Du lịch Việt hãy khoan đặt những mục tiêu cao xa

Thứ ba, 27/06/2017 15:21
“Chặt chém”, chèo kéo du khách, vệ sinh môi trường thiếu sạch sẽ, móc túi trộm cắp ở nơi công cộng và gần đây là việc ẩu đả với người ngoại quốc trên đường phố Hà Nội - những nét xấu góp phần tạo nên những ấn tượng tiêu cực trong mắt du khách nước ngoài với du lịch Việt Nam. Nếu không có chiến lược phát triển lâu dài mà “chỉ nói miệng”, du lịch Việt đừng mong đuổi kịp các nước...
Ít cười tươi, ít nói cảm ơn, xin lỗi

Cách cư xử, những hành vi xấu - thực trạng đáng buồn trong ngành du lịch Việt Nam, luôn trở thành đề tài “nóng” trong mọi cuộc bàn thảo, quy hoạch xây dựng một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, thân thiện hơn trong mắt du khách quốc tế.

Hai khái niệm xấu/đẹp gần như không nhận được sự quan tâm đúng mực, nhất là ý thức kém văn hoá của người dân Việt Nam càng khiến cơ quan quản lý lắc đầu ngao ngán và nhanh chóng rơi vào bế tắc trên mọi phương diện.

Rất nhiều khu du lịch tại Việt Nam, một thực tế đáng buồn rất dễ thấy đâu đó là những hành vi xấu xí diễn ra hàng ngày, như gây ồn ào (ăn to nói lớn), xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, cướp giật, ép giá trong mọi dịch vụ, ăn mặc phản cảm nơi chốn linh thiêng… Còn mong muốn đơn giản của du khách là nhận được những nụ cười tươi hay nói lời cảm ơn, lời xin lỗi, lời chào dường như là điều quá khó.

Từ sự việc mới đây người ngoại quốc bị đánh chảy máu mũi khi va chạm giao thông trên một con phố Hà Nội, ông Đặng Thanh Tùng - GĐ Cty lữ hành Neworld Travel thẳng thắn cho rằng, sống trong một thế giới phẳng, mọi hành vi tiêu cực xuất hiện ở trên mạng xã hội đang dần khiến chúng ta tự làm mất hình ảnh của mình, giảm đi sự thiện cảm trong con mắt của khách quốc tế ở khắp mọi nơi. “Những hành vi tiêu cực ít nhiều đã gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động của ngành du lịch nước ta mà trên hết, là hình ảnh quốc gia VN trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo tôi, đó là điều đáng tiếc khi chúng ta vẫn chưa làm được, mặc dù nó hoàn toàn nằm trong vòng khả năng…” - ông Tùng nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt: Hình ảnh Việt Nam qua con mắt du khách nước ngoài vốn đã “xấu xí”, nay thêm hình ảnh đánh khách Tây chảy máu mũi cũng không có gì lạ... Dĩ nhiên, cần hạn chế để bớt tình trạng đánh khách, có xử lý nghiêm, nhưng cũng đừng nên trầm trọng hóa vấn đề. Vấn đề cần nói là làm sao để du lịch Việt vươn tầm ngang với các nước trong khu vực mà không có chiến lược cụ thể thì mục tiêu đề ra dường như là điều không tưởng.

Theo nhiều chuyên gia, du lịch Việt còn lâu mới đuổi kịp du lịch Singapore, Thái Lan, Malaysia. Chỉ ao ước du lịch văn hóa Việt Nam bằng... Campuchia là đã mừng rồi. Và, du lịch sinh thái rừng của Việt Nam, chỉ cần gần bằng... Lào là đã oách lắm rồi. Lào chỉ hơn 4 triệu dân, không có biển, nhưng năm rồi đón 4,2 triệu khách. Còn Campuchia, biển chỉ bằng 1/8 Việt Nam nhưng đón 5,5 triệu khách dù dân số chỉ hơn 15 triệu. Việt Nam hơn 93 triệu dân, chỉ đón được trên 10 triệu khách, thì hân hoan nỗi gì?
leftcenterrightdel
 Vịnh Hạ Long luôn hấp dẫn du khách trong, ngoài nước. Ảnh: Thùy Ân

Phải nâng cao hình ảnh Việt

Hãy khoan đặt những mục tiêu cao xa như đuổi kịp các nước trong khu vực, điều mà nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực lữ hành nhận định là “có mà nằm mơ giữa rừng mơ”.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt cho rằng, nếu không có chiến lược nào lâu dài mà chỉ nói miệng, làm sao mong du lịch Việt đuổi kịp các nước. Ngoài việc quan tâm đến việc chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để du lịch Việt có sự hỗ trợ không chỉ từ Luật Du lịch sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1.1.2018), chúng ta còn cần sự rõ ràng của các thông tư cùng công tác hậu kiểm hiệu quả, cụ thể, mới mong có một cú hích cho thị trường du lịch Việt. Còn nếu cứ nói khơi khơi, “chém gió” khi “không ai đánh thuế” những tuyên bố to tát, cũng khó thay đổi được gì.

Đầu năm 2016, Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng từng phối hợp cùng Tổng cục du lịch Việt Nam phát động chương trình “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” với mục tiêu chính nhằm định hướng nhận thức về ứng xử văn minh của người dân Việt Nam. Theo đó, các cấp quản lý cùng nhất trí rằng, chương trình không chỉ ứng dụng riêng trong lĩnh vực du lịch mà góp phần tạo dựng nếp sống văn minh trong cuộc sống thường ngày của người dân. Sau hơn 1 năm thực hiện, một số hành vi được cho là không đẹp có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn tồn tại và nguy hiểm là gần như nằm ngoài sự kiểm soát.

Theo Mai Châu - Minh Thi (Lao động)


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra