Cần đảm bảo quyền lợi, tính pháp lý cho người dân khi mua bảo hiểm xe máy

Thứ hai, 15/06/2020 15:47
(ThanhtraVietNam) – Nhằm đối phó với đợt tổng kiểm soát phương tiện trên toàn quốc, nhiều nơi rao bán bảo hiểm giá “bèo” với mức từ 10.000 – 20.000 đồng. Tuy nhiên, với mức giá bảo hiểm như vậy liệu có đảm bảo quyền lợi và tính pháp lý cho người tham gia giao thông là câu hỏi không ít người điều khiển phương tiện mô tô quan tâm.

Rao bán bảo hiểm xe máy bằng nửa giá theo mức quy định tối thiểu

Trong đợt tổng kiểm soát phương tiện của Cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc từ ngày 15/5 đến 14/6, nhiều người dân đã đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy để tránh bị phạt tiền. Điều này khiến cho mặt hàng bảo hiểm bán chạy những ngày qua. Tuy nhiên, mỗi nơi chào bán một giá, có sự mập mờ giữa bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện gây hiểu lầm cho người dân.

Tại Phụ lục 5 về biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định(Ban hành kèm theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tài chính): Đối với xe 50CC trở xuống: 55.000 đồng, xe trên 50CC: 60.000 đồng, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự: 290.000 đồng.

Theo khảo sát, trên thị trường bán bảo hiểm xe máy với các mức quảng cáo rất thấp: 10.000 đồng - 20.000 đồng/năm xuất hiện trên nhiều tuyến đường của Hà Nội. Với mức giá rao bán này bằng nửa giá theo biểu phí bảo hiểm bắt buộc đã thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là mức giá bảo hiểm tự nguyện người ngồi trên xe. Với loại bảo hiểm này người điều khiển xe máy vẫn bị xử phạt khi CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Khách hàng khi mua bảo hiểm phải cẩn thận vì đây không phải là bảo hiểm bắt buộc dành cho xe máy.

Tại các điểm bán bảo hiểm vỉa hè hiện nay, người bán chỉ cần lấy bút ra điền thông tin rồi đưa cho khách. Thời gian ghi trên bảo hiểm sẽ được linh động theo ý muốn của khách hàng. Để mua đúng bảo hiểm, người dân cần nắm rõ bảo hiểm bắt buộc có tên chính xác là “Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô – xe máy".

Theo ông Bùi Danh Liên – Phó chủ tịch Hiệp Hội Vận tải Thành phố Hà Nội, việc phát hành bảo hiểm để bán tự do ngoài đường như thế là không đúng, hành động mang tính nhất thời, “ăn xổi ở thì”. Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý bảo hiểm, phải tự khắc phục để không xảy ra tình trạng bán bảo hiểm bằng nửa giá theo mức quy định tối thiểu.

leftcenterrightdel
 

Rao bán là bảo hiểm xe máy với giá 20.000 đồng/ năm nhưng lại là bảo hiểm tự nguyện người ngồi trên xe. Ảnh: TL


 

Hướng tới đảm bảo quyền lợi cho khách hàng

Theo dữ liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2019 mức chi bồi thường chỉ chiếm 6% so với tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc xe máy. Từ dữ liệu cho thấy, việc bồi thường bảo hiểm xe máy hiện nay chưa thu hút được nhiều khách hàng.

Sự hiểu biết chưa đầy đủ thông tin của khách hàng khi mua bảo hiểm là do các công ty bảo hiểm hiện nay lo chạy theo doanh thu mà chưa chú trọng đến khâu tuyên truyền về quyền lợi của khách hàng. Các thủ tục và điều khoản bắt buộc để được chi trả bảo hiểm không phải bất kỳ ai cũng nắm bắt được.

Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; cung cấp các thông tin về điều khoản, biểu phí cụ thể, quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới để người dân nắm bắt một cách hiệu quả nhất.

Để đảm bảo quyền lợi, người mua nên tìm đến các đại lý phân phối, bưu điện hoặc  các công ty bảo hiểm có uy tín để mua bảo hiểm xe máy bắt buộc nhằm tránh tình trạng mua phải giấy chứng nhận bảo hiểm giả.

Ngoài ra, người mua bảo hiểm nên gọi ngay vào đường dây nóng của công ty bảo hiểm khi chẳng may gây tai nạn giao thông. Đây là cách hiệu quả nhất giúp bảo vệ quyền lợi của mình và bảo vệ cả người thứ ba. Các công ty bảo hiểm cần chủ động, giải quyết nhanh chóng thủ tục đền bù đến tay người tham gia bảo hiểm.

Thùy Linh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra