Thực tế hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế xã hội đã làm cho đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bị suy giảm đáng kể. Nhiều loài thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng; hệ động vật đã bị xâm hại một cách nghiêm trọng…Một số loài sinh vật xâm hại có sức sống mạnh, cạnh tranh và giành môi trường sống của các loài bản địa làm giảm tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Nhằm bảo tồn, nâng cao tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu: Bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; đẩy mạnh trồng rừng và cây phân tán trên diện tích hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi, đưa độ che phủ rừng đạt 72% vào năm 2020; thành lập mới khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng thuộc phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn với diện tích 496 ha; chuyển tiếp 3 khu bảo tồn đã có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học; xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh Bắc Kạn…
Ông Hà Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn cho biết: Để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh xử lý nghiêm các vụ khai thác, săn bắn trái phép động thực vật; đồng thời tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học. Tỉnh chú trọng giải quyết từng bước sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm các khu bảo tồn thông qua biện pháp khai thác nuôi trồng những giống vật nuôi có giá trị đang được bảo tồn, tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn tập trung khai thác tiềm năng du lịch của các khu bảo tồn nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế của người dân vùng đệm, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các loài đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh Bắc Kạn huy động nguồn vốn đầu tư cho chương trình bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng của tỉnh; đào tạo đội ngũ cán bộ về nhiều lĩnh vực để thực hiện chương trình quản lý đa dạng sinh học. Tỉnh tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn; rà soát, bổ sung, xây dựng các văn bản quy định để cụ thể hóa Luật Đa dạng sinh học và quản lý những khu bảo tồn thiên nhiên đã có, khu bảo tồn mở mới…
Tỉnh Bắc Kạn là nơi có điều kiện thuận lợi để các loài động, thực vật sinh trưởng và phát triển; trong đó, hệ thực vật gồm 1.972 loài thuộc 723 chi; hệ động vật gồm 84 loài thú, 314 loài chim, 69 loài lưỡng cư và bò sát, 1091 loài côn trùng, 5 bộ động vật nổi, 108 loài cá. Đặc biệt, nhiều loài động, thực vật quý hiếm được ưu tiên bảo vệ có trong Sách Đỏ Việt Nam./.
Dương Thái