Tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ ngân sách nhà nước
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tháng 5, việc thực hiện thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 70,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 5 tháng đạt 577 nghìn tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã xử lý việc gia hạn cho người nộp thuế đúng chế độ quy định, đảm bảo kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN.
Tổng chi NSNN tháng 5 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 5 tháng đạt 603,4 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tính đến hết ngày 29/5/2020 các địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng và kinh phí với tổng số tiền khoảng 12,1 nghìn tỷ đồng (chủ yếu phê duyệt đủ cho đối tượng người có công, bảo trợ xã hội và người nghèo, cận nghèo). Các đối tượng là lao động vẫn đang tiếp tục rà soát để ban hành các quyết định hỗ trợ sau.
Tổng hợp số liệu từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) các địa phương, đến hết ngày 29/5/2020 tất cả 63/63 địa phương đã thực hiện rút tiền từ KBNN để hỗ trợ 8,98 triệu người, với tổng số chi từ NSNN là 9.418 tỷ đồng
Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm, ngân sách Trung ương đã trích dự phòng để bổ sung 2,8 nghìn tỷ đồng cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 169,6 tỷ đồng tạm cấp cho 07 địa phương để triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19; hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và 339 tỷ đồng cho một số địa phương thực hiện chính sách phòng chống dịch tả lợn châu Phi và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Do tác động từ đại dịch Covid-19 kết hợp với một số yếu tố khác nên mặt bằng giá cả hàng hóa trong những tháng đầu năm 2020 nhìn chung đã tăng mạnh so với mục tiêu đề ra. Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã chủ động, phối hợp các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp tăng cường bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch (khẩu trang, nước sát khuẩn, vật tư y tế và hàng lương thực, thực phẩm); đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá trong các hoạt động kê khai, tham vấn giá, xử lý các sai phạm trong quản lý, điều hành giá.
Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng
Về công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong 5 tháng đầu năm 2020 Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã tiến hành kiểm tra 180.338 hồ sơ kê khai tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 5.320 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 23.991.959 triệu đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 5.011.836 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ đã triển khai, kết thúc, báo cáo kết quả kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về đấu thầu các quy định quản lý nhà nước đối với việc mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước và 22 Cục Dữ trữ Nhà nước khu vực; Thanh tra Bộ đã ban hành Quyết định thanh tra hành chính đối với Cục thuế Bắc Ninh và Cục Hải quan Bắc Ninh về việc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan đối với công ty TNHH Tenma Việt Nam.
Trong tháng 6, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để báo cáo Bộ về phương án điều hành giá xăng dầu vào kỳ điều hành tháng 6/2020; phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, công khai tình hình trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và tồn Quỹ Bình ổn giá quý I/2020 trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và Bộ Công Thương; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: sách giáo khoa, than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm....
Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận; xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát; Thực hiện thẩm định hồ sơ chào bán, phát hành theo quy định, giám sát chặt chẽ hoạt động sau chào bán bảo đảm tuân thủ theo quy định; giám sát chặt trường hợp tăng vốn nhanh, phát hành riêng lẻ nhưng đồng thời tạo thuận lợi, phục vụ cho doanh nghiệp; thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với 02 Sở giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định; Hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK theo quy định; thực hiện giám sát, kiểm tra định kỳ, đột xuất các công ty đại chúng, giám sát việc duy trì, kiểm tra định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tổ chức thanh tra tại một số đơn vị trong kế hoạch năm 2020 đã được phê duyệt đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế; Tiếp tục phối hợp với Thanh tra các Tổng cục thực hiện việc Thanh tra đối với 22 Cục Dự trữ khu vực và Cục Thuế, Cục Hải quan Bắc Ninh; triển khai các chỉ đạo, kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Tài chính. Thực hiện tốt vai trò là cơ quan giúp việc của Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện công tác thường xuyên, đột xuất của Ban chỉ đạo 138/CP, trong lĩnh vực kiểm soát hải quan./.
Lan Anh