“Tất tần tật” về giáo dục (P1)
1. Thực tế qua kết quả thi tốt nghiệp THPT những năm qua cho thấy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước là không đồng đều. Vậy, chiến lược phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS của Bộ trong thời gian tới như thế nào?
 |
Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận |
Phương hướng thực hiện phân luồng: Cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và chính quyền địa phương có định hướng phân luồng học sinh sau THCS vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Phân luồng học sinh theo hướng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu nhân lực của địa phương, đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội.
Mục tiêu: Từ 2010 đến 2020 phải thu hút 30 % học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề.
Giải pháp và điều kiện thực hiện phân luồng: Tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, để tạo ra con đường và cơ hội học suốt đời cho người dân; Phát triển mô hình dạy chữ và dạy nghề; Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của xã hội đối với học nghề; Đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông; Đổi mới chương trình giáo dục của trung cấp nghề và TCCN để đảm bảo tính thống nhất về mục tiêu đào tạo (hay chuẩn đầu ra) cũng như nội dung và thời lượng đào tạo tạo cơ hội cho người lao động có điều kiện học tập nâng cao trình độ; Đầu tư mở rộng quy mô các cơ sở dạy nghề, TCCN ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn; Hỗ trợ tài chính cho học sinh dân tộc, học sinh nghèo và những cơ sở đào tạo tuyển học sinh tốt nghiệp THCS để vào học nghề, TCCN từ sớm.
2. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng?
- Liên tục trong các năm vừa qua, từ 2006 đến 2010, chỉ tiêu tuyển sinh luôn liên tục tăng năm sau so với năm trước khoảng 10%. Trong khi đó, theo báo cáo điều tra dân số, thì dân số ở độ tuổi trung học phổ thông của nước ta những năm gần đây giữ ổn định, không tăng. Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2007, 2008 và 2009 dao dộng trong khoảng 750 nghìn đến 850 nghìn; Do vậy, tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh của giai đoạn 2006-2010 là rất cao.
- Trong khi đó, những năm gần đây, trong hệ thống đào tạo của nước ta có thêm các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Thực tế đó đã có tác dụng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông, giảm một phần lượng thí sinh vào các trường đại học, cao đẳng (và cả các trường trung cấp chuyên nghiệp).
- Bên cạnh đó, trong những năm gần đây học sinh chủ yếu thi vào các ngành Kinh tế, Tài chính-Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh mà chỉ tiêu tuyển vào các ngành này cũng có hạn. Trong khi đó, một số ngành nghề đào tạo như: Kĩ thuật, Công nghệ, Nông-Lâm không thu hút được sinh viên vào học.
- Mặt khác, chấp hành Nghị quyết giám sát của Quốc hội, để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ GDĐT đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thực hiện “3 công khai”; Các cơ sở giáo dục đại học không đảm bảo chất lượng thì không cho tuyển sinh và không giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Do thực hiện “3 công khai”, trong đó có công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, thí sinh và xã hội đã quan tâm nhiều hơn tới tình hình đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của các nhà trường khi lựa chọn đăng ký vào học. Do vậy, nhiều trường (chủ yếu trường ngoài công lập) không tuyển hết chỉ tiêu được xác định.
3. Xin Bộ trưởng cho biết công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua. Hiện nay, rất nhiều cơ sở đào tạo đang vi phạm nghiêm trọng hai Quy chế đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, Bộ có giải pháp gì?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân cấp toàn diện tất cả các khâu tuyển sinh, đào tạo và cấp phát văn bằng cho các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ từ năm 2000 và cho cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ từ 5/2010.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước: sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; Thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện các qui định của Quy chế, trong đó chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm; Giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan; ...
Thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các Bộ, ngành có liên quan soạn thảo ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ chế và tổ chức quản lý giáo dục đại học nói chung và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nói riêng. Đồng thời, theo kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Bộ Giáo dục Đào tạo và các cơ quan có liên quan đang khẩn trương soạn thảo Luật Giáo dục đại học.
Hàng năm, công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh sau đại học được tiến hành với sự tham gia thanh tra trực tiếp của cơ sở đào tạo và sự giám sát của các Đoàn Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quy chế mà Bộ đã ban hành.
Qua thanh tra tuyển sinh và kiểm tra các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở đào tạo khắc phục kịp thời những sai sót trong lập danh sách thi; Xử lý kỷ luật những cán bộ coi thi chưa thực hiện nghiêm quy chế coi thi; Tạm dừng tuyển sinh những mã ngành không đáp ứng đủ điều kiện theo Quy chế.
4. Trong thời gian qua nhiều người dân rất bức xúc về việc phát sinh nhiều khoản đóng góp ngoài quy định. Vậy xin Bộ trưởng cho biết kết quả đến nay đã ngăn chặn được tình hình thu nhiều khoản đóng góp ngoài quy định chưa? Hướng xử lý vấn đề này trong thời gian tới?
Ngày 20/9/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 5956/BGDĐT-KHTC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, nhằm chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân của 63/63 tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 3 đoàn công tác, bao gồm đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục thuộc Bộ đi kiểm tra trực tiếp tại 8 tỉnh từ ngày 20/9/2010 đến ngày 30/9/2010, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Qua kiểm tra, có thể đánh giá chung như sau:
Hầu hết các tỉnh, nhất là các thành phố lớn, đều có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác trong năm học, giúp các cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện, đồng thời công khai hóa các khoản thu, chi cho xã hội và người học giám sát, đánh giá. Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo đều lập kế hoạch tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tình hình thu, chi, kiểm tra việc thực hiện công khai tài chính, công khai các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân... tại các cơ sở giáo dục trực thuộc.
Hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn được kiểm tra đều thực hiện Quy chế công khai theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại một số cơ sở giáo dục, khi kiểm tra đã phát hiện vi phạm quy định thu, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã có biện pháp xử lý ngay, như: Sở GDĐT Đà Nẵng yêu cầu trường tiểu học Trần Văn Ơn trả lại cho cha mẹ học sinh 87,1 triệu đồng thu sai quy định; yêu cầu trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ dừng ngay thông báo thu sai quy định; Sở GDĐT Thừa Thiên - Huế đang xem xét xử lý sai phạm của 02 trường vì thực hiện thu sai quy định đầu năm học 2010-2011, đó là trường THPT Nguyễn Trường Tộ và trường THPT Bùi Thị Xuân...
5. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra: “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp gì để xây dựng hai trường Đại học nêu trên?
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng các tiêu chí xác định trường đại học trọng điểm, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi có tiêu chí, các trường đại học sẽ xây dựng đề án trình Cơ quan chủ quản và Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
6. Thưa Bộ trưởng! Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ có nêu:”…hỗ trợ đối với giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa”. Xin hỏi Bộ trưởng đến nay Bộ đã cụ thể hóa nội dung trên kết quả thế nào? Và nội dung chính sách hỗ trợ trên có được thực hiện không khi mà hiệu lực của quyết định chỉ còn trên hai tháng? Đồng thời nếu thực hiện thì hiệu lực thực hiện thế nào?
Để triển khai thực hiện Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư “Hướng dẫn thực hiện phụ cấp, hỗ trợ cho giáo viên mầm non, mẫu giáo; chính sách hỗ trợ đối với giáo viên dạy bổ túc chữ Khmer và cấp học bổng đối với học sinh dân tộc thiểu số nghèo” và gửi Dự thảo Thông tư hướng dẫn đến các Bộ, ngành có liên quan để xin ý kiến góp ý (như trong văn bản số 3151/BGDĐT-VP ngày 04/6/2010 Bộ đã gửi đến Quý Đại biểu Quốc hội).
Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành (Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ), ngày 02/8/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Tờ trình số 454/TTr-BGDĐT trình Thủ tướng Chính phủ “Về việc đề xuất mức hỗ trợ dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa thuộc các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long”. Ngày 19/8/2010, Văn phòng Chính phủ có Phiếu chuyển văn bản số 1370/PCVB-VPCP gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 trước khi ban hành Thông tư hướng dẫn. Ngày 15/9/2010, tại văn bản số 5838/BGDĐT-VP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh về vấn đề này (Xin gửi kèm Tờ trình của Bộ GDĐT trình Thủ tướng và Phiếu chuyển văn bản của Văn phòng Chính phủ).
Khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về văn bản nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn mức hỗ trợ dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa.
7. Xin Bộ trưởng cho biết có cơ chế nào về việc đẩy nhanh xã hội hóa để phát triển giáo dục mầm non? Và một số giải pháp để phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn tới
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập để bảo đảm nhu cầu gửi trẻ của nhân dân khi các trường mầm non công lập chưa đáp ứng được.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế Tổ chức và hoạt động trường, lớp mầm non tư thục, được ban hành tại Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, hết sức giúp đỡ và tăng cường kiểm tra để các cơ sở mầm non tư thục để có đủ điều kiện đón nhận các cháu nhỏ, đảm bảo an toàn tuyệt đối và đáp ứng nguyên tắc sư phạm trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
-Một số giải pháp để phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn tới
Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Chương trình, mục tiêu Quốc gia Giáo dục giai đoạn 2011-2015; tập trung xây dựng đủ phòng học còn thiếu cho giáo dục mầm non, trước mắt ưu tiên khoảng 16.400 phòng học để phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi, trang bị đủ bộ thiết bị tối thiểu cho các lớp mầm non; đào tạo đủ giáo viên, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên mầm non để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2011, dự kiến vốn CTMT QG Giáo dục cho giáo dục mầm non là 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng Dự án Giáo dục mầm non cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (trước mắt 50 triệu USD) cho đối tượng trẻ thiệt thòi trong giai đoạn 2011-2015.
8. Xin hỏi Bộ trưởng: Những giáo viên đã nghỉ hưu trước ngày 31/3/1993 có được hưởng chế độ thâm niên hoặc chính sách khác tương đương không? Nếu có được hưởng thì thể hiện ở văn bản nào? Nếu không được hưởng thì tại sao?
Theo Quyết định số 309 - CT ngày 09/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về phụ cấp thâm niên cho giáo viên và cán bộ giảng dạy có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 1988 và hết hiệu lực ngày 31/3/1993 thì các nhà giáo và cán bộ giảng dạy nghỉ hưu trong giai đoạn này (01/9/1988 đến 31/3/1993) được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu còn các nhà giáo và cán bộ giảng dạy đã nghỉ hưu trước ngày 01/9/1988 không được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu; vấn đề này đã để lại nhiều tâm tư và có rất nhiều kiến nghị đối với Chính phủ.
Ngày 23/5/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/CP và căn cứ Nghị định này, ngày 02/6/1993, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 14/LĐTBXH-TT hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945; điều chỉnh mức lương để tính lại lương hưu của một số trường hợp nghỉ hưu trước tháng 9 năm 1988 và phụ cấp thâm niên giáo dục đối với giáo viên, cán bộ giảng dạy đã nghỉ hưu. Theo các quy định trên đây, các giáo viên, cán bộ giảng dạy thuộc ngành giáo dục, đào tạo đã nghỉ hưu, mất sức lao động trước tháng 9/1988, các giáo viên, cán bộ giảng dạy thuộc hệ thống trường Đảng, đoàn thể, trường quản lý Nhà nước đã nghỉ hưu, mất sức lao động trước tháng 9/1991 được cộng mức phụ cấp thâm niên (quy định tại thông tư số 05/LĐ - TBXH ngày 08/3/1989 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) với lương hưu khi nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động để tính lại lương hưu và trợ cấp, tính lại trợ cấp trượt giá, tiền đi lại (nếu có), tiền học để tiến hành điều chỉnh mức lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động (các văn bản này đều ban hành và có hiệu lực sau khi Quyết định số 309- CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên và cán bộ giảng dạy hết hiệu lực).
Như vậy, các giáo viên nghỉ hưu trước ngày 31/3/1993 đã được tính phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo quy định tại Quyết định số 309 - CT ngày 09/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Nghị định số 27/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ.
Cẩm Linh