Dù tuổi đã cao, đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vẫn đầy nhiệt huyết khi kể về tinh thần quả cảm của quân và dân Hà Nội, về những chiến thắng cũng như nghệ thuật quân sự...Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh tự hào giới thiệu về bức ảnh chụp cùng lãnh đạo Cục tác chiến đến hiện trường máy bay B52 rơi ở huyện ngoại thành Đông Anh. Khi đó, ông là Thiếu tá, trợ lý tên lửa của Cục Tác chiến đồng thời là trực ban tác chiến phòng không Sở Chỉ huy tác chiến tại hầm chỉ huy tác chiến T1 - Bộ Tổng Tham mưu đóng tại Thành cổ Hà Nội (nay là Hoàng Thành Thăng Long). Căn hầm mà ông gọi là nơi đấu trí với Lầu Năm Góc.
Thiếu tướng Nguyên Văn Ninh kể, ngày 28/6/1972, tại Nhà D67 (cũng tại Thành cổ Hà Nội), Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Phòng không Không quân chuẩn bị tinh thần chiến đấu với quyết tâm đánh thắng cuộc tập kích bằng máy bay B52 ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng quy mô lớn.
Đến sáng 24/11, tại hầm chỉ huy tác chiến T1, khi đó tình hình đang căng thẳng, đồng chí Nguyễn Văn Ninh truyền lệnh của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân tập trung mọi khả năng đánh trúng đối tượng chính là B52 mà tiêu diệt. Chiều 18/12, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đến hầm chỉ huy tác chiến T1 chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Văn Ninh: Mỹ sẽ đánh Hà Nội, đồng chí phải trực chiến tại hầm.
Đúng như dự báo, chiều tối cùng ngày, nhiều tốp máy bay B52 cất cánh từ đảo Guam hướng vào miền Bắc Việt Nam. Đồng chí Vũ Lăng, Cục trưởng Cục tác chiến cùng kíp trực ban nhận định B52 sẽ đánh vào Hà Nội tối 18/12 và đồng chí Nguyễn Văn Ninh nhẩm tính Mỹ sẽ ném bom vào khoảng 19 giờ 30 phút. Tại hầm chỉ huy tác chiến T1, các cô tiêu đồ tập trung nghe tín hiệu của Trung tâm ra-đa, vẽ đường bay của B52 lên bảng mica, máy bay tập kết tại Thái Lan dọc theo sông Mê Kông ra miền Bắc Việt Nam.
19 giờ, đồng chí Nguyễn Văn Ninh trực tiếp báo cáo với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và đề nghị cho bấm còi báo động phòng không sớm hơn quy định. Khi đó, tất cả mọi người đều chưa ăn gì và cũng không ai thấy đói, chỉ tập trung cao độ để chỉ huy đánh trả B52. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Ninh báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng chỉ thị, thông báo ngay cho Quân chủng Phòng không Không quân, báo động Hà Nội, Hải Phòng. Thời điểm cấp thiết, đồng chí trực ban trưởng Trần Độ báo cáo tình hình lên Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Ninh ấn còi báo động phòng không liên hồi báo động cho thành phố Hà Nội. Còi điện được đặt trên nóc tòa nhà Quốc hội - Ba Đình, trước khi Mỹ ném bom 25 phút. Đây là còi điện quan trọng nhất, sau khi nhấn còi lập tức 15 còi điện khác toàn thành phố cũng rú theo báo động cho nhân dân xuống hầm ẩn nấp, các lực lượng ra vị trí chiến đấu.
Cũng ngay tối hôm đó, quân dân Hà Nội bắn rơi 3 máy bay B52 ( một chiếc ở huyện Đông Anh, một chiếc ở huyện Thanh Oai, máy bay còn lại rơi xa). Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh bày tỏ: “Nghe tin chiếc đầu tiên rơi ở Đông Anh lúc 20 giờ 18 phút, chúng tôi vui sướng tột độ, anh em ôm nhau mừng reo, rơm rớm nước mắt và nói chúng ta đã thắng rồi”. Sáng hôm sau, ông cùng Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và một số đồng chí khác về Đông Anh xác minh để báo cáo Bộ Chính trị. Ông xúc động kể về trận đánh đêm 20/12, lực lượng của ta bắn rơi 7 máy bay B52, đêm 26/12 bắn rơi 8 máy bay B52. Đặc biệt đêm 28/12, nghe tin phi công Vũ Xuân Thiều lái máy bay MIG-21 bắn hai quả tên lửa, lao máy bay vào triệt hạ B52 trên bầu trời Sơn La, anh dũng hy sinh khiến mọi người lặng trong cảm xúc.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết, tại hầm chỉ huy tác chiến T1, kíp trực ban tác chiến làm việc liên tục 24/24 giờ, có nhiệm vụ nắm chắc tình hình quân địch và cả lực lượng của ta, diễn biến chiến đấu để đề xuất cách giải quyết các tình huống lên cấp trên. Đồng thời, kíp trực cũng truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên đến các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn… đảm bảo hoàn thành cả ba nhiệm vụ: Đánh máy bay địch nhất là B52, công tác phòng không nhân dân, công tác giao thông vận tải chi viện chiến trường. Suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, tại hầm chỉ huy tác chiến T1, nhiều thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ huy quân dân miền Bắc tiến hành trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội giành thắng lợi to lớn.
Suy ngẫm về trận chiến 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết, Mỹ đã sử dụng ưu thế gần như tuyệt đối toàn bộ lực lượng không quân, nhất là máy bay ném bom chiến lược B52, với chiến tranh công nghệ cao lần đầu tiên trên thế giới để tập kích ồ ạt, hủy diệt Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng. Họ dự đoán Việt Nam sẽ không chịu nổi 3 ngày đêm và không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ. Nhưng với tinh thần quả cảm, quyết tâm đánh thắng của quân dân ta, Mỹ đã nhận thất bại, phải ký Hiệp định Paris theo thỏa thuận và rút hết quân khỏi miền Nam nước ta.
“Toàn quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã làm nên một trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội năm 1972”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đúc kết như vậy./.
Dương Thái