Thiếu “bà đỡ” cho văn học trẻ?

Thứ sáu, 23/06/2017 13:41
Tại Hội nghị Văn học trẻ TP mở rộng các tỉnh ĐBSCL vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, các bản tham luận của các cây bút trẻ cho thấy, họ có một cách tiếp cận độc giả hoàn toàn khác với các thế hệ trước.

Cây bút trẻ hay ngôi sao?

Ngày nay, có nhiều cây bút trẻ mỗi khi ra mắt là kéo theo hàng loạt fan tung hô, y như một nghệ sĩ. Nhiều người trong số họ có lượng sách bán rất chạy, kéo theo hệ lụy đánh giá chất lượng văn chương theo số lượng độc giả.

Theo thầy Trần Xuân Tiến - giảng viên Đại học Văn Hiến, ngày càng nhiều nhà văn trẻ được độc giả biết đến, cảm mến và ái mộ không khác gì một minh tinh màn ảnh. Thế nhưng, với phương cách quảng bá văn học nặng về truyền thông đại chúng như thế, nhiều căn bệnh từng được xem là chỉ xuất hiện khu biệt ở giới showbiz giờ đây cũng lây lan ngày càng trầm trọng trong giới viết lách. Đình đám nhất là gần đây, để cảm ơn độc giả đã mua sách ủng hộ mình với số lượng khá lớn, một cây viết trẻ đã đăng trên trang cá nhân của mình hình ảnh khỏa thân cùng lời nhắn gửi “tụt quần để cảm ơn”. Nhiều độc giả chỉ biết ngán ngẩm với màn kịch vụng về kiểu viết chữ khoe thân này. Một cây bút trẻ khác thì thường xuyên lên trang cá nhân phê phán những điều chưa hay trong xã hội không phải mang tính chất xây dựng mà bằng những câu văng tục, chửi bới hết sức phản cảm.

leftcenterrightdel
 Ban nhà văn trẻ họp chuẩn bị cho Hội nghị. Ảnh: P.H

Nhận xét về nội dung văn học trẻ, tác giả Nguyễn Đình Minh Khuê cho rằng: “Văn học trẻ đang “bội thực” những nỗi đau riêng. Có người bảo văn chương của các bạn trẻ 8x, 9x như Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào, Phan Ý Yên, Nồng Nàn Phố… gần như thiếu hẳn đi những cảm xúc vui vẻ, rộn ràng và tin yêu của tuổi trẻ, nhưng lại thừa thãi những buồn chán, thất vọng và cô đơn. Điều đáng nói ở đây là, vết thương trong văn chương của những người trẻ và cách họ nói về những vết thương ấy, hiện nay, hình như rất có vấn đề.

Đọc sách của những người trẻ Việt, ta dường như bị kéo vào trong một mớ bòng bong của những cảm xúc tuổi trẻ, từ say nắng, yêu thầm đến tuyệt vọng, thất tình, cô đơn rồi hoang mang tìm cách buông bỏ những hỗn độn trong tình cảm. Một bộ phận không nhỏ các cây viết trẻ hiện nay muốn chọn cho mình hướng đi “an toàn”. Nghĩa là họ chưa sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc vào đời sống thực đang diễn ra trước mắt”.

Theo Nhật Phi - tác giả đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5 với tiểu thuyết “Người ngủ thuê”, nhà văn trẻ luôn phải đi và viết. Nhưng cái sự đi cũng không thể hời hợt, bên ngoài. “Có những người đi rất nhiều, nước ta, nước ngoài, Á Âu - Đông Tây đủ cả, nhưng họ thể hiện gì trong những trang viết? Đi, một cách vật lý, là cần thiết chứ, nhưng nó sẽ chỉ có ý nghĩa với sáng tạo, với nhận thức khi mở được cái đầu của mình ra trước nhất. Hành trình lớn nhất cần phải là hành trình đi ra khỏi hay đào sâu hơn vào cái tôi của mình. Cũng như Modiano cả văn nghiệp chỉ viết một cuốn sách duy nhất: Paris. Cũng như Franz Kafka sống cuộc đời một công chức, luôn dằn vặt vì không đủ thời gian viết, đừng nói là đi đâu tung tăng. Cũng như tác gia mà tôi yêu thích - Dazai Osamu, mãi mãi ngập trong nỗi ám ảnh mất tư cách làm người. Khám phá hay sáng tạo lắm khi cũng chỉ cần là như thế thôi”.

Thiếu “bà đỡ” cho văn trẻ

Cũng theo thầy Trần Xuân Tiến, hiện nay đang thiếu bà đỡ cho những tác phẩm thực sự. Các đơn vị xuất bản thì chăm chăm chạy theo các tác phẩm thị trường, dễ lòng chiều theo thị hiếu số đông mà khước từ những tác phẩm có chất văn chương đúng nghĩa, phản ánh sâu sắc những hiện tượng đời sống xã hội. Tương tự, các đơn vị phát hành cũng dồn sức quảng bá cho các tác phẩm đại chúng bán chạy, còn những tác phẩm tinh hoa thì xếp gọn vào những kệ sách trong góc khuất của các cửa hàng. Điều này ngoài việc vì xu hướng chạy theo lợi nhuận còn là do nhận thức sai lầm về giá trị của tác phẩm văn học. Người ta đã lầm tưởng khi lấy sự hâm mộ của số đông để làm thước đo cho chuẩn giá trị của một tác phẩm nào đó.

“Thế mạnh của giới trẻ là tìm tòi và thể nghiệm với bút pháp mới, tư duy mới. Tác phẩm của họ thể hiện những trải nghiệm của tuổi trẻ, những nghĩ suy về cuộc sống với những xúc cảm trẻ trung và chân thật. Song, có một thực tế không thể phủ nhận là dù cho có rất nhiều sách văn học bán chạy trên thị trường, nhưng dường như văn học trẻ còn thiếu vắng những tác phẩm có tác động đến đời sống xã hội, những tác phẩm khiến người đọc phải trăn trở về thực tế cuộc sống” - tác giả Vĩnh Thông chia sẻ.

Theo Minh Thi/Lao động

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra