Long An:

Tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh

Thứ năm, 26/10/2023 08:43
(ThanhtraVietNam) - Tỉnh Long An sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất thải rắn, nước thải, khí thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, nâng cao năng lực, nhận thức từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trương (BVMT) của người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh

Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Chỉ số này được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Long An, để cải thiện PGI, trong năm 2022, ngoài tổ chức 2 lớp tập huấn triển khai Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn dưới luật, các địa phương cấp huyện cũng tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức BVMT. Hiện sở vận hành 6 trạm quan trắc tự động, gồm 3 trạm không khí và 3 trạm nước, theo dõi 42 trạm quan trắc tự động khí thải và nước thải của các doanh nghiệp có nguồn thải lớn thuộc đối tượng lắp đặt truyền về trạm trung tâm của Sở TN&MT 5 phút/lần để theo dõi, kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm. Ngoài ra, định kỳ hàng quí, sở đều tiến hành quan trắc chất lượng nước mặt trên các tuyến sông, kênh, rạch chính và môi trường không khí tại các khu dân cư, khu công nghiệp và chốt giao thông chính để theo dõi chất lượng môi trường nền.

Trong năm 2022, Sở TN&MT đã thanh, kiểm tra 54 đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực môi trường. Trong công tác tiếp nhận đầu tư, sở phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao theo đúng quy định tại khoản 3, Điều 28 Luật BVMT cũng như thực hiện phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; chọn lọc, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có ý thức BVMT và những dự án xanh, có công nghệ cao, phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm môi trường.

leftcenterrightdel
 Ngành chức năng tỉnh Long An kiểm tra việc lén lút đổ rác bừa bãi ở một tuyến đường gần khu công nghiệp. Ảnh: longan.gov.vn

Trước đó, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chính thức triển khai điều tra PGI. Theo kết quả công bố PGI năm 2022, tỉnh Long An đạt 15,04 điểm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 3 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Và với mục tiêu đứng trong Top 10 trên bảng xếp hạng PGI cả nước. UBND tỉnh đã có chỉ đạo Sở TN&MT tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao PGI.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát chất thải rắn, nước thải, khí thải

Sở TN&MT sẽ tập trung vận hành hiệu quả các trạm quan trắc môi trường tự động, theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường để kịp thời phát hiện, có giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm và xử lý phù hợp. Cụ thể, Sở yêu cầu các doanh nghiệp có nguồn thải lớn lắp đặt, kết nối dữ liệu trạm quan trắc môi trường tự động về trạm trung tâm để theo dõi chất lượng nguồn thải trước khi thải ra môi trường, kiên quyết xử lý, không để tình trạng xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường, không đưa vào vận hành các dự án chưa hoàn thiện các công trình, giải pháp BVMT.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất thải rắn, nước thải, khí thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên bền vững.

Đáng chú ý, trong các giải pháp được thực hiện, Sở TN&MT chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực, nhận thức từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng nhằm xây dựng ý thức BVMT của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích xanh hóa mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.

Cùng với đó, khi đánh giá các ngành nghề để tiếp nhận đầu tư cũng như các doanh nghiệp đã được tiếp nhận, sở cũng đề nghị các doanh nghiệp tập trung đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ mới nhằm giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, xử lý, tái chế chất thải để tái tạo nguyên liệu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên,... từng bước cải thiện, nâng cao PGI trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Với chủ trương xuyên suốt, không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2050. Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các cơ quan công quyền về vấn đề bảo vệ môi trường.

Chỉ số Xanh cấp tỉnh mới được xây dựng gần đây sẽ làm tăng nhận thức của khu vực tư nhân về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường,… các vấn đề môi trường cũng quan trọng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra