Đón giao thừa tại chùa Hương trước khai hội mùng 6 Tết

Thứ ba, 20/02/2018 10:25
(ThanhtraVietnam) - Ngày nay, việc sử dụng thời gian nghỉ Tết nói chung và đón giao thừa nói riêng đã có thay đổi. Nhiều người chọn việc du lịch đến vùng đất mới hoặc đến những điểm bắn pháo hoa, những ngôi chùa…để tiễn năm cũ, đón năm mới. Mùng 6 tháng giêng mới là ngày chính thức khai hội chùa Hương nhưng ngay từ chiều 30 Tết đã có nhiều người dân vượt quãng đường khoảng 60 km từ trung tâm Hà Nội vào đây. Họ chọn hành trình này để du xuân và đón nhận những cảm xúc đặc biệt trong thời khắc giao thừa tại một nơi linh thiêng mà ngày thường rất khó có để rồi mang những điều tốt lành cùng các thông tin mới về mùa lễ hội chùa Hương 2018 về với gia đình.

Đi chùa đón giao thừa, một nét văn hóa đẹp

Suốt quãng thời gian đi thuyền trên dòng suối Yến dài 4 km - con đường độc đạo khám phá “Nam thiên đệ nhất động”, những người trẻ, người mới đi chùa Hương lần đầu được các Phật tử giới thiệu, chia sẻ nhiều điều thú vị về Phật giáo, về những điểm đến trong quần thể di tích văn hóa Phật giáo chùa Hương, về các hoạt động mùa lễ hội nơi đây…

Khác với những tập nập trong mùa lễ hội, đường lên chùa Thiên Trù – tọa lạc trên thềm núi Lão là ngôi chùa lớn, là điểm đến đầu tiên trong hành trình lại khá tĩnh lặng, thuần khiết, dường như chỉ dành riêng cho các Phật tử và nhân dân tín ngưỡng rời bỏnhững ồn ào của phố thị đến tìm sự thư thái, bình an và thực hành các nghi lễ.

Trước 12 giờ, nhà chùa tụng kinh Phổ Môn nói về tâm đại bi không cùng tận của đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Theo hướng dẫn của chư Tăng, tất cả Phật tử, nhân dân tín ngưỡng có mặt trong chùa cùng nhất tâm xưng niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Là người đã trên 10 năm liên tục đón giao thừa tại cùa Hương sau khi đã hoàn tất việc gia đình ở Hà Nội, Cư sĩ Quảng Tâm chia sẻ, việc niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm là để cầu mong với tâm đại bi, với năng lực hiện thân trong khắp cảnh giới, Ngài sẽ nương theo âm thanh đó mà cứu khổ, cứu nạn, mang lại sự an lạc, hạnh phúc cho chúng sinh.

leftcenterrightdel
Thượng tọa Thích Minh Hiền chúc tăng ni, phật tử và nhân dân một năm mới hoan hỷ, cát tường 

Đúng thời khắc giao thừa, ba hồi chuông trống nổi lên, tất cả tập trung tại chính điện để lễ Tam bảo và giao thừa, tụng niệm kinh kệ, tán thán công đức vô lượng của chư Phật. Sau khi gửi lời chúc Tết tới chư Tăng, Phật tử và nhân dân, Thượng tọa Thích Minh Hiền - Trụ trì chùa Hương đời thứ 12, Phó Trưởng ban Văn hóa TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa TWGH Phật giáo Việt Nam TP.Hà Nội đã cùng chư Tăng và Phật tử đi lễ khắp các ban, các tháp.

Tại khoảng sân rộng, Thượng tọa tặng quà, mừng tuổi, mừng năm mới an lạc cho tất cả Phật tử, nhân dân có mặt tại đây.

Khai hội chùa Hương 2018 thân thiện, đúng tầm

Sáng tinh mơ ngày mùng 1 Tết, sau khi tham gia đón giao thừa tại nơi linh thiêng, các đoàn lại lên thuyền ngược dòng suối Yến mang về những điều tốt lành cho gia đình cùng những thông tin mới về một mùa lễ hội chùa Hương 2018 sắp diễn ra.

Chùa Hương là một quẩn thể di tích văn hóa Phật giáo với hàng chục ngôi chùa, đình, đền xen giữa các hang động, rừng cây tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Tương truyền nơi đây gắn liền với tích Quán Thế Âm Bồ Tát trong thân phận công chúa Diệu Thiện, con vua Diệu Trang Vương nước Hưng Lâm chọn làm nơi tu hành và đắc đạo, đi cứu độ chúng sinh.

leftcenterrightdel
Đi thuyền theo dòng Yến Giang thưởng lãm các danh lam thắng cảnh

Khởi đầu cho việc xây dựng nên một quần thể như ngày nay là các hòa thượng dưới thời vua Lê Thánh Tông. Trải quan nhiều thăng trầm của thời gian, nơi đây đã trở thành một điểm đến tâm linh có vẻ đẹp sơn thủy hữu tình đưa du khách thập phương tới nhằm kiếm tìm sự an nhiên, bình thản trước những bồn bề của cuộc sống thường nhật.

Lễ hội chùa Hương kéo dài từ mùng 6 tháng giêng đến hạ tuần tháng ba âm lịch, bên cạnh lễ dâng hương tại các chùa, đình, đền, miếu còn có các hoạt động văn hóa truyền thống, đậm nét dân tộc tại các hội làng trong khu vực như leo núi, bơi thuyền, hát chèo, hát văn...

Theo lãnh đạo địa phương, việc chức lễ hội chùa Hương năm 2018 là dịp để tạo dấu ấn không chỉ cho du khách trong và ngoài nước đến với nơi đây mà còn là hoạt động quan trọng để kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm di tích, danh lam thắng cảnh Hương Sơn và đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, do đó, việc tổ chức lễ hội sẽ phải đảm bảo đúng quy mô, đúng tầm.

Có 6 tiểu ban và 3 tổ kiểm tra liên ngành, trạm kiểm soát đã được thành lập để phục vụ mùa lễ hội; nhân dân trong khu vực cũng được tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn; tuyến đường bộ dài 18 km từ thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức đến khu vực chùa Hương đã hoàn thành nâng cấp với chiều rộng từ 8 m lên 18 m, có trang bị đầy đủ đèn đường; 4.500 thuyền sơn màu xanh đồng bộ phục vụ khách đi sâu vào các điểm du lịch được trang bị áo phao mặc dù suối Yến khá nông…

Đáng chú ý, một triển lãm ảnh với chủ đề chùa Hương – Xưa và Nay sẽ được khai mạc tại đây vào đúng mùng 6 Tết để giới thiệu quá trình đổi thay của khu di tích văn hóa tôn giáo này.

leftcenterrightdel
Phóng viên Phạm Hồng Vân (choàng khăn nâu, đứng cạnh thầy trụ trì) là người chụp nhiều hình ảnh Phật giáo có ảnh trưng bày tại triển lãm lần này

Bên cạnh việc mang đến một lễ hội an toàn, văn minh, trang trọng, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2018 cho biết, năm nay các hoạt động khai mạc sẽ được tổ chức theo hướng thân thiện hơn và hy vọng sẽ đón được hơn 1,5 triệu khách.

Ngô Tân - Quảng Tâm

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra