Mặc dù chưa một lần đặt chân tới Tây Nguyên, chưa một lần được sống trong không gian văn hoá của người Tây Nguyên, nhưng những gì họ đã mang đến, đã thể hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã đủ để lại cho chúng tôi ấn tượng đẹp về Tây Nguyên, để rồi khi xa lại thấy nhớ lạ kỳ… Những ấn tượng ấy không chỉ bởi ở bộ trang phục truyền thống hay âm sắc đậm chất dân tộc mà bởi sự hồn hậu, hiếu khách đến hồn nhiên của người Tây Nguyên cũng như nét sinh hoạt văn hóa hết sức độc đáo.
Ấn tượng Tây Nguyên
Ấn tượng đầu tiên về Tây Nguyên chính từ những con người của vùng cao nguyên đầy nắng và gió. Họ mộc mạc, chân thành và rất hiếu khách. Có mặt ở Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tham dự các hoạt động kỷ niệm Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, trong những ngôi nhà của người Tây Nguyên luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng nói rộn ràng bên những ghè rượu cần không lúc nào vơi. Chính sự hồn nhiên, nhiệt tình và phóng khoáng của những người con đại ngàn Tây Nguyên đã thu hút và níu chân chúng tôi ở lại lâu hơn, để cùng thưởng thức những hơi rượu làm ửng hồng đôi má, cùng nhảy điệu múa, cùng vui điệu khèn…
Đặt chân đến nhà của người J’Rai đúng vào ngày đồng bào tổ chức Lễ mừng nhà mới. Ấn tượng về một phong tục độc đáo, đặc sắc cứ dần dần nhiều lên trong mắt nhìn của chúng tôi. Lễ mừng nhà mới của người J’rai là để “báo cáo” với thần linh về việc mình có nóc nhà mới, xin thần linh chứng kiến và phù hộ cho chủ nhân có sức khoẻ, ấm no, làm ăn phát đạt. Từ những vật phẩm để dùng trong lễ cúng cho đến nghi thức cúng lễ đều mang lại cho chúng tôi những cảm xúc khó tả. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất, điều đặc biệt nhất mà chúng tôi cảm nhận được chính ở âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên qua những tiếng cồng, tiếng chiêng. Sự khác biệt về không gian dường như đã bị xoá bỏ theo điệu nhảy rộn ràng của những bước chân.
Say trong men rượu cần, cùng nhún nhảy theo điệu múa, người ta có thể dễ lầm tưởng mình đang sống giữa núi rừng Tây Nguyên. Anh Phan Long, một du khách đã chia sẻ: Tôi lên Đồng Mô cũng những người bạn thời đại học, thật bất ngờ và vui mừng khi được tham dự Lễ mừng nhà mới của đồng bào J’rai. Chuyến tham quan này thật ý nghĩa, bởi tôi chưa bao giờ được mắt thấy, tai nghe không khí của Tây Nguyên ngay tại Hà Nội như thế này.
 |
Say trong men rượu cần, cùng nhún nhảy theo điệu múa, người ta có thể dễ lầm tưởng mình đang sống giữa núi rừng Tây Nguyên. |
Nhớ lắm Tây Nguyên ơi!
Mặc dù đã chính thức coi đây là làng của mình, nhà của mình trong “Ngôi nhà chung” Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhưng đồng bào vẫn phải trở về với buôn làng Tây Nguyên. Giây phút chia tay không khỏi nghẹn ngào, bịn rịn. Những ánh mắt nhìn nhau sóng sánh trong bát rượu, những lời chúc bình an lúc lên đường… tất cả càng như khiến nỗi nhớ Tây Nguyên bừng lên tha thiết.
Trở lại với cuộc sống thường nhật, đối mặt với những cơm áo gạo tiền, bỗng dưng lại được thèm cái cảm giác hết mình đến thế của “những ngày Tây Nguyên”. Những già làng Rmăh Phép, nghệ nhân Ksor Plỗ, R’com Chũ, R’com H’Tre… đã trở về với đại ngàn, nhưng những điệu múa, nhịp chiêng như vẫn còn đâu đây. Cho dù chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi tiếp xúc với đồng bào, nhưng qua những câu chuyện cởi mở, những giây phút trải lòng mình, chừng đó cũng đủ để hiểu thêm đôi chút về một cộng đồng với những điều kỳ thú.
“Lần đầu tiên tôi biết thế nào là “không gian văn hoá cồng chiêng”, biết đến kỹ thuật chỉnh để hồn chiêng mãi ngân xa”, chị Minh Châu bộc bạch. “Nhìn những điệu múa tưởng chừng như rất đơn giản của đồng bào, nhưng sao mình “thế chân” vào đó, lại rời rạc đến vậy. Thế mới biết, văn hoá không phải nhìn rồi bắt chước, mà nó là cả một quá trình trải nghiệm, để cái hồn văn hoá nhập vào thì mới đạt đến sự thăng hoa”.
“Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một dự án lớn, được thực hiện với mục tiêu xây dựng nơi đây thành một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia nhằm tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam… Chính vì thế, chúng tôi luôn mong đồng bào sớm về “Ngôi nhà chung” của mình tại Thủ đô, để lại được sống những ngày tưng bừng rộn rã trong tiếng chiêng gọi núi rừng”, chị Đặng Phương Thảo, hướng dẫn viên tại Khu các làng dân tộc, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thổ lộ.
Chúng tôi, những người yêu văn hoá Tây Nguyên, yêu sự hồn nhiên của con người đại ngàn, yêu tiếng cồng chiêng rộn ràng và yêu cả men say của núi rừng trong từng hơi rượu cần, chất men thơm nồng làm cho du khách lâng lâng ngây ngất, dẫu say nhưng vẫn cứ uống được mãi đều mong nỗi nhớ Tây Nguyên sẽ lại được sống trong tiếng cồng chiêng ngân vang, mang theo cái nắng, cái gió bao la của đại ngàn Tây Nguyên…
Hà Tuấn