Tháng Ba về, nhớ mùa sứa biển quê hương

Thứ sáu, 15/03/2013 06:26
Tháng Ba, khi cái lạnh tạm lắng xuống, những tia nắng vàng rực rỡ bắt đầu soi chiếu đất trời, cũng là lúc mùa sứa về. Với tôi đó là cả một miền thân thương với một món ăn chỉ khi về với mẹ tôi mới được thưởng thức. 

Quảng Xương (Thanh Hóa) quê tôi là một vùng chiêm trũng, lại sát vùng ven biển thuộc một tỉnh miền Trung. Những ngày này, người dân ven biển đã nhộn nhịp dong thuyền ra khơi đánh bắt sứa biển. Ngày còn ở nhà, tôi thường rủ đám bạn kéo nhau ra biển cách nhà có 2km để tắm biển, nghịch cát. Biển quê tôi không phải bãi du lịch nên vẫn còn nét hoang sơ, chỉ có cát với cây cùng những con thuyền ra khơi. Nghịch giỡn dưới thứ nước biển nồng nồng, tanh tanh không làm chúng tôi mất đi niềm hân hoan. Thi thoảng lại rộn lên những tiếng cười hoan hỉ khi vô tình tóm được chú sứa biển trong suốt bị sóng biển đánh dạt vào bờ. Tuy nhiên không phải ai cũng dám đụng vào bởi sứa vừa tanh lại vừa có thể “cắn” nên rất ngứa. 

Cùng với những chuyến ra khơi, những cô hàng rong lại đem những mẻ sứa tươi thong dong đi khắp ngõ làng thôn xóm. Tôi rất thích ăn sứa nên mỗi lần nghe tiếng rao “Ai mua sứa ơ” lòng lại không kìm được. Tiếng rao rất đặc trưng thường xuất hiện vào trưa ngày, cùng cái nắng chói chang những ngày đầu hè rất đặc trưng của vùng biển. Sứa được bán theo mớ hay theo từng xô của các cô hàng rong, với giá không đắt, chỉ 50-60 nghìn/xô nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua được bởi còn phụ thuộc vào tiết trời. Vào những hôm biển động thì không thể nào có sứa. Vì thế những đứa trẻ hám ăn như tôi thường phải “vứt” giấc ngủ trưa, ngồi canh tiếng rao đặc trưng đó. 

Sứa biển bắt về hãy còn rất nhiều nước, cát biển trong thân mình và mùi tanh. Phần ngon nhất của sứa chính là phần chân có màu vàng thau, te tua một khối với các chân chắc nịch. Và phần da sứa sần sùi cũng không kém hấp dẫn. Hai phần này ăn vào giòn sần sật chứ không mềm như thân sứa. Vì vậy hôm nào mua được mẻ hàng của cô hàng rong với nhiều da và chân sứa, không thể giấu được sự phấn khích của mấy đứa hám ăn món ăn này. 

Riềng và rái mít là linh hồn làm nên hương vị đặc trưng của món gỏi sứa

 Để chế biến thành công món sứa quả thực rất kì công. Sứa mua về còn rất nhiều bọt và cát. Vì vậy muốn làm sạch, phải dùng lá lúa hoặc lá bí chà vào mới sạch. Đây là công đoạn cần sự tỉ mỉ, nếu không cẩn thận sẽ khiến người làm bị ngứa tay. Một thứ gia vị không thể thiếu chính là lá ổi. Mẹ ra vườn hái nắm lá ổi vò nát rồi đun sôi. Chờ nước nguội bớt thì thả sứa được cắt thành những khúc vừa ăn vào nồi để loại bỏ cát, mùi tanh và giúp thịt sứa săn chắc lại. Nước ngâm chỉ để âm ấm, nếu nóng quá thì sứa sẽ tan hết. Vị chát của lá ổi giúp thịt sứa săn chắc lại và giòn dai hơn. Cứ thế ngâm sứa khoảng 1h sau đó vớt ra rổ cho ráo nước. Mẹ còn kì công dùng vải màn bóp sứa cho ra hết nước, khi đó món nộm sứa sẽ đẹp mắt hơn. 

Linh hồn của món sứa mẹ làm là rái mít và riềng – hai thứ cay nồng, chan chát hòa quện vào vị mát ngọt của sứa biển. Hai thứ gia vị này giã nhỏ trộn đều với sứa đã vắt khô nước. Như vậy món gỏi sứa đã hoàn thành. Món gỏi sứa phải được ăn cùng với nước chấm đặc biệt mà người dân quê tôi gọi là “triểu”. Triểu được nấu từ bột gạo, thêm chút gừng, tỏi, ớt, đường, mắm, tiêu,… và không thể thiếu mắm tôm, thành thứ bột sền sệt ngả vàng, trông rất hấp dẫn. Khi ăn, chấm sứa với triểu, ăn cùng lá bọng cách, lá mơ hoặc lá sung. Thêm chút lạc rang, bánh đa là có món gỏi sứa hoàn chỉnh. Chỉ vậy thôi tất cả tạo nên một món ăn đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có. Gỏi sứa ăn có vị mát ngọt của sứa, vị cay nồng của riềng, vị nồng của mắm tôm, vị bùi bùi của lá bọng cách… Đặc biệt sứa ăn rất giòn, cảm giác nhai những miếng sứa giòn sần sật, tan trong miệng rất hấp dẫn. 

Cách chế biến món sứa của quê tôi khá đơn giản đủ để giữ lại hương vị tươi ngon của sứa biển mới được đánh lên bờ. Nếu ai không quen có thể sợ không dám ăn. Những đã ăn rồi là mê và nhớ mãi. Ngoài món gỏi sứa quen thuộc, sứa biển còn được chế biến thành nhiều món khác như nộm sứa (trộn với thịt heo, thịt gà,…) hay bún sứa,… 

Sứa biển ngày nay được bán rất phổ biến ở các khu chợ, siêu thị, chế biến thành các món ăn ở các nhà hàng với giá từ 250-300 nghìn/kg  nộm sứa. Tuy nhiên đó là sứa đã được ép khô, vẫn giữ được độ giòn song chẳng thể giữ được vị ngọt mát của sứa tươi. 

Mỗi độ tháng Ba về những người con xa quê như  tôi lại càng cồn cào hướng về miền quê với tiếng sóng, vị nồng của gió biển và một món ăn đặc biệt như thế. Tranh thủ về quê, mẹ lại canh cánh trông cô hàng rong mong mua được mẻ sứa cho con gái. Vị ngọt man mát của sứa biển với tôi tựa như tình yêu của mẹ vậy.

 

Theo Tình Nhi

Sống Mới

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra