Chương trình diễn ra từ 9 giờ đến 22 giờ ngày 6/10/2012, tại đình làng Mễ Trì Hạ, xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) với nhiều sự kiện văn hóa như hội chợ ẩm thực Hà Nội, triển lãm Cốm Mễ Trì, trò chơi dân gian, tái hiện khung cảnh thu hoạch và chế biến Cốm tại xã Mễ Trì, chợ cốm đêm Mễ Trì…Chương trình không chỉ là nơi những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam nói chung và cốm Mễ Trì nói riêng được tôn vinh, mà còn là nơi những người tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ có thể thử sức mình với những hoạt động sôi nổi và thú vị như: Hội chợ ẩm thực kéo dài từ 9h sáng đến 17h30 chiều, các trò chơi dân gian với những phần thưởng hấp dẫn; trò chơi “Thử tài cùng cốm Mễ Trì”; thưởng thức các hoạt động truyền thống như múa lân, múa võ. Đặc biệt, người tham gia sẽ được tham dự triển lãm cốm và tái hiệu các công đoạn làm cốm, tham dự đêm văn nghệ đặc sắc và hòa mình vào không khí của chợ Cốm đêm duy nhất tại Hà Nội.
Chẳng biết từ bao giờ, cốm đã trở thành một thứ quà thanh nhã và tinh khiết của người Tràng An, một nét văn hóa rất riêng của mảnh đất Hà Thành. Cốm được làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là nếp cái hoa vàng trong cả hai mùa lúa chiêm và lúa mùa. Theo người dân làng Mễ Trì, thông thường người ta hay chọn lúa mùa (từ rằm tháng 7 đến hết tháng 9 âm lịch) để làm cốm. Nhưng vào tháng 4 hàng năm, cánh đồng Gôi ở Dịch Vọng (Từ Liêm, Hà Nội) đã gặt lúa sớm nên Mễ Trì có thêm mùa cốm nữa vào những ngày đầu hạ.
Cốm ở đây được gói trong hai lớp lá và buộc bằng những sợi rơm vàng. Lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng, lớp trong là lá ráy xanh và mát để giữ cho cốm không khô và phai màu xanh ngọc. Mùi hương thơm cốm dịu dàng thoảng qua, hạt cốm nơi đây mỏng nhưng dẻo; rón tay bốc một nhúm cho từ từ vào miệng, chạm đầu lưỡi sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, dẻo, thơm.
Mễ Trì là một xã thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là một địa danh cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều di sản văn hóa từ thời xưa hiện còn tồn tại. Theo dân gian truyền lại, đồng làng xưa có một hồ lớn, rộng tới 40 mẫu nên gọi là đồng Đầm; xung quanh là hệ thống ruộng bậc thang, cây giống lúa tám xoan cho hạt gạo nấu cơm rất thơm và dẻo, trắng. Đặc sản cốm Mễ Trì lưu truyền đến tận ngày nay được thừa hưởng những tinh hoa của hạt gạo dẻo thơm nức tiếng ấy mà thành…
Nghề làm cốm đã du nhập vào thôn Mễ Trì Hạ từ hàng trăm năm trước, tuy nhiên, những năm gần đây, do tốc độ đô thị hoá, nghề làm cốm cũng rơi vào tình cảnh như các làng nghề truyền thống khác đang gặp phải nhiều khó khăn và đang trên đà mai một. Ngoài ra, thông tin cốm của làng nghề lân cận được dùng hoá chất để nhuộm màu đã khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm cốm, đã ảnh hưởng nghiêm trọng sản phẩm cốm nói chung, cốm làng Mễ Trì nói riêng.
Trăn trở với nghề làm cốm, ông Nguyễn Danh Lộ - Trưởng thôn Mễ Trì Hạ cho biết, cả hai làng Thượng và Hạ trong thôn Mễ Trì chỉ còn trên 60 hộ làm cốm, trong đó chỉ có hơn 20 hộ duy trì sản xuất thường xuyên. Tốc độ đô thị hóa cao, những khu đô thị, những tòa nhà từng ngày mọc lên đã làm mất đi những mảnh ruộng xanh mướt, không còn những nhành lúa trĩu nặng có nghĩa là nguyên liệu để để Mễ Trì làm cốm không còn nhiều. Hơn nữa, thu nhập từ việc làm cốm không đủ chi phí sinh hoạt so với tốc độ phát triển của xã hội ngày nay nên không còn nhiều gia đình mặn mà với nghề này.
Khó khăn chồng chất khó khăn, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mất đi một làng nghề truyền thống với một nét văn hoá độc đáo. Chính vì vậy, chính quyền và nhân dân Mễ Trì đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức Ngày hội văn hoá làng cốm Mễ Trì năm 2012 - "Một thoáng Hà Nội" nhằm góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu cốm Mễ Trì, giữ gìn một làng nghề truyền thống đang trên đà mai một, đồng thời nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc.
Một số hình ảnh lại Ngày hội:
 |
Nhiều bạn trẻ tới tìm hiểu và cùng thưởng thức cốm Mễ Trì |
 |
Những vật dụng để làm cốm được trưng bày tại Đình làng Mễ Trì Hạ |
 |
Cốm còn được sử dụng để làm ra nhiều món ăn khác nhau |
 |
Nhiều trò chơi dân gian đã được tổ chức tại Ngày hội |
 |
Mặc dù đã theo học ngành Y nhưng Kim Oanh vẫn rất yêu nghề làm cốm. Cô mong muốn nghề truyền thống này của gia đình được tiếp tục duy trì cùng với sự phát triển của làng cốm Mễ Trì. |
Thái Minh