Trong đó, Bình Thuận trở thành Trung tâm du lịch- thể thao biển mang tầm quốc gia với định hướng chung là quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên, tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển; đồng thời, phát huy thế mạnh và tăng cường hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng; hợp tác với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Đến năm 2025, cùng với du lịch biển, các sản phẩm du lịch sinh thái rừng- thác- hồ- biển- đảo, sản phẩm du lịch văn hóa sẽ là những sản phẩm thương hiệu, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Bình Thuận. Đến năm 2030, tỉnh phát triển đồng bộ các dòng sản phẩm du lịch gắn đặc trưng của từng địa phương, vùng, miền, du lịch Bình Thuận được ghi nhận trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận: Để hoàn thành được mục tiêu đề án, ngành du lịch Bình Thuận đã xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm du lịch cụ thể với các giải pháp trọng tâm. Trong đó, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch là giải pháp quan trọng. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo môi trường, an toàn thân thiện tại các điểm đến… là việc làm cần thiết hiện nay. Ngoài ra, thực hiện môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh thu hút thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch…cũng là những giải pháp quan trọng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cũng đã triển khai Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là một động thái nhằm chấn chỉnh hoạt động du lịch hiện nay đồng thời hướng tới xây dựng thói quen, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện của đội ngũ cán bộ, nhân viên người lao động làm việc trong ngành du lịch và các ngành liên quan đến du lịch, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến Bình Thuận. Bộ Quy tắc gồm 4 chương, 12 điều quy định những quy tắc ứng xử chung về chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và danh lam thắng cảnh; an ninh trật tự, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội… Trong đó, Bộ Quy tắc nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Quy tắc về ứng xử đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải có đạo đức nghề nghiệp, luôn vui vẻ, thân thiện, niềm nở; không phân biệt đối xử, không đeo bám, chèo kéo, làm phiền khách du lịch; công khai, rõ ràng và bán đúng giá niêm yết. Đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, Bộ Quy tắc quy định phải giữ uy tín và thương hiệu trong quan hệ với khách hàng, đối tác, không cung cấp cho khách du lịch các sản phẩm, dịch vụ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm…
Năm 2016, lượng du khách đến Bình Thuận đạt 4,5 triệu lượt người; doanh thu từ du lịch đạt 9.046 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đón hơn 1,9 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 248.000 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt gần 4.500 tỷ đồng, tăng hơn 18% so cùng kỳ năm 2016./.
Dương Thái