Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tại Đồng Tháp

Thứ năm, 16/03/2017 09:01
(ThanhtraVietnam) - Tỉnh Đồng Tháp hiện có 43 làng nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn, trong đó nghề đóng xuồng, ghe ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung và dệt chiếu ở xã Định Yên, Định An, huyện Lấp Vò là hai di sản phi vật thể quốc gia, hiện nay được tỉnh Đồng Tháp bảo tồn và phát huy giá trị.

Ông Hồ Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang bảo tồn làng nghề, ngành nghề nông thôn để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân. Phát triển làng nghề, hằng năm, địa phương đã giải quyết trên 19.000 lao động nông thôn, thu nhập thêm bình quân hơn 1 triệu đồng/người/tháng; đưa sản lượng giá trị làng nghề nông thôn của tỉnh hơn 652 tỷ đồng/năm.                  

Nghề dệt chiếu ở Định Yên được hình thành và phát triển từ hơn 100 năm. Hiện có hơn 3.000 hộ tham gia sản xuất thường xuyên, thời vụ trong hoạt động liên quan đến nghề dệt chiếu. Mỗi năm, các hộ sản xuất ở đây làm ra hàng triệu sản phẩm tiêu thụ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và Campuchia. Anh Nguyễn Đình Tô, cán bộ Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang xây dựng Đề án quy hoạch, khôi phục chợ chiếu Định Yên với quy mô hiện đại trên diện tích 1,5 ha; trong đó, nhà lồng chợ và sân có diện tích khoảng 3.000m2. Xây dựng chợ chiếu Định Yên là nơi không chỉ để người dân trong làng nghề buôn bán sản phẩm mà còn nhằm tái hiện lại nét văn hóa truyền thống của chợ chiếu Định Yên ngày xưa (chợ đêm - chợ ma) để phục vụ khách du lịch.                   

Nghề đóng xuồng ghe xã Long Hậu đã tồn tại hơn 100 năm qua, được xem là một nghề chính khá hiệu quả của người dân rạch Bà Đài, xã Long Hậu. Ngày nay, 2 ấp Long Hưng II và Long Hoà có 200 hộ dân sinh sống, với 150 hộ dân làm nghề đóng xuồng ghe. Nghề đóng xuồng ghe tạo ra nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, giúp ổn định về mặt kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn, giải quyết việc làm của địa phương. Hiện thợ giỏi với tay nghề cao có thể đóng mỗi ngày 2 chiếc xuồng loại nhỏ. Tiền công mỗi chiếc khoảng 100.000 đồng.       

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp bừa ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị hai nghề truyền thống này trong giai đoạn 2017-2020 . Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức sáng tạo của nhân dân về hai nghề truyền thống này nhằm bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.      

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017 - 2018, tỉnh tiến hành khảo sát lại thực trạng làng nghề, để có kế hoạch xây dựng, điều chỉnh phù hợp hỗ trợ làng nghề phát triển; nghiên cứu thị trường những sản phẩm phục vụ đời sống đương đại trên cơ sở tận dụng tay nghề của nghệ nhân, nguyên liệu tận dụng của làng nghề... Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức thi chế tác sản phẩm truyền thống và sản phẩm phục vụ du lịch, lựa chọn những sản phẩm phù hợp để đưa vào sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời,  phiên chợ đêm (chợ ma) nghề dệt chiếu Định An, Định Yên được khôi phục  .

Giai đoạn 2019 - 2020, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, đặc biệt là giao thông, nước sạch; nhân rộng mô hình sản phẩm làng nghề phục vụ đời sống đương đại; hoạt động của làng nghề với sản phẩm du lịch phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Để thực hiện chương trình hỗ trợ làng nghề đến năm 2020, tỉnh đề ra kế hoạch hỗ trợ 60 tỷ đồng cho các làng nghề phát triển../.     

Dương Thái      

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra