Về thăm Cổ Loa

Chủ nhật, 27/08/2017 16:55
(ThanhtraVietNam) – Cách trung tâm Hà Nội 20km, Khu di tích Cổ Loa được coi là một địa chỉ văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc.

Từ xưa ngôi thành cổ này cùng những nhân vật lịch sử được huyền thoại hóa đã đi vào tiềm thức, tình cảm của người dân Việt Nam, đó là những câu chuyện truyền thuyết: Tiên xây thành, Bạch Kê tinh phá thành, Rùa Vàng giúp vua diệt “Bạch Kê Tinh”, hiến kế xây thành Ốc, tặng móng rùa thành lẫy nỏ thần uy linh bất diệt, thiên tình sử Trọng Thủy – Mỵ Châu… Nhớ về Cổ Loa, cũng là nhớ về cội nguồn, nhớ về một thời lịch sử vừa rạng rỡ tươi đẹp, vừa hào hùng bi tráng. Cổ Loa đã hai lần là kinh đô, lần thứ nhất mở đầu cho thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc với triều Vua duy nhất, triều đại An Dương Vương – Thục Phán vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Lần thứ hai mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ của Ngô Quyền vào thế kỷ X sau công nguyên. 

Khu di tích Cổ Loa có diện tích bảo tồn gần 500 ha, là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của một tòa thành cổ với nhiều hiện vật phong phú và các văn bản văn tự. Hiện thành Cổ Loa vẫn còn ba vòng thành, với tổng chiều dài trên 16km được bố trí gồm: Thành nội, Thành trung và Thành ngoại. Trong khu vực Thành nội còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật như: Khu Đền thượng thờ An Dương Vương, khu Đình Ngự triều Di Quy, Đền Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn. Đây đều là những di tích hàm chứa trong đó rất nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật, nhân văn, những tinh hoa giá trị của văn hóa Việt nam qua bao thế hệ.

Đền thờ An Dương Vương là nơi thờ vị vua kế tiếp Hùng Vương, sát nhập hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, chuyển kinh đô từ Bạch hạc Việt Trì xuống miền đồng bằng châu thổ Sông Hồng, lấy Cổ Loa là kinh đô lập nên nhà nước Âu Lạc vào thế kỷ thứ III trước công nguyên

leftcenterrightdel
Lối vào Đền thờ An Dương Vương 

Cửa Nghi môn là công trình kiến trúc thời Nguyễn, cổng đền xây kiểu có ba cửa cuốn vòm, trên có thượng lâu chồng diêm cuốn đao cong, tường hoa lan can bao quanh, có bậc thềm lên xuống ở hai bên. Ngay trước cổng có sân hẹp lát đá ở giữa với ba cây hương đá

leftcenterrightdel
Cửa Nghi môn 

Qua hai nghi môn đến sân rồng đền Thượng, có hai dãy nhà tả mạc, hữu mạc, mỗi dãy có 7 gian, chức năng của hai dãy nhà này dùng để hội họp hoặc để nghỉ ngơi cho những người tới viếng thăm. Ở giữa sân vẫn là con đường "Linh Đạo" lát đá xanh dẫn lối lên tòa tiền tế. Vào dịp lễ hội hàng năm hoặc dịp tế lễ, thường có cắm cờ thần ở hai bên con đường này và bố trí các bàn thờ kiệu rước cho việc tế lễ trước đền.

leftcenterrightdel
Nhà tả mạc 

Khu di tích này được xây dựng lại cách ngày nay gần 400 năm, trên chính mảnh đất tương truyền xưa kia là Hoàng Cung của An Dương Vương và vẫn được gọi là Đền Thượng, đền Vua Thục hay còn có tên chữ "Tiên Từ Đề Nhất", bốn chữ này được ghi ở cả hai cổng nghi môn ngoài và trong, nhằm tôn vinh, ca ngợi và phân biệt nơi này là "bậc nhất" so với những nơi khác cũng thờ An Dương Vương

leftcenterrightdel
 

Trong khuân viên của Đền Thượng còn có Nhà Bia, với niên đại khởi dựng vào đầu thế kỷ XVIII. Trong số các bia đá dựng ở đây đáng chú ý là tấm bia lớn có bốn mặt chữ. Mặt bắc có chữ "Tạo tập thạch bi" (Tạo dựng bia đá). Bài tựa trên bia đá thờ phụng chính pháp điện của xã Cổ Loa, thuộc huyện Đông Ngàn - Phủ Từ Sơn. Một số bia khác ở xung quanh có ghi lại một số luật lệ, quy định về sử dụng ruộng đất giành cho việc thờ cúng, tế lễ và các lệnh chỉ của một số vua thời Lê - Nguyễn nói về việc thờ phụng ở ngôi đền này

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel

Nhà Bia trong khuân viên Đền thờ An Dương Vương

Cách Đền thờ An Dương Vương khoảng 200m về hướng Đông, nằm gần giữa Thành Nội Cổ Loa là Đình Ngự triều Di Quy. Đình được dựng trên một khu đất cao và rộng, bên phải là đền thờ Mỵ Châu, phía sau là chùa Bảo Sơn. Ngôi đình này về kiến trúc hiện có được xây dựng muộn hơn (cuối thế kỷ XIX) còn Chùa thì đã được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII.

leftcenterrightdel
Cụm Di tích Đình Ngụ triều Di Quy - Đền thờ Mỵ Châu - chùa Bảo Sơn 
leftcenterrightdel
Am thờ Mỵ Châu công chúa 
leftcenterrightdel
Chùa Bảo Sơn 

Nét đặc biệt của ngôi Đình này là được xây dựng trên nền cung điện thiết triều của An Dương Vương (theo truyền tụng) và vị thần được thờ làm Thành Hoàng làng ở đây không phải ai khác chính là An Dương Vương Thục Phán. Nguồn gốc kiến trúc của ngôi đình này là từ Bạch Hạc Việt Trì Vĩnh Phúc do nhân dân Cổ Loa vận chuyển theo đường sông đem về đây đắp và dựng lại vào năm 1892

leftcenterrightdel
Nét cổ kính của Đình Ngụ triều Di Quy 

Để phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích Cổ Loa, hiện nay trong khu di tích Cổ Loa có nhà trưng bày các hiện vật bổ sung cho khu di tích, nội dung gồm ba phần: Cổ Loa thời kỳ trước An Dương Vương, Cổ Loa thời kỳ An Dương Vương và Cổ Loa thời kỳ sau An Dương Vương

leftcenterrightdel
Nhà trưng bày trong Khu di tích 
leftcenterrightdel
Khu trưng bày các hiện vật khảo cổ gắn liền với nhiều thời kỳ của mảnh đất Cổ Loa lịch sử
leftcenterrightdel
Hệ thống hiện vật rất phong phú
nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình...
leftcenterrightdel
...đặc sắc về chất liệu 

Có thể nói, khu di tích Cổ Loa với cảnh quan thiên nhiên hài hòa khoáng đạt với Thành cổ và hào nước, với sông hồ, đầm, lạch, gò, đống là những di tích lịch sử gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú về An Dương Vương hào hùng, bi tráng và cả những xóm cổ, cầu chợ, lăng mộ...đã tạo nên cho Cổ Loa một bề dày lịch sử và giàu về loại hình di tích nhất ở nước ta. 

Đỗ Quyên

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra