Sở GD&ĐT Nam Định sẵn sàng phục vụ tốt nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2020

Thứ hai, 22/06/2020 10:51
(ThanhtraVietNam) - Tổ chức công tác đăng ký dự thi theo đúng thời gian quy định của Bộ GD&ĐT, tuyệt đối không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh; rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ… sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho công tác tổ chức thi tại tỉnh… đây là những chỉ đạo của giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Cao Xuân Hùng tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2020.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị tập huấn – Đồng chí Cao Xuân Hùng đã quán triệt mục đích, ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Ngoài xét tốt nghiệp THPT, học sinh còn dùng kết quả kỳ thi để tham gia xét tuyển vào đại học năm 2020. Đặc biệt quan tâm đến các nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền giúp cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh cũng như toàn xã hội hiểu được ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của kỳ thi; Khắc phục khó khăn do dịch bệnh, thời tiết nắng nóng để tiếp tục việc hướng dẫn ôn tập cho học sinh đảm bảo cho các em có đủ kiến thức, tự tin dự thi; Tổ chức công tác đăng ký dự thi theo đúng thời gian quy định của Bộ GD&ĐT, tuyệt đối không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh; Rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ,… sẵn sàng phục vụ tốt nhất cho công tác tổ chức thi tại tỉnh…

leftcenterrightdel

Thực hiện các nội dung của buổi tập huấn, các đồng chí phòng GDCN-GDTX, phòng Khảo thí và KĐCLGD đã hướng dẫn các đơn vị những nội dung của quy chế thi tốt nghiệp THPT, các nội dung liên quan đến công tác đăng ký dự thi, việc sử dụng phần mềm quản lý thi và các nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020.

Tham dự tập huấn, các đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình với phương án thi của Bộ GD&ĐT, tin tưởng vào sự chỉ đạo, tổ chức của Sở GD&ĐT, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tốt nhất phục vụ việc đăng ký dự thi của thí sinh cũng như tham gia các khâu của kỳ thi. Nội dung tập huấn tập trung vào việc phân tích cấu trúc, ma trận đề tham khảo lần 2 của Bộ GDĐT từ đó giúp giáo viên định hướng những nội dung, phạm vi kiến thức, kỹ năng cần ôn tập cho học sinh; ngoài ra các báo cáo viên cũng chia sẻ một số chuyên đề ôn tập nhằm tổng hợp và hệ thống kiến thức, bài tập cho học sinh. Sản phẩm của các lớp tập huấn là hệ thống các chuyên đề, bài tập và bộ đề luyện tập do các đơn vị xây dựng, mỗi trường biên soạn 01 đề/môn, thực hiện phản biện chéo giữa các trường trong cụm và chuyển về Sở chia sẻ dùng chung trong toàn tỉnh.

leftcenterrightdel

Điểm mới của kỳ thi năm nay là UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương mình. Bộ GDĐT phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Theo đó, bên cạnh Thanh tra cấp Bộ, Thanh tra cấp Sở như những năm trước, năm nay có thêm sự tham gia của Thanh tra cấp tỉnh.

Thanh tra, kiểm tra của ba cấp Bộ, Tỉnh, Sở được thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi, tại các Hội đồng thi, điểm thi, phòng thi … của địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường theo nguyên tắc: Xác định rõ trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi đối với Bộ; UBND cấp tỉnh; Sở GDĐT (hình thức, đối tượng, nội dung, thành phần tham gia, tập huấn để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra); việc thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo thiết thực, hiệu quả và khả thi.

Bộ GDĐT tổ chức thanh tra (hoặc kiểm tra) các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong suốt thời gian coi thi, chấm thi (gồm các đoàn của Thanh tra Bộ, các đoàn của Ban Chỉ đạo thi quốc gia); hướng dẫn Thanh tra Sở thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Sở GDĐT tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi tại địa phương.

Mặc dù năm nay không huy động cán bộ, giảng viên trường đại học tham gia coi thi, chấm thi nhưng Bộ GDĐT chỉ đạo và huy động một lực lượng cán bộ, giảng viên đại học tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác coi thi do Thanh tra Sở, Thanh tra Bộ trưng tập. Dự kiến mỗi điểm thi phải có ít nhất 2-3 cán bộ, giảng viên đại học tham gia kiểm tra, giám sát đảm bảo tính khách quan.

leftcenterrightdel

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học theo chương trình THPT phải dự thi 4 bài thi (3 bài thi độc lập và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh lựa chọn), thí sinh học theo chương trình GDTX phải dự thi 3 bài thi (2 bài thi độc lập là Toán và Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh lựa chọn).

Hoạt động tập huấn ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2019-2020 là hoạt động thường niên của Sở GDĐT Nam Định (những năm trước đây là tập huấn ôn thi THPT quốc gia). Đây là hoạt động rất thiết thực và là một trong những giải pháp giúp Nam Định luôn duy trì chất lượng thi tốt nghiệp THPT trong tốp những tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong nhiều năm qua.

Theo dự kiến, năm 2020 cả tỉnh Nam Định có khoảng 18.000 thí sinh đăng ký dự thi, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của thí sinh, dự kiến bố trí 33 điểm thi tại tất cả huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra