Công an khám xét một cửa hàng trong vụ án Cty Nhật Cường - vụ án liên quan đến nhiều cán bộ của TP.Hà Nội. Ảnh: V.T
Xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm
Trong bài viết, “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - đã nêu những bài học kinh nghiệm quý báu là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt, tích cực. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng lần lượt được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.
Nêu những phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn sắp tới, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhắc tới việc cần xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật cán bộ có vi phạm. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo hướng phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho hay, qua cả nhiệm kỳ khoá XII và đặc biệt một số năm gần đây, thấy rằng, việc xử lý cán bộ có vi phạm được thực hiện thường xuyên, liên tục và rất quyết liệt. Phạm vi rất rộng, trong cả nước, từ Trung ương tới địa phương, từ cán bộ cấp cao có vi phạm đều bị xử lý.
“Việc xử lý cán bộ sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ - câu nói này không phải chỉ là khẩu hiệu mà đã được tiến hành một cách rất quyết liệt” - ông Tiến nhấn mạnh.
Bài học cảnh tỉnh, răn đe, ngăn cán bộ khác mắc sai lầm
Theo ông Lê Như Tiến, thực tế trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy có rất nhiều vụ xử lý cán bộ cấp cao có sai phạm. Nhiệm kỳ này chúng ta đã xử lý gần 100 cán bộ có sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng có sai phạm cũng đã bị xử lý, nhiều Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương, lãnh đạo các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng… và mới nhất là việc khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
“Điều đó càng khẳng định việc xử lý cán bộ có sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù bất kỳ người đó là ai” - ông Tiến nói và cho rằng, việc xử lý nghiêm minh cán bộ có vi phạm góp phần cảnh tỉnh, răn đe, là bài học cho người khác nhìn thấy để tránh mắc phải sai lầm, tránh vấp ngã. Việc này cũng nhằm làm trong sạch đội ngũ, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, xây dựng Đảng vững mạnh. Không chỉ vậy, việc này còn mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân vào quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Nhắc tới hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Tiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý cán bộ vi phạm vừa qua đã được thực hiện một cách rất bài bản, quyết liệt. Có nhiều vụ việc từ trước tới nay rất phức tạp nhưng đã được đưa ra xử lý nghiêm minh. Điều đó càng khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chúng ta là làm thực sự và niềm tin của nhân dân, của cán bộ Đảng viên ngày càng cao hơn.
Cũng theo ông Tiến, trong thời gian tới, để công tác PCTN ngày càng đạt hiệu quả cao, cùng với Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, các cơ quan khác như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan thanh tra, điều tra và các đơn vị liên quan cần phải tiếp tục vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng. Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục những sơ hở, những lổ hổng phát sinh để tránh bị lợi dụng để xảy ra tham nhũng.
Theo ông Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - khi cán bộ đã có khuyết điểm thì phải mạnh dạn xử lý khuyết điểm với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Việc xử lý cán bộ thời gian qua cũng là bài học khi nhiệm kỳ mới sắp tới. Phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc hơn về đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta.
“Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt. Qua những sự việc vừa qua, chúng ta cần coi trọng và ngày càng hoàn thiện tất cả các khâu của công tác cán bộ, từ khâu phát hiện, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và kể cả chính sách đối với đội ngũ cán bộ” - ông Hòa nói.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương - rằng: Việc xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện một cách trung thực, khách quan, đúng người, đúng sai phạm để giáo dục, để răn đe và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đưa Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Chúng ta chỉ ra cho cán bộ của mình thấy sai phạm, ngăn chặn sai phạm chính là cứu cả tổ chức, thoát khỏi những hiểm hoạ do những sai phạm gây ra…
Theo Laodong.vn