Để có được thắng lợi của trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị chu đáo, công phu trước khi trận đánh xảy ra.
Thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, để giúp Quân chủng Phòng không - Không quân hoàn thành nhiệm vụ, ngày 30/6/1972, Ủy ban Thanh tra Quân đội đã ra Quyết định số 58/QĐ-UBTT(1) về việc thanh tra Sư đoàn Phòng không 361 bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
Đoàn thanh tra gồm các sỹ quan thanh tra không quân, tên lửa, ra-đa, cao xạ và hậu cần, kỹ thuật, do đồng chí Vũ Thanh Giang - Trưởng ban Thanh tra Phòng không dẫn đầu.
Đoàn được giao nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân; kế hoạch triển khai tác chiến cụ thể của sở chỉ huy các cấp tên lửa, ra-đa và cao xạ. Trọng tâm của cuộc thanh tra này là thanh tra các biện pháp nâng cao hiệu suất chiến đấu, tổ chức quản lý mục tiêu trên không, phát hiện, thông báo của ra-đa cung cấp phần tử cho các đơn vị hỏa lực tên lửa, cao xạ, phương pháp xạ kích và việc phân công cụ thể cho tên lửa đánh tầng trung và tầng cao, cao xạ đánh tầng trung và tầng thấp; phương pháp chống máy bay địch đánh bằng la-ze, tên lửa Sơ-rai, nhất là chuẩn bị phương án đánh B-52 trong nhiễu. Đồng thời, Đoàn còn được giao thanh tra công tác bảo đảm vũ khí, khí tài, phương tiện, bảo đảm thông tin liên lạc, công tác phục vụ phòng không, phòng tránh của Nhân dân Hà Nội; thanh tra công tác chỉ huy, huấn luyện các thành phần chuyên môn kỹ thuật; thanh tra việc điều động lực lượng chi viện và hiệp đồng chiến đấu của không quân, tên lửa, cao xạ, ra-đa trong các tình huống.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Sư đoàn 361, Đoàn thanh tra đã đến thanh tra trực tiếp Trung đoàn cao xạ 220 và Trung đoàn tên lửa 257. Để xem xét, kiểm tra một cách cụ thể, Đoàn thanh tra lệnh cho sở chỉ huy từ trung đoàn đến các đơn vị chuyển vào trạng thái chiến đấu cấp 1, kiểm tra các đơn vị thực hành thao tác chiến đấu từ tình huống bình thường đến phức tạp, nhất là công tác chỉ huy hiệp đồng chiến đấu của các đơn vị.
Qua xem xét kế hoạch tác chiến và thực tế triển khai các phương án đánh địch, thông qua hành động của cán bộ, chiến sỹ, Đoàn thanh tra thấy rằng: Sư đoàn Phòng không 361 đã chấp hành và quán triệt được nhiệm vụ trên giao là bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Mặc dầu còn nhiều khó khăn, Sư đoàn đã xây dựng đội hình tác chiến phòng không, co giãn đội hình tên lửa, cao xạ để đảm bảo lực lượng đánh địch trong tình huống địch gây nhiễu dày đặc. Bộ đội tên lửa sáng tạo nhiều cách đánh, đặc biệt là chuẩn bị phát hiện và đánh B-52. Bộ đội cao xạ vận dụng cách đánh trực tiếp kết hợp với đánh bằng khí tài khi thời tiết xấu, đánh đêm bằng phần tử tính sẵn của ra-đa. Sư đoàn đã có kế hoạch hiệp đồng với không quân để quản lý vùng trời.
Trong thời gian Đoàn tiến hành thanh tra, Sư đoàn đã đánh một số trận. Ngày 27/6/1972, Sư đoàn đã bắn rơi 1 máy bay địch ngay trên vùng trời Hà Nội.
Tuy vậy, qua trực tiếp quan sát các trận đánh và thực tế kiểm tra, Đoàn đã phát hiện và chỉ ra những thiếu sót và hạn chế mà Sư đoàn cần nhanh chóng khắc phục, đó là: Việc quán triệt và triển khai nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội chưa thật sâu sắc. Về tổ chức chiến đấu, trong khi lực lượng còn mỏng, Sư đoàn lại bố trí phân tán nên hiệu suất chiến đấu không cao.
Trình độ chỉ huy, xử trí tình huống và hiệp đồng chiến đấu của cán bộ đại đội và tiểu đoàn còn yếu, hạ lệnh bắn không đúng thời cơ, nhất là đánh địch trong nhiễu, đánh đêm và đánh địch khi bổ nhào. Quá trình chiến đấu không tập trung được hỏa lực vào tốp chủ yếu, chiếc chủ yếu.
Chấp hành các chế độ chuẩn bị chiến đấu sáng, trưa, chiều chưa thật nghiêm. Dây chuyền sản xuất đạn tên lửa không bảo đảm được các quy định kỹ thuật nên khi phóng tên lửa còn rơi nhiều, thậm chí có ngày chỉ 1 trong 5 tiểu đoàn tên lửa phát huy được hỏa lực (ngày 13/6/1972). Khi địch bay thấp, tốp nhỏ, chiếc lẻ đánh lén hiệu suất chiến đấu càng thấp.
Thanh tra Quân đội năm 1950
Trình độ thao tác, bám sát mục tiêu của trắc thủ không chính xác nên thường mất mục tiêu khi địch hạ thấp độ cao.
Đối với pháo cao xạ 57 ly, hệ thống bắn tổng hợp bằng khí tài (ra-đa, máy chỉ huy, pháo) không bảo đảm tính đồng bộ.
Những hạn chế nói trên Đoàn đã trực tiếp chỉ ra tại chỗ cho từng đơn vị Đoàn đến thanh tra và tổng hợp thành văn bản làm việc với Sư đoàn 361. Đồng thời, Đoàn thanh tra còn kiến nghị với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tổng tham mưu một số vấn đề cụ thể.
Một là, địa bàn Hà Nội có nhiều mục tiêu trọng yếu, việc bảo vệ rất khó khăn. Bộ Tổng tham mưu mà trực tiếp là Cục Tác chiến cần nghiên cứu điều động thêm lực lượng, ít nhất là từ 1 đến 2 trung đoàn cao xạ và tên lửa, tăng thêm hỏa lực bảo vệ Hà Nội.
Hai là, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể khắc phục tình trạng bố trí phân tán hỏa lực bảo vệ mục tiêu, hạn chế chi viện lẫn nhau trong chiến đấu làm hạn chế kết quả trận đánh, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ.
Ba là, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Kỹ thuật (mà trực tiếp là Cục Vũ khí - Đạn) cùng Quân chủng Phòng không - Không quân và Sư đoàn 361 kiểm tra các tham số kỹ thuật, tính đồng bộ của pháo 57 ly khi sử dụng phương pháp bắn bằng khí tài để tránh lãng phí đạn, gây tư tưởng hoài nghi, không tin vào vũ khí.(2)
Những ý kiến của Đoàn thanh tra trao đổi với các đơn vị trực thuộc Sư đoàn Phòng không 361và kiến nghị với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Kỹ thuật và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã được tiếp thu, nghiên cứu thực hiện.
Ngày 02/9/1972, Sư đoàn Phòng không 361 đã báo cáo bằng công văn số 694/BTL(3) lên Ủy ban Thanh tra Quân đội về các biện pháp khắc phục những hạn chế mà Đoàn thanh tra đã chỉ ra cho Sư đoàn.
Quân chủng Phòng không - Không quân đã ra lệnh cho Sư đoàn Phòng không 361 sẵn sàng chiến đấu, rút kinh nghiệm phát hiện mục tiêu trong nhiễu, không để bị bất ngờ khi B-52 đánh vào Hà Nội. Đồng thời, Quân chủng đã điều thêm Trung đoàn 236, Tiểu đoàn 61 và Tiểu đoàn 63 tên lửa về tăng cường bảo vệ Thủ đô, điều chỉnh đội hình các đơn vị hỏa lực; củng cố hai Trung đoàn cao xạ 234 và 260; tổ chức rút kinh nghiệm chống tên lửa Sơ-rai ở Trung đoàn 236; bổ sung kế hoạch hiệp đồng chiến đấu giữa tên lửa, cao xạ và không quân trong phạm vi mục tiêu bảo vệ.
Bộ Tư lệnh Quân chủng còn tăng cường kiểm tra đôn đốc Tiểu đoàn 5 về kỹ thuật lắp ráp đạn tên lửa, điều động bổ sung cho các tiểu đoàn cán bộ kỹ thuật và thực hiện nghiêm dây chuyền sản xuất đạn. Đồng thời, cử một đoàn cán bộ và nhân viên kỹ thuật xuống Trung đoàn cao xạ 220 kiểm tra lại toàn bộ hệ thống bắn bằng khí tài, tìm ra nguyên nhân máy bay địch không rơi là do khí tài không đồng bộ, làm sai lệch lớn các phần tử xạ kích. Đây là nội dung nghiên cứu khá công phu sau khi có ý kiến phát hiện của Đoàn thanh tra.
Có thể nói, cuộc thanh tra Sư đoàn Phòng không 361 trong chuẩn bị và thực hành chiến đấu, củng cố xây dựng lực lượng của Ủy ban Thanh tra Quân đội đã giúp Sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ, cùng quân và dân Hà Nội lập nên trận “Điên Biên Phủ trên không”, buộc Đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam./.
Đại tá Trịnh Vinh Pha
Nguyên Trưởng ban Tổng kết lịch sử Thanh tra Bộ Quốc phòng
Chú thích:
(1), (2), (3) Tổng kết 45 năm xây dựng và hoạt động của cơ quan Thanh tra Bộ Quốc phòng, NXB- QĐND, Hà Nội, tháng 9/1996, tr 87; tr 92; tr 93.
Tài liệu tham khảo:
Biên niên sự kiện 50 năm Thanh tra Bộ Quốc phòng, NXB-QĐND, Hà Nội, tháng 01/1998.