉ kiếm tiền bằng cách tham gia diễn xuất, biểu diễn, dẫn chương trình… mà họ còn kinh doanh và tham gia các hoạt động quảng cáo, làm gương mặt đại diện cho một số thương hiệu, nhãn hàng.
Việc xuất hiện trong clip quảng cáo trên truyền hình chính thống của các nghệ sĩ đã được kiểm duyệt về mặt nội dung và nguồn gốc, xuất sứ của sản phẩm. Tuy nhiên, "tận dụng" tầm ảnh hưởng với người hâm mộ theo dõi (follow) trên Facebook, Tik Tok hay YouTube lớn từ vài nghìn đến vài chục nghìn, thậm chí hàng triệu người, nhiều nghệ sĩ đã tự ý viết bài quảng cáo cho sản phẩm hoặc “livestream” trực tiếp về đặc điểm của sản phẩm đó nhằm giới thiệu đến người hâm mộ. Đáng nói, có những sản phẩm, nhãn hàng được nghệ sĩ quảng bá trên mạng xã hội cá nhân của mình chưa được kiểm chứng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí chính bản thân các nghệ sĩ cũng không nắm rõ về sản phẩm, chưa từng dùng sản phẩm đó bao giờ nhưng vẫn giới thiệu, nói vô cùng tốt về sản phẩm và khẳng định mình đã trải nghiệm rồi.
Điều đáng buồn là, không ít người dân, người hâm mộ vì sự nổi tiếng của nghệ sĩ đó mà tin tưởng sản phẩm họ quảng cáo là tốt, tin tưởng những lời họ nói về sản phẩm đó là sự thật nên quyết định mua mà không đắn đo suy nghĩ và cũng không tìm hiểu về sản phẩm đó nữa. Với họ, nghệ sĩ A, diễn viên B nổi tiếng thế còn dùng sản phẩm và khen sản phẩm đó tốt cơ mà.
Thực tế, trong thời gian gần đây, không ít các nghệ sĩ nổi tiếng đã phải lên mạng xã hội cá nhân của mình để đính chính thông tin và xin lỗi người hâm mộ về những gì họ đã quảng cáo, giới thiệu sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất sứ và cường điệu hoá về công dụng của sản phẩm.
Mới đây, một diễn viên, MC nổi tiếng đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ, khán giả khi một nhãn hàng chia sẻ clip người nghệ sĩ này giới thiệu sản phẩm có chức năng hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Tuy nhiên, thực chất công dụng của sản phẩm này không phải như vậy.
Đáng trách, một nghệ sĩ hài nổi tiếng khác được phản ánh là có dấu hiệu làm giả giấy tờ bệnh án cho chính mình để livestream quảng cáo cho một sản phẩm có khả năng làm “tiêu tan u xơ, u nang”. Song đến nay, vẫn đang chọn sự im lặng với người hâm mộ và dư luận.
Theo đánh giá của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), những năm qua, cùng với những đóng góp của các nghệ sĩ bằng lao động nghệ thuật và tích cực tham gia các hoạt động xã hội thì gần đây một một số nghệ sĩ, diễn viên, người biểu diễn tham gia hoạt động quảng cáo có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân; một số tổ chức, cá nhân phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đến nhân phẩm, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ và gây bức xúc trong nhân dân.
Nhiều nghệ sĩ dùng mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm vi phạm quy định của pháp luật. (Ảnh minh hoạ - Internet)
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Để chấn chỉnh thực trạng trên, mới đây, Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản số 1854/BVHTTDL-NTBD về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong đó, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.
Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối các trường hợp có sai phạm.
Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam yêu cầu các hội viên tham gia hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, lan toả những việc làm tốt, những hình ảnh đẹp, tác phong, ứng xử văn hoá đến cộng đồng, xã hội và thực hiện nghiêm Điều lệ, nội quy, quy chế của Hội và các quy định pháp luật có liên quan.
Hành lang pháp lý tương đối đầy đủ
Ngày 01/6/2021, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo có hiệu lực thi hành. Trong đó, Điều 50, Điều 51 của Nghị định này quy định vi phạm về quảng cáo thuốc, vi phạm về quảng cáo mỹ phẩm.
Một nội dung đáng chú ý của Nghị định là quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC của thanh tra và phân định thẩm quyền xử phạt VPHC tại Điều 65. Cụ thể, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC có giá trị không vượt quá mức tiền phạt nêu trên; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và đ Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý VPHC.
Chánh Thanh tra cấp sở, Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh Thanh tra Cục Hàng hải, Chánh Thanh tra Cục Hàng không, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật, thú y, chăn nuôi, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, đê điều, lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Trung tâm Tần số khu vực có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực văn hoá; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực quảng cáo.
Chánh Thanh tra cấp bộ, Tổng cục trưởng, Cục trưởng một số Tổng cục, Cục có chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực quảng cáo. Mặt khác, có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.
Bên cạnh đó, còn nhiều văn bản pháp luật hiện hành quy định cụ thể về lĩnh vực quảng cáo. Như vậy, hệ thống pháp luật về quảng cáo tương đối đầy đủ, thẩm quyền xử phạt được quy định cụ thể, rõ ràng đối với từng hành vi vi phạm.
Song điều quan trọng nhất là mỗi nghệ sĩ cần thẳng thắn xem xét, nhìn nhận lại việc tham gia vào các hoạt động quảng cáo sản phẩm một cách "thổi phồng", thiếu căn cứ, đặc biệt là những nghệ sĩ kiếm thu nhập bằng hình thức quảng cáo cho các sản phẩm, cần có sự điều chỉnh phù hợp với thuần phong mỹ tục, với quy định của pháp luật và đặc biệt là niềm tin, sự yêu mến của khán giả, người hâm mộ - sự sống còn trong sự nghiệp của họ./.
Minh Nguyệt