Khu chợ ngày xưa còn lụp xụp, người bán kê tấm bạt để hàng, ngồi chồm hổm thành một dãy, theo khu bán rau củ hay tôm cá. Bạn sẽ không bất ngờ khi thấy dường như ai cũng mặc thêm một chiếc áo mưa mỏng phía bên ngoài dẫu trời không mưa. “Mặc thêm cái áo mưa vô, ấm hẳn”, lời chia sẻ hay phân trần dễ thương quá chừng khi ai đó nhìn các bà, các mẹ dẫu chưa kịp cất lời hỏi han. Mẹ tôi cũng không ngoại lệ, bên ngoài tấm áo khoác đã bạc màu luôn là một chiếc áo mưa mỏng tang. Mẹ ngồi bày từng mớ rau, từng củ khoai, thi thoảng lại ngó nghiêng sang nói chuyện với mấy cô bán hàng bên cạnh. Mẹ thở ra khói cũng đủ biết trời lạnh cỡ nào. Cuộc nói chuyện luôn hướng tới một mùa xuân thật ấm áp, nơi có những giọt nắng vàng lung linh. Ngồi cạnh bên, thật lạ, hình ảnh ấy, không gian ấy tôi thấy cả một sự bình yên trải dài, mà ở đó chỉ có những người quê tôi chân chất, một nắng hai sương.
Tôi trở lại tháng mười hai, một buổi sớm quê nhà, nắng hanh hao đậu trên hàng cau cao vút. Không thấy lũ sẻ lích chích gọi bạn như thường ngày. Vọng từ xa một vài chú khướu đang hót, âm thanh trong trẻo như dát vào miền quê từng khúc nhạc dịu êm. Cây rơm cao chót vót là thế nhưng mấy chú gà trống choai vẫn nghịch ngợm trèo lên, giương cái cổ gáy te te. Bà đã dậy thật sớm để quét mảnh sân nhà sạch bong, chẳng có lấy một chiếc lá khô, làm nơi chuẩn bị hong khô mấy loại hạt, mấy loại củ để mai kia Tết đến sẽ sên mứt. Cạnh mé sân là khoảnh vườn bé xinh đủ đầy các loại rau củ và những luống hoa xuân phục vụ cho Tết. Dường như mùa đông làm cho màu lá thêm xanh thẫm, vỏ cây sần sùi, cứng cáp trông thấy. Thương luống rau, gặp hôm trời sương muối, lá héo úa, chuyển dần sang màu đen và teo tóp. Ba tôi vội vàng giăng dây, trùm ni-lông cứu vãn mấy luống rau và hoa xuân. Nhìn ba cặm cụi chăm sóc đám cây, nhẹ nhàng nâng niu mà thương mùa xuân biết nhường nào. Mùa xuân sẽ hạnh phúc và tươi đẹp hơn nhờ có bàn tay ba nuôi nấng và chăm bẵm. Kia là dãy cúc mâm xôi đang lấm tấm những lá và nụ bé xíu xiu. Kia nữa là hoa ly, hoa lay ơn, hoa hồng, hoa thược dược. Lắm lúc tôi nghĩ, nếu Tết đến xuân về mà không có những loài hoa khoe sắc này thì không biết sẽ như thế nào?
Tôi trở lại tháng mười hai, ruộng đồng đang mùa đổ ải. Những con nước từ trên nguồn cuồn cuộn chảy ngày đêm. Khôi đất mùa đông khô cong, gặp nước mềm nhũn ra. Và sau mùa đổ ải sẽ là vụ cấy dắm. Những chú cá, chú cua theo con nước từ thượng nguồn về làm tổ trong ruộng. Tôi lội ruộng theo lũ bạn, nước vỗ về bàn chân, ôm lấp lấy gót hồng, phù sa lấm lem. Tuổi thơ trong vắt với những lần đi bắt cua, cá mùa đổ ải. Những con cua béo ú ụ ngọ nguậy trong chiếc xô bé xíu xiu. Tôi cười, bạn bè tôi cười khanh khách, tay xách xô cua đồng, người ướt sũng, lạnh cóng nhưng lòng thì sung sướng biết nhường nào. Lúc đó đầu chúng tôi đang mơ về món cua rang muối, canh cua nấu với rau vặt mà trong miệng nuốt từng hồi nước bọt ừng ực…
Tôi trở lại tháng mười hai, lớp học trường làng lạnh lẽo, lụp xụp hai dãy nhà cấp bốn, gió thốc thổi từng đợi làm học trò và thầy cô giáo run rẩy. Giờ ra chơi gác lại những bước chân tung tẩy, học trò và thầy cô cùng ngồi bên nhau bên ngọn lửa hồng tự nhen, hát cho nhau bài hát rộn ràng. Ước mơ học trò quê nghèo được nhen nhóm từ bếp lửa hồng năm ấy. Ai cũng muốn mình lớn thật nhanh, học thật nhiều điều hay và giỏi giang sau này có cơ hội về xây dựng quê hương đẹp hơn. Ước mơ lấp lánh trong ánh mắt. Ước mơ ngời sáng theo ánh lửa hồng, chảy trong dòng máu nhiệt huyết mà quên đi cái lạnh tê tái.
Tháng mười hai năm đó tôi ngỡ như mới hôm qua, kỷ niệm hóa thành dòng ký ức, một nẻo xa xôi, tôi lại tìm về với bao ký ức ngọt ngào. Tôi đã đến với thế giới của người trưởng thành, nhiều lo toan và suy nghĩ. Và bằng một cách đó lạ lùng, khi cuộc đời chống chếnh, chênh vênh, tôi lại tìm về cảm xúc năm cũ, tháng mười hai ở phiên chợ quê, vườn nhà, trên cánh đồng mùa đổ ải và trường làng có bóng dáng hình thầy cô, bè bạn, tâm hồn tôi neo lại những yêu thương…
Nguyễn Văn Chiến