Xuất khẩu nông sản - lời cảnh báo và kinh nghiệm từ Covid-19

Thứ bảy, 13/06/2020 10:00
(ThanhtraVietNam) - Đã sang mùa hè, vụ lúa đông xuân đã kết thúc với năng suất và sản lượng không quá thấp, còn cao so với một số năm trước. Tình hình nông nghiệp và nông thôn sau những khó khăn vật lộn để chống ảnh hưởng xấu của đại dịch Covid-19 đã tiếp tục phát triển với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua.

Các chỉ số thông tin của Tổng cục thống kê về quý I và tháng 5 đều có nội dung tích cực. Tuy nhiên, dư luận xã hội đang quan tâm đến việc xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, hải, thủy sản có bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh hay không? Thông tin từ báo đài cho thấy lượng xuất khẩu một số hàng hóa nông sản của nước ta như cá tra đã giảm nhiều. Nguyên nhân là do các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã giảm mức nhập khẩu, cũng như nhiều hàng hóa xuất khẩu của nước ta cũng chưa đáp ứng được những yêu cầu của phía người mua. Sự ảnh hưởng của xuất khẩu hàng hóa đến nền kinh tế chung là điều ai cũng rõ. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế vào thời điểm này khi nhiều thời vụ sản xuất chăn nuôi của nông nghiệp đã kết thúc, dịch Covid-19 đã bị đẩy lùi và kiểm soát thì nền kinh tế nông nghiệp nước ta cũng nên rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tế mấy tháng qua để mà tiến tới xuất khẩu hàng hóa tốt hơn. Một điều dễ thấy nhất là chất lượng hàng phải tốt, không thể cứ theo mãi thói quen trồng cấy kiểu tự nhiên, phó mặc cho quá trình sinh trưởng của cây cối và thời tiết, khí hậu.

Một thực tế nữa là tuy nhiều hàng hóa nông sản vẫn khó xuất khẩu thì năm nay vải thiều đã đông khách mua trước cả khi thu hoạch chính thức. Quả vải ở nước ta đã là thứ người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng từ rất lâu, rồi cứ tiếp nối mãi, những năm gần đây Trung Quốc vẫn là thị trường mạnh nhất cho xuất khẩu quả vải của nước ta. Gần đây, do dịch bệnh, Trung Quốc đã giảm mua nhiều thứ hàng hóa nông sản trên thế giới, nhưng quả vải thiều của ta vẫn dễ bán. Bởi người trồng vải đã chăm sóc để nâng cao chất lượng quả vải, chống sâu bệnh, không dùng hóa chất độc hại. Các thương lái cũng đã về tận các vùng vải đặt hàng theo yêu cầu của thị trường này. Do vậy, vải thiều ở Bắc Giang được khách mua nhiều để xuất sang Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á cũng như châu Âu. Các chuyên gia Nhật Bản cũng đã sang Việt Nam để tiến hành các thủ tụ kiểm nghiệm chất lượng hàng cùng cách thức mua bán, vận chuyển sao cho thuận tiện.

leftcenterrightdel
Vải thiều được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính (Ảnh: Internet) 

Bài học rút ra cho xuất khẩu là phải chú ý đến chất lượng hàng và mở rộng việc tiếp thị các nước, khéo léo tìm hiểu, đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhiều nước. Cửa khẩu Lào Cai, cửa khẩu Lạng Sơn đều liên hệ với phía nước ngoài để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng. Kinh nghiệm rút ra cho ngành nông nghiệp là sản xuất hàng để bán thì phải theo các yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường thế giới, với công nghệ cao trong trồng trọt, thu hoạch cũng như bảo quản, chế biến.

Mấy tháng qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chủ trương phù hợp, hiệu quả, kết hợp tốt cả hai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm sản xuất kinh doanh vững vàng của nền kinh tế, cũng như đời sống người lao động, Chính phủ đã có nhiều hội nghị bàn về việc này. Theo nhận định của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, từ cuối năm 2019 sang đầu năm 2020, dịch bệnh sẽ khiến cho kinh tế thế giới khó khăn, sụt giảm, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nước ta, nhất là xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp ở nước ta đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào nông nghiệp đã vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất, quan tâm đến thách thức chung giữa sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là thị trường tiêu dùng nước ngoài. Các hộ nông dân và nhiều doanh nghiệp đã có giải pháp tự cứu mình trước giặc bệnh, giữ vững sản xuất, cũng như bảo tồn lao động. Nhiều gói hỗ trợ tài chính lớn đã được Chính phủ cấp phát đến tận các doanh nghiệp, những người sản xuất đơn lẻ, đông đảo lao động, việc phân bổ được xem xét cẩn thận cho đúng đắn, minh bạch. Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến phản ánh tình hình thực tế, cũng như góp ý cho nhà nước nhất là chính quyền địa phương, để có chính sách phù hợp giúp cho sản xuất kinh doanh phát triển tốt.

Trước khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong các ý kiến chỉ đạo suốt mấy tháng qua luôn cho rằng việc sản xuất kinh doanh ở nước ta, cũng như bản thân các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tồn tại, duy trì và phát triển, sẽ có sự vượt khó bật dậy như lò xo bị nén lại. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất để phục hồi nền kinh tế. Thực tế cho đến hết tháng 5, sang tháng 6 đã cho thấy sự chỉ đạo của Thủ tướng và hỗ trợ của chính quyền các cấp đang thành hiện thực trong nền kinh tế chung và nền kinh tế nông nghiệp. Cũng theo các chuyên gia kinh tế, lúc này cần tiếp tục rút kinh nghiệm và phát huy những mặt mạnh như nói trên để việc xuất khẩu nông sản của ta tiếp tục ổn định, phát triển, mở ra những cơ hội mới cho nền nông nghiệp nước nhà, cũng như xuất khẩu hàng hóa nói chung. Kinh nghiệm vừa qua cũng cho thấy rất cần sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa sản xuất nông sản và thu mua tiêu thụ nông sản, nông dân và thương lái đặc biệt là trong xuất khẩu giữa các địa phương với nhau.

Bên cạnh đó, phải luôn chú ý vào khả năng tiêu thụ, xuất khẩu để định hình sản xuất cả số lượng lẫn chất lượng. Như cá tra khó xuất khẩu là vì diện tích ao nuôi quá lớn, đem lại sản lượng cá vượt mức nhiều so với khả năng xuất khẩu sang một số thị trường quen thuộc. Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc xuất khẩu nông sản lại như câu nói nghìn xưa là thuận mua vừa bán, bán đến đâu thì trồng trọt, chăn nuôi đến đấy./.

                                                                                                               Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra