Nhìn lại những gì đã làm được tốt hay chưa tốt của năm cũ 2020 để tiến tới làm mạnh mẽ hơn trong năm mới. Nhìn chung, mặc dù 2020 là năm có nhiều khó khăn thách thức lớn bất ngờ xuất hiện, tác động xấu đến nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới, nhưng nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu đóng góp to lớn, bền bỉ chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ. Việt Nam còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân.
Khái quát lại, mặc dù còn chưa hoàn thành một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong năm năm vừa qua. Cũng theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, không được chủ quan tự mãn kiêu ngạo, mà xin chúc Chính phủ tiếp tục điều hành tốt công việc để năm 2021 sẽ phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020. Muốn thế, cán bộ phải luôn luôn đấu tranh với chính mình trước cám dỗ đời thường nhất là với những người đang có chức, có quyền làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, sử dụng tài sản công, tài nguyên môi trường, cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh, công tác tổ chức cán bộ. Theo số liệu thống kê có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ XII.
Còn theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, 2020 là năm không chỉ thành công về kinh tế mà còn cả về tinh thần ý chí vượt khó vươn lên. Bất luận trong hoàn cảnh nào Chính phủ đều nhận diện những hạn chế khó khăn như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng nguồn nhân lực còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Thủ tướng cũng nhận định: Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa. Các chỉ tiêu cho năm 2021 trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6% đã được cân đối tính toán trên nhiều yếu tố. Mặc dù xác định tình hình còn có nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5% trong năm 2021. Chính phủ và các bộ ngành đã phác thảo những nhiệm vụ theo tinh thần thực hiện thắng lợi mục tiêu cao về kinh tế xã hội cho năm 2021. Sau khi phác thảo bàn định các kế hoạch, dự án mới thì nhiều bộ, ngành đã bắt tay ngay vào việc thực hiện như ngành nông nghiệp đẩy mạnh khai thác hàng nông lâm thủy sản để xuất khẩu nhiều hơn, kim ngạch thu về cao hơn và thực hiện tốt việc trồng rừng quyết trồng mới 4 triệu ha rừng để hoàn thành chỉ tiêu 14 triệu ha rừng cho nước ta.
Ngành Tài chính, cùng với ngành Kế hoạch - Đầu tư bàn cách triển khai nhanh và hiệu quả các gói kích thích kinh tế, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế, thì các gói kích thích kinh tế nên tập trung vào giải cứu một số doanh nghiệp theo các tiêu chí hợp lý về mặt kinh tế thay vì cứu đại trà các doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiều doanh nghiệp có kế hoạch theo thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, dự kiến đến hết năm 2021, song nhìn chung xu hướng tái cơ cấu hoạt động và chuyển đổi số tuy là xu thế rất đáng khích lệ nhưng số doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể vẫn còn cao, thiếu xác định được đường hướng kinh doanh cho đến hết năm 2021. Đây chính là điểm cần lưu ý xem xét và điều chỉnh lại cho sát trước một thực tế là mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng nguy cơ tái diễn vẫn còn, trên thế giới dịch bệnh có xu hướng xấu đi, nên chỉ có thể kích thích tăng trưởng kinh tế phục hồi kinh tế trong bối cảnh kiềm chế và dập tắt đại dịch.
Theo các chuyên gia kinh tế thì các gói kích thích kinh tế không phải là thuốc thần và không thể cứu hết doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là khi nguồn ngân sách hữu hiệu còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, chỉ có thể cứu được một số doanh nghiệp theo các tiêu chí hợp lý về mặt kinh tế và thực tiễn tối đa, bảo đảm minh bạch công bằng và thực thi cao.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu của các gói kích thích là không nên cứu các doanh nghiệp yếu kém để sau đó tạo ra gánh nặng nợ cho nền kinh tế, mà chỉ nên tập trung ưu tiên giải cứu hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế nước ta năm 2021 cũng như dài hạn. Mức độ ngành hàng thuộc diện giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi hay thiệt hại từ đại dịch. Việc thiết kế các gói chính sách hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tập trung sản xuất kinh doanh để cung cấp ra thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: PV&BT
Thêm nữa, cần được đặt trong bối cảnh mới như chiến tranh thương mại, thực hiện các FTA. Cách thức, dung lượng hỗ trợ doanh nghiệp lớn trong nước cần tùy thuộc vào mức độ sở hữu nhà nước, chức năng, mức độ hoạt động công ích, mức độ trầm trọng hay khó khăn trong kinh doanh, tiềm lực và mức độ ảnh hưởng kinh tế nhất là với người lao động của từng doanh nghiệp. Việc nhà nước mua lại cổ phần của các hãng có khả năng hồi phục nhanh khi đại dịch được kiểm soát là một lựa chọn đáng lưu ý trong các cách thức hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều quan trọng là Quốc hội, Chính phủ phải đánh giá những ngành nào phải hỗ trợ trực tiếp và ngành nào gián tiếp, chứ không phải ngành nào cũng được hỗ trợ trực tiếp và ưu tiên. Cần lưu ý những ngành kinh tế cốt lõi có tính lan tỏa lớn, ảnh hưởng lớn nếu để bị phá sản sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp khác cũng phá sản thì phải được cứu trước.
Triển khai chương trình kinh tế 2021, nhiều dự án đầu tư công đã được giải ngân tốt để tiến hành ngay từ đầu năm như các dự án giao thông. Bộ Giao thông và Vận tải cho biết: ngay đầu năm mới bộ sẽ đồng loạt khánh thành và khởi công hàng loạt siêu dự án như khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên ở sân bay Long Thành, cùng với đó là các dự án quốc lộ 19 nối Kon Tum với Bình Định, dự án tuyến tránh Long xuyên, tuyến Lai Châu- Lào Cai. Đây là các dự án trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của ngành giao thông.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ cũng sẽ lập quy hoạch tổng thể quốc gia về đất đai quy hoạch vùng và quy hoạch của các bộ quản lý chuyên ngành đi liền với dự trù các nguồn vốn, kế hoạch cụ thể các dự án, yêu cầu các bộ ngành địa phương tập trung phối hợp với bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021 không chỉ cho năm 2021 mà còn chuẩn bị cho các năm sau, đặc biệt là trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Thực tế cho thấy Bộ thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh việc đầu tư cho chương trình chuyển đổi số tại các ngành và nhiều doanh nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đều đã có những kế hoạch công tác mới.
Cùng với đó, cũng từ năm 2021 nhiều chính sách mới, pháp luật quan trọng cũng bắt đầu có hiệu lực ảnh hưởng tốt đến sự phát triển kinh tế, tạo dễ dàng thuận lợi hơn, lợi ích hơn cho đời sống Nhân dân với hàng chục luật, bộ luật sẽ có hiệu lực. Để hỗ trợ kinh tế năm 2021 ngành ngân hàng cũng đã có sự đổi mới về các chính sách cho vay vốn, tỷ lệ lãi suất, triển khai chính sách tài khóa mới của Nhà nước.
Trung Vũ