<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><b><span style="font-size:10.0pt;font-family:
Arial">Lần đầu ăn thịt dê giữa biển khơi<o:p></o:p></span></b></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Thuở nhỏ, tôi chưa một lần được ăn
thịt dê. Theo mẹ đi chợ, tôi chẳng thấy người ta bán thịt dê bao giờ trong khi
lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, thịt bò, thịt trâu, thịt chó thì đủ cả riêng món thịt
dê thì chẳng thấy. Trong các dịp giỗ tết của họ nhà tôi, to nhất thì có mổ bò,
bê thui hoặc mổ lợn. Thịt dê chưa bao giờ xuất hiện trên mâm cỗ. Ở Hà Nội thuở ấy
hầu như chẳng có mấy tiệm ăn có món thịt dê.<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal">
</p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Thời chiến tranh, bao cấp, thịt dê hầu
như vắng bóng trong các bếp ăn, cửa hàng ăn uống mậu dịch hay các quán ăn Hà Nội.
Thịt dê với đa số dân Hà Nội vẫn là một món ăn xa lạ không mấy người có dịp được
thưởng thức.<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial"><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/anhtl/2015_1/06.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;"><i><span style="font-size:10.0pt;line-height:115%;font-family:"Times New Roman";
mso-fareast-font-family:Calibri;color:blue;mso-ansi-language:EN-US;mso-fareast-language:
EN-US;mso-bidi-language:AR-SA">Những người bạn nước ngoài của tôi khi sang Việt
<st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region> rất thích ẩm thực Việt <st1:country-region w:st="on"><st1:place w:st="on">Nam</st1:place></st1:country-region>, nhất là
bia hơi và các món ăn vỉa hè. Nhưng khi tôi hỏi: “Có muốn thử rượu cà dê
không?” thì họ lắc đầu quầy quậy. Có lẽ, với người phương Tây, đây là thứ rượu
“kinh khủng”.</span></i><br></div></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Mãi đến những năm đầu của thập kỉ
60, ở một số góc phố Hà Nội, người ta mở ra những quán bán thịt thú rừng và một
số đặc sản. Tôi còn nhớ đoạn giữa phố Lê Văn Hưu, Hà Nội người ta lợp ra một
cái quán ngoài vỉa hè. Quán này có tay đầu bếp trứ danh chuyên bán các loại thịt
thú hoang, nào là lợn rừng, hươu nai, cầy cáo...Đôi khi người ta bắt về mấy chú
dê buộc vào gốc cây kêu be be ầm phố. Lũ chúng tôi đi học về thường dừng lại lấy
cỏ cho dê ăn, có đứa cầm que chọc dê. Ngày ấy, lão chủ quán bầy một lô các bình
rượu thủy tinh trong ngâm đủ thứ. Bình thì ngâm bao tử hươu, pín hổ, rắn hổ
mang… Đặc biệt có một cái bình to, trong ngâm đến hơn chục quả “cà dê”. Người
ta bảo cái đấy là rượu cho đàn ông bổ lắm…<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal">
</p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Chiến tranh chống Mỹ, tôi sơ tán lên
rừng Thái Nguyên và theo học ngành động vật. Nơi tôi ở thời sinh viên tuy là rừng
núi chân Tam Đảo nhưng hầu như cũng chẳng thấy nhà nào nuôi dê. Thầy Động vật học
của tôi dạy: “Con dê là vật nuôi của người nghèo. Nuôi dê không tốn lương thực
làm thức ăn. Dê có thể ăn đủ các loại lá… Sữa dê bổ, thành phần dinh dưỡng đầy
đủ và còn hơn cả sữa bò…”. Học theo sách vở là thế nhưng gần như con dê cũng
chưa được nuôi phổ biến ở nhiều nơi như bây giờ. Sau này, qua thực tế tôi mới
hiểu thêm rằng tuy con dê là “vật nuôi của người nghèo” thật nhưng ở một số
vùng trên thế giới vì phát triển đàn dê bừa bãi nên lũ dê đã tàn phá hết cỏ cây
góp phần nhanh chóng biến đất đai thành sa mạc cằn cỗi.<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial"><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/anhtl/2015_1/01.jpg" width="500px"></div></span></p><p class="MsoNormal" align="center" style="margin-left:.75in;text-align:center;
text-indent:-.25in;line-height:normal;mso-list:l0 level1 lfo1"><span style="font-size:10.0pt;mso-bidi-font-family:Calibri;color:blue"><span style="font-style: normal; font-variant: normal; font-stretch: normal; font-size: 7pt; line-height: normal; font-family: 'Times New Roman';"> </span></span><!--[endif]--><i><span style="font-size:10.0pt;font-family:"Times New Roman";color:blue">Món thịt dê
giờ đã trở thành món phổ biến trên các bàn nhậu hiện nay. Tuy nhiên, thời bao cấp
thì cả Hà Nội không có lấy nổi một quán thịt dê. Những người như chúng tôi khi
đó chỉ biết đến thịt dê qua… sách vở.<o:p></o:p></span></i></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial"><br></span></p><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;"></div>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Sống ở khắp nơi nhưng tôi cũng chưa
có dịp nào được thưởng thức món thịt dê cả. Thời bao cấp, khó mà có thể mua nổi
miếng thịt dê dù rằng đi đây đi đó thấy người ta vẫn thả dê trên núi. Tôi chỉ
biết đến món dê qua sách vở. Tôi cũng chưa hề được xem làm thịt dê bao giờ. Chỉ
nghe nói trước khi làm thịt dê, người ta cho dê uống rượu rồi đánh cho nó chạy,
vã ra hết mồ hôi. Sau khi chọc tiết lấy tiết hãm tiết canh và pha vào rượu, con
dê được mổ bụng và rồi người ta nung một tảng đá cuội lớn cho thật nóng bỏ vào
trong bụng dê, khâu tạm lại và lấy rơm thui. Trong nóng ra, ngoài nóng vào, thế
là thịt dê tái vừa độ. Chỉ thái ra mà chấm tương gừng… Nghe nói vậy nhưng cũng
chẳng biết thực hư ra sao.<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Thế rồi số trời run rủi, tôi phải tự
tay tham gia bắt dê, làm thịt dê và nấu món dê. Đây một thử thách mà trong đời
tôi chưa bao giờ gặp phải. Ngày ấy, cả nhóm chúng tôi đang có cuộc khai quật khảo
cổ học ở đảo Cát Bà. Đang trời quang mây tạnh bỗng một trận bão lớn xuất hiện.
Cả đoàn chui trong căn nhà lá ọp ẹp gió vặn cột kèo, căn nhà kêu răng rắc. Cả
đoàn khai quật phải vất vả cùng gia đình ông dân chài ra sức kéo dây buộc các
góc nhà chỉ chực tung lên trong trận cuồng phong dữ dội. Bão qua, nhà nghiêng,
may không đổ. Cả đoàn phân nhau người thì chống lại nhà cửa, lợp lại mái. Để
thưởng công anh em, đoàn tôi được khoản đãi bằng… một con dê. Tôi là anh trẻ nhất
nên được phân công cùng trưởng đoàn leo lên trại dê của hợp tác xã trên đỉnh
núi để thương lượng mua con dê về làm thịt cho cả đoàn. <o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Hai anh em hì hục khiêng con dê từ
trên đỉnh núi xuống hang núi bên dưới để mổ thịt. Một cậu trong đoàn khoe: “Tớ
là dân Ninh Bình, mổ dê dễ ẹc. Để tớ ra tay!”. Cậu ta chặt một khúc tre nhỉnh hơn
cái xe điếu. Vạt một đầu thật sắc để làm cái ống dẫn tiết. Con dê bị trói thật
chặt, kêu vang cả hẻm núi thảm thiết. Cậu bạn tôi dùng dao sắc vạt miếng da ở cổ
dê rồi loay hoay tìm mạch để chọc chiếc ống sắc nhọn. Lúng túng mãi không xong.
Rốt cuộc cũng chọc được vào động mạch và lấy được ít tiết dê cho vào chiếc xoong
nhôm. Vất vả mãi mới mổ xong con dê. Cả một cỗ lòng to tướng và đống ruột chẳng
biết làm gì, đành vứt xuống biển để “cúng Thủy thần”.<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal">
</p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Tôi đề nghị giữ lại bộ xương để làm
mẫu nghiên cứu cổ động vật, vì thế phải tự tay lọc thịt và giữ nguyên bộ xương
làm mẫu cho phòng thí nghiệm. Thịt dê chẳng biết nấu nướng ra sao, anh em tự sáng
tác xiên chả nướng trên lửa. Xương hầm đu đủ xanh có sẵn trên núi. Cuối cùng, cả
đoàn xì xụp thưởng thức món thịt dê tự chế chẳng theo một bài bản nào. Ăn xong
mà hỏi thịt dê ra sao cũng chẳng ai biết nó thế nào nữa. Thời ấy có thịt mà ăn
là quý lắm rồi. Sống ngoài đảo mà cả tháng cũng chỉ mấy con cá nhép. Nhưng đợt ấy
tôi được một mẻ thu hoạch lớn là có được một bộ xương dê để làm mẫu so sánh. Bộ
xương nay vẫn để trong phòng thí nghiệm. Mỗi lần nhìn thấy nó tôi lại nhớ đến
trận thịt dê năm xưa.<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;text-align:
justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial"><br></span></p><p class="MsoNormal" style="margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;text-align:
justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial"><div style="text-align: center;"><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/anhtl/2015_1/04.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;"><i><span style="font-size:10.0pt;line-height:115%;font-family:"Times New Roman";
mso-fareast-font-family:Calibri;color:blue;mso-ansi-language:EN-US;mso-fareast-language:
EN-US;mso-bidi-language:AR-SA">Con dê là con vật nuôi dành cho người nghèo vì
hiệu quả kinh tế và không tốn lương thực</span></i><br></div><br></div></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><b><span style="font-size:10.0pt;font-family:
Arial">“Tái dê chấm với tương gừng…”<o:p></o:p></span></b></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Sau thời kỳ kinh tế mở cửa, nhà
hàng, quán xá thi nhau mọc ra khắp nơi. Các quán nhậu đã có đủ các món dê. Thịnh
hành nhất vẫn là dê tái chanh, dê xào lăn và quán chuyên dê thì có cả dê nướng
tảng, dê hầm thuốc bắc, tiết canh dê, rượu tiết dê và món độc đáo hơn cả là rượu
“cà dê”.<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Tôi vốn không thích thú gì với các
loại rượu thuốc ngâm động vật. Nhưng có một lần, cậu bạn làm trong ngành trùng
tu di tích khoe vừa “thắng quả đậm”. Thế là cậu ta ép cả nhóm bạn thân sang tận
Gia Lâm để làm một bữa nhậu dê cho thêm khí thế. Phải nói không khí trong cái
quán ấy rất sôi động. Các em chân dài thi nhau tiếp thực khách rượu tiết dê.
Ông chủ tiệc ép mỗi người một cốc rượu cà dê cho thật phê. Cô phục vụ chân dài
đem đến cho tôi một cái cốc thủy tinh trong có quả cà dê. Cô dùng một củ xả đập
dập và lấy thìa nghiền cà dê tan trong cốc, dùng củ sả khuấy đều rồi rót cho mỗi
anh một li. <o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Tôi vừa ngậm vào một ngụm mà thấy rợn
cả người. Cái vị tanh tanh của cà dê nó chẳng hợp chút nào với khẩu vị uống của
tôi. Đành nhắm mắt ực một cái để chiều chủ nhân và chiều cô gái trẻ. May mà
không bị phun ra trong bàn nhậu. Từ đó tôi cạch đến già cái món rượu cà kinh khủng
này. <o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Tôi chẳng tin rằng cứ uống rượu cà
dê vào thì sẽ “phừng phừng máu dê” như có người đã từng đọc bài thơ vui vui:<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;text-align:
justify;line-height:normal"><i><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">“Tái dê chấm với tương gừng<o:p></o:p></span></i></p><p class="MsoNormal" style="margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;text-align:
justify;line-height:normal"><i><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Ăn vào nó lại phừng phừng máu dê<o:p></o:p></span></i></p><p class="MsoNormal" style="margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;text-align:
justify;line-height:normal"><i><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Đêm về vợ mới tỉ tê:<o:p></o:p></span></i></p><p class="MsoNormal" style="margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;text-align:
justify;line-height:normal"><i><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Ngày mai anh lại tái dê tương gừng…”<o:p></o:p></span></i></p><p class="MsoNormal" style="margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;text-align:
justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial"><o:p> </o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;text-align:
justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Sau
này, tôi có nhiều dịp được thưởng thức nhiều bữa tiệc dê ở khắp các vùng miền
khác nhau, từ dê núi Ninh Bình cho đến dê Ấn Độ ở Ninh Thuận, ăn đủ món từ cà
ri cho đến tiết canh, hầm táo tầu, thuốc bắc… Mỗi nơi mỗi vẻ. Người ta liệt kê
ra đến hơn hai chục món. Với tôi, cũng có món hợp khẩu vị, cũng có món không hợp.
Mỗi người một ý thích. Ẩm thực là vậy. Nhưng riêng cái khoản “ăn vào nó lại phừng
phừng máu dê” thì hình như với tôi nó chẳng có tác dụng gì cả. Chẳng biết tôi
nhận xét như thế có đúng hay không. Hay là do cái tạng của tôi nó không hợp lắm
với cái món thịt con be be này?<o:p></o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="margin-bottom:0in;margin-bottom:.0001pt;text-align:
justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial"><o:p> </o:p></span></p><p class="MsoNormal" style="text-align:justify;line-height:normal"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Tôi cầm tinh con lợn. Các thầy xem số
bảo rằng “Hợi-Mão-Mùi tam hợp”. Tôi nghiệm thấy các bạn tôi cầm tinh con dê nhiều
người rất thành đạt và hầu hết đều là những người bạn rất hợp với tuổi “con ủn ỉn”
của tôi. Riêng với món thịt dê thì tôi thấy nó không được “hợp” lắm so với thịt
trâu, thịt bò hay thịt gà, thịt vịt…</span></p><p class="MsoNormal" style="text-align: right; line-height: normal;"><i style="line-height: normal; text-align: right;"><span style="font-size:10.0pt;font-family:
Arial">Hà Nội, 12/2014</span></i></p><p class="MsoNormal" style="text-align: right; line-height: normal;">
<b><span style="font-size:10.0pt;
line-height:115%;font-family:Arial;mso-fareast-font-family:Calibri;mso-ansi-language:
EN-US;mso-fareast-language:EN-US;mso-bidi-language:AR-SA">TS.Vũ Thế Long <i>(Thư ký Hội Ẩm thực học Hà Nội)</i></span></b></p>