Thành phố Hồ Chí Minh:

Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị

Thứ năm, 08/06/2023 09:38
(ThanhtraVietNam) - UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 6/2/2023 của Thành ủy TPHCM về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP.

 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (HA) 

5 giải pháp trọng tâm

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới:

Một là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý trật tự đô thị như quy định mới về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP; tiêu chí quy hoạch quỹ đất, không gian dành cho giao thông công cộng, bãi giữ xe; quy định về chức năng ở kết hợp kinh doanh của hộ dân; số lượng và chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý trật tự đô thị.

Hai là, đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông; triển khai công tác đánh giá tác động giao thông các công trình xây dựng tập trung đông người khi kết nối vào công trình giao thông đường bộ; lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật có diện tích chiếm dụng vỉa hè nhỏ để đảm bảo không gian đi bộ và mỹ quan đô thị.

Ba là, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng đô thị: Tăng cường quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè để đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ và tiếp cận giao thông công cộng; sắp xếp khu vực tạm sử dụng để mua bán, giải quyết việc làm cho người dân; tổ chức các tuyến đường kiểu mẫu về trật tự đô thị; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình có rào chắn chiếm dụng lòng đường, vỉa hè và tái lập hoàn trả mặt bằng; điều chỉnh tổ chức giao thông khoa học, linh hoạt; tổ chức hoạt động vận tải phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị khu vực các cơ quan, trường học, cơ sở đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế; đẩy mạnh ứng dựng khoa học công nghệ như lắp đặt hệ thống camera giám sát, quản lý và hỗ trợ công tác xử phạt ở những nơi thường xuyên vi phạm.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về trật tự đô thị, Luật Giao thông đường bộ; đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp chế tài, xử lý các hành vi gây mất an toàn giao thông, trật tự đô thị; biểu dương, nhân rộng các điển hình trên lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự lòng đường, vỉa hè.

Năm là, tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, tình trạng dừng đỗ xe sai quy định; chấn chỉnh tình trạng bến bãi, đón, trả khách không đúng quy định;…

Sáu là, tăng cường kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP.

Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nói trên nhằm mục tiêu, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP HCM, huy động hệ thống chính trị trên địa bàn TP tích cực tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý trật tự đô thị, gắn với thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông nhằm tạo chuyển biến về tình hình trật tự đô thị trên địa bàn TP.

Kế hoạch cũng nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý trật tự đô thị; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị; khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng đô thị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý trật tự đô thị; tăng cường xử lý vi phạm, ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này. Kế hoạch đề ra chỉ tiêu hàng năm giảm tỉ lệ vi phạm về trật tự đô thị 20% so với năm trước.

Một số kết quả thanh tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Theo báo cáo của UBND TP HCM về kết quả thực hiện Nghị định số 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng trên địa bàn, kể từ khi Nghị định 26 có hiệu lực thi hành đến hết năm 2022, Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã tiến hành 30 cuộc thanh tra hành chính, 38 cuộc thanh tra chuyên ngành. Kiến nghị xử lý hành chính và ban hành quyết định xử phạt hành chính 49 trường hợp.

Về công tác kiểm tra vi phạm trật tự xây dựng, giai đoạn 2013 - 2022, Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã phát hiện 19.511 trường hợp xây dựng không phép, sai phép.

Các vi phạm khác chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như quản lý chất lượng công trình; che chắn, rơi vãi vật liệu; kinh doanh bất động sản, quản lý, vận hành nhà chung cư… với tổng số 3.775 trường hợp.

Về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, giai đoạn 2013 - 2022, Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã ban hành 10.628 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phát vi phạm hành chính vẫn còn thấp. Trong 10.628 quyết định đã ban hành thì chỉ có 5.781 quyết định đã thi hành xong. Tổng số tiền phạt thu được là 145,5 tỷ đồng.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra