Cơ chế giám sát và kiểm tra về vấn đề giảm giá cước vận tải
Giá xăng, dầu giảm mạnh và tăng nhẹ trong thời gian gần đây không chỉ làm cho giá thành vận tải của Việt Nam mà còn kể cả thế giới (các nước như Iran, Trung Quốc, Nga,…) phải cắt giảm sản lượng để đảm bảo giá ổn định. Tình hình giá xăng, dầu giảm mạnh một phần do dịch Covid -19 nên lượng tiêu thụ xăng, dầu trên thế giới giảm đi, dẫn đến dư thừa.
Các doanh nghiệp vận tải chưa có dấu hiệu giảm giá cước do giá xăng thay đổi liên tục nên việc điều chỉnh sẽ mất nhiều chi phí, cần thời gian đăng ký giá cước mới. Các doanh nghiệp vận tải khi đưa vào hoạt động phải đăng ký giá cước với nhà nước theo Thông tư liên tịch số 152/2015/TTLT-BTC-BGTVT.
Theo quy định, việc giảm giá cước vận tải các doanh nghiệp phải đăng ký trước 3 ngày để Sở Tài chính và các cơ quan Nhà nước chấp thuận thì các đơn vị vận tải được công bố thực hiện. Khi công bố thực hiện thì có nhiều động thái làm theo, tốn nhiều chi phí: như in lại logo, giá cước trên xe, in lại vé,… và phải kế toán số vé bán được để kê khai thuế.
Ông Bùi Danh Liên – Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội cho biết: “Việc giá xăng thời gian gần đây giảm mạnh cũng có tính quy luật thông thường. Khi giá cả xăng dầu thế giới ổn định, chi phí vận tải xăng dầu chiếm 40 - 45% giá thành vận tải ở Việt Nam. Thời gian giá xăng giảm mạnh cũng là vào đợt dịch Covid – 19, không đủ thời gian để các doanh nghiệp vận tải trở tay kịp. Do đó, việc xây dựng các điều chỉnh giá cước cũng phải có những độ trễ nhất định trong bối cảnh dịch. Xong cần chủ động, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hạ giá thành xuống”.
Giá xăng, dầu giảm, cần có cơ chế giám sát, quản lý nhà nước để điều chỉnh giảm giá cước vận tải. Ảnh. TL
Quản lý, giám sát giá cước vận tải cần công khai, minh bạch
Việc giám sát giá cước vận tải không đơn giản bởi hiện nay có rất nhiều các doanh nghiệp vận tải hoạt động. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác giám sát quản lý vận tải, giá cước vận tải. Đặc biệt, tăng cường công tác kê khai, niêm yết giá cước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá cước vận tải.
Đại diện một Hiệp hội vận tải cho rằng, việc điều chỉnh giá cước vận tải nhất định phải làm. Việc điều chỉnh ở mức độ nào, điều chỉnh thời gian bao lâu phải được xem xét khi mà người dân mong muốn. Phía khách hàng, các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp vận tải phải đồng cảm, cùng nhau chia sẻ trong thời điểm khó khăn. Đồng thời, có những giải pháp nhất định để giúp ngành vận tải sớm ổn định và phát triển trở lại.
Giá xăng giảm mạnh trong thời gian gần đây đặt ra nhiều thắc mắc về giá cước vận tải chưa thấy giảm. Từ đó, các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm, có những điều chỉnh bằng văn bản, xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp.
Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý nhất là đối với loại hình xe taxi. Việc ứng dụng công nghệ giúp đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, nhằm kê khai thuế một cách rõ ràng nhất.
Nhằm đẩy mạnh nhu cầu sử dụng các dịch vụ vận tải của người tiêu dùng, các Hiệp hội vận tải cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải. Việc giảm chi phí phải được thực hiện công khai, niêm yết giá theo đúng quy định. Tăng cường công tác điều tra, xử lý kiên quyết các doanh nghiệp vận tải vi phạm thông đồng, liên kết giá gây bất bình ổn thị trường.
Về lâu dài, theo ý kiến chuyên gia về vận tải, các doanh nghiệp cần đưa các app công nghệ hiện đại vào việc quản lý giá cước vận tải. Các hiệp hội vận tải, các doanh nghiệp cần tính toán giảm giá cước vận tải, nhất là đối với hai loại hình (taxi, xe khách). Việc quản lý này phải được thực hiện công khai, minh bạch nhằm bình ổn giá, phù hợp với giá nhiên liệu hiện nay.
Các cơ quan chức năng cần xem xét về việc giá xăng giảm sâu như vậy thì giá cước vận tải phải điều chỉnh bao nhiêu cho hợp lý. Cần có văn bản quy định cụ thể để điều chỉnh khi giá xăng dầu thay đổi, nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Thùy Linh