Dubai vào mùa nóng nhất trong năm, nhiệt độ lên 48o C, nhưng cái nóng điên cuồng ấy cũng không thể ngăn cản chúng tôi khám phá thành phố sa mạc này.
Trốn nóng trong nhà chờ xe buýt
Dubai và Abu Dhabi là hai tiểu vương quốc lớn nhất trong số bảy tiểu vương quốc hình thành nên quốc gia Ả Rập Thống Nhất (UAE). Đồng thời là hai thành phố giàu có nhất, không chỉ đối với UAE mà cả vùng Trung Đông huyền bí. Vì ở giữa sa mạc, nên có ngày nhiệt độ lên tới 48 độ C và ban đêm mặc dù nhiệt độ đã xuống thấp nhưng cũng phải tới 30 – 35 độ C.
Mới 6 giờ sáng, anh bạn đi cùng đã rủ ra ngoài khách sạn mua card điện thoại. Cứ ngỡ mặt trời chưa mọc thì sức nóng sẽ chẳng đáng là bao. Nhưng tất cả đều sai lầm, khi nhiệt độ ngang buổi trưa tháng 5 ở Sài Gòn. Hơi nóng đã tát vào mặt. Trước khách sạn, chúng tôi bất ngờ khi thấy nhiều trạm xe buýt có trang bị máy lạnh và cửa kiếng đóng im ỉm. Trong suốt hành trình dài sau đó, ở bất cứ nơi đâu tại Dubai và Abu Dhabi, người ta cũng trang bị máy lạnh trong các nhà chờ xe buýt. Vì thế, xe buýt trở thành chỗ trốn nóng thường xuyên cho chúng tôi trong suốt những ngày ở Dubai.
Những cái nhất thế giới
Nắng nóng là thế, nhưng chỉ tính riêng Dubai mỗi năm có tới 15 triệu du khách nước ngoài đến đây, khi dân số thành phố chỉ chừng 2 triệu người. Phần lớn là khách từ hai thị trường đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc. Dubai được ví như “thiên đường” mua sắm của Trung Đông, nơi có Dubai Mall lớn thứ 7 thế giới; chợ vàng ở khu Deira; khu miễn thuế ở sân bay quốc tế Dubai đi mỏi chân vẫn chưa hết cửa hàng. Gần như tất cả các thương hiệu khách sạn cao cấp hàng đầu thế giới đều có mặt ở hai thành phố này.
Tuy nhiên, nói tới cái nhất của Dubai phải kế tới khách sạn 7 sao Atlantis nằm trên đảo The Palm (Cây cọ), một hòn đảo nhân tạo vươn mình ra vịnh Ba Tư. Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ khu nghỉ dưỡng này trông giống như một cây cọ, với những cành lá trải ra hai bên thân cây. Nếu thân cây là con đường, thì cành lá là khu vực của nhà cửa. Còn khách sạn Atlantis là ngọn của cây cọ. Hugo, nhân viên cấp cao phòng Bán hàng của khách sạn, trong khi đưa tôi đi tham quan toàn bộ Atlantis đã cho biết, khuôn viên khách sạn rộng 46 ha, có cả thảy 1.539 phòng. Ở Abu Dhabi có thánh đường Hồi giáo lớn nhất UAE, có tên Sheikh Zayed Grand Mosque. Thánh đường này có thể chứa tới 40.000 người cầu nguyện cùng lúc. Tấm thảm trong phòng cầu nguyện chính được xem là tấm thảm lớn nhất thế giới, khoảng 5.627m2, nặng 35 tấn. Có 7 đèn chùm cực lớn trong thánh đường, trong đó có một cái lớn vào hàng thứ 3 thế giới, dài khoảng 15m..
Một nơi khác mà những du khách mê xe hơi nên đến thăm là công viên Ferrari World ở Yas Island, Abu Dhabi. Ferrari World rộng hơn 12,173 ha, bao gồm 4 công viên giải trí, 22 khách sạn, 2 công viên nước… Đây chính là công viên trong nhà lớn nhất thế giới.
Có hằng hà sa số trò chơi bên trong công viên mà mất một ngày bạn cũng chưa thể đi hết được. Rất nhiều mẫu xe Ferrari mới được trưng bày bên trong công viên và nhiều mẫu quà tặng cho bạn lựa chọn.
Chạy xe trên sa mạc
“Đến Dubai mà không làm một chuyến vượt sa mạc Safari thì coi như chưa tới Dubai”, Vipin Kumar, khẳng định. “Nhưng nếu anh bị bệnh tim hoặc say xe, đau lưng, chóng mặt… thì tốt nhất không nên tham gia thử thách này”, Vipin cảnh báo.
Sa mạc Safari (thuộc sa mạc Ả Rập) cách trung tâm Dubai chừng 40 km, theo hướng đông nam về Vương quốc Hồi giáo Oman. Con đường 1 chiều 4 làn xe, đặt dưới sự giám sát bởi radar của cảnh sát. Nhưng không nhiều xe chạy, chủ yếu là xe Land Cruiser 2 cầu đang tiến về những bãi đáp chuẩn bị hành trình vượt sa mạc. Tài xế cho biết, chỉ có Land Cruiser 2 cầu mới có thể vượt trên những đồi cát sa mạc nóng bỏng, trơn trượt.
Hai bên đường vào sa mạc là những đồi cát vàng trập trùng, vàng óng. Hiếm hoi lắm mới gặp những bụi cây ít lá mọc lên từ cát nóng. Hễ chỗ nào có bụi cây, là ở đó có lạc đà đang chăm chỉ bứt từng chiếc lá nhỏ xíu. Sau chừng 30 phút xe chạy, tài xế dừng lại ở một trạm nghỉ bên đường và xả bớt hơi cho bánh xe mềm hơn, để có thể chạy được trên cát. Trước khi nhấn ga cho xe vào cát, tài xế một lần nữa nhắc nhở du khách thắc đai an toàn và thuận tay lấy một mớ bao nilông phòng ngừa nôn ói. Giữa sa mạc trập trùng, xe sau nối đuôi xe trước để tận dụng vết bánh đã hằn lên cát. Có lúc, xe lại nghiêng gần như lật ngửa trên mép đồi cát. 6 vị khách trên chiếc Land Cruiser bắt đầu hoảng loạn sau chừng 15 phút hào hứng với những pha nhào lộn của tài xế. Có người bắt đầu nôn ói…
Cuối cùng, sau 1 giờ đồng hồ, thì hành trình cũng kết thúc. Xe leo lên con đường trải nhựa giữa sa mạc – một con đường đưa khách ngược về lại Dubai từ Oman. Mặt trời sắp lặn. Xe lại tiếp tục băng sa mạc, đưa khách vào khu vui chơi nằm chơ vơ giữa sa mạc. Ở đó, người ta đón khách bằng bữa tối Ả Rập với thịt dê nướng, sữa lạc đà, mứt chà là, xem múa bụng và chụp hình với những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống bản địa. Giá cho chương trình vượt sa mạc vào khoảng 400 Dirham/người (100 USD bằng 330 Dirham, đồng tiền chung của UAE).
Theo Ihay