Vừa qua, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về kế hoạch tưới nước rửa đường của 30 quận, huyện, thị xã vừa được UBND Hà Nội thông qua. Việc tưới nước thực hiện trên các tuyến phố chính thường xuyên phát sinh bụi bẩn và trong những ngày chất lượng không khí ở mức kém.
Kinh phí chi trong năm 2020 ước tính trên 114 tỷ đồng. Quận Hoàn Kiếm rửa đường 3 lần/tuần phục vụ không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; tuyến phố đi bộ. Các tuyến phố trục chính như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng rửa hàng ngày. Tuyến phố phục vụ an ninh trật tự (chống đua xe) rửa 4 lần/tuần. Quận Ba Đình có kế hoạch rửa đường ở 37 tuyến, đa số một lần/tuần. Trong đó quận Cầu Giấy dự kiến chi cao nhất với gần 11 tỷ đồng, rửa hàng ngày cho gần 50 tuyến đường.
Rửa đường giúp giảm bụi và hạ nhiệt độ bề mặt đường. Ảnh: TT
Trước thông tin về việc Hà Nội dự kiến chi nhiều tỷ đồng cho việc rửa đường, có người dân thành thật: “Tôi thấy chi 100 tỷ rửa đường mỗi năm phí quá. Cái cần là cây xanh, cho các xe bán tải chở đồ cồng kềnh đi ra khỏi các tuyến đường nội thành đông đúc, di dời nhà máy cần nên tính toán thực hiện trước...”.
Một ý kiến khác thì đặt ra vấn đề, rửa sạch hay phun cho ướt và nhếch nhác hơn, gặp nắng nóng sẽ càng bụi bẩn, khi rửa lượng đất cát, rác sẽ đi đâu? Hy vọng cống không phải là nơi nhận.
Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định việc rửa đường có lợi ích và nhiều nước vẫn đang thực hiện. TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường nhận xét: “Kế hoạch này mà làm được thì rất tốt. Khi đi học ở châu Âu tôi thấy họ vẫn có các xe rửa đường hàng ngày để giảm bụi, góp phần giảm bớt ô nhiễm không khí".
Dĩ nhiên, rửa đường chỉ giảm ô nhiễm một phần. Còn nếu để giảm hẳn phải xem xét xem Hà Nội có nguồn ô nhiễm nào là chính, phương tiện giao thông, nhà máy hay hộ gia đình, hoạt động xây dựng.
Nhìn nhận về một luồng ý kiến người dân cho rằng con số hơn 100 tỷ để rửa đường là quá lớn, nên đầu tư để trồng cây xanh, Chuyên gia môi trường cho rằng: “Tôi không biết 100 tỷ này được dự toán và dự chi cụ thể thế nào nên không có bình luận. Nhưng rửa đường là tốt, trồng nhiều cây xanh thì tốt hơn nữa”.
Trồng thêm nhiều cây xanh là một giải pháp lâu dài giúp môi trường đô thị Hà Nội tốt hơn. Ảnh: TT
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) Nguyễn Túc bày tỏ: “Những đợt đô thị hoá vừa rồi làm mất rất nhiều cây xanh, làm cho không khí ô nhiễm ghê gớm. Để giải quyết vấn đề đường trước hết phải giải quyết vấn đề quy hoạch. Muốn quy hoạch được phải có tầm nhìn xa. Hiện nay chúng ta có tình trạng quy hoạch “mỳ ăn liền”. Ở một khu vực nhỏ đến hàng nghìn hộ dân ở nhà cao tầng thì cố gắng mấy cũng không được. Trên cơ sở quy hoạch đó chúng ta tính toán đến sự phát triển của giao thông. Khi làm đường chúng ta đã nghĩ đến vỉa hè rộng để trồng cây, nhưng tính không hết. Lượng xe cộ lớn lại phải cắt chỗ trồng cây để mở đường”.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội đề xuất, vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ quan có thể giải quyết được là làm cho người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Thành phố vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, kể cả ở quận trung tâm. Nông thôn thì đốt rác, đốt rơm rạ. Ở những nơi giáp ranh giữa hai phường không có ai chịu trách nhiệm.
Do vậy, vấn đề môi trường cần Nhà nước kết hợp với Nhân dân. Người dân thể hiện trách nhiệm của mình ở địa bàn, Nhà nước quản lý, tuyên truyền vận động để Nhân dân thực hiện ngày càng tốt hơn.
CTV Thu Trang