Vốn ODA giải ngân năm 2011 dự kiến cao hơn 7% so với năm 2010

Thứ năm, 08/12/2011 07:47
(ThanhtraVietnam) - Việc huy động và sử dụng nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) đã có đóng góp quan trọng vào các chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo cải thiện đời sống nhân dân.

 

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư

PV chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư về tình hình huy động và thực hiện nguồn vốn ODA năm 2011 và định hướng cho giai đoạn tới.

 

Xin ông cho biết dự kiến kế hoạch giải ngân vốn ODA năm 2011?

 

Có thể nói, năm 2010, Việt Nam giải ngân được 2.941 triệu USD. Đến tháng 12 năm 2011 là 3,2 tỷ USD. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm 2011, tính đến những yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến tình hình thực hiện vốn ODA trong các tháng cuối năm 2011, dự kiến mức giải ngân vốn ODA cả năm 2011 đạt khoảng 3.650 triệu USD (vốn vay: 3.450 triệu USD, viện trợ không hoàn lại: 200 triệu USD), trong đó 350 triệu USD là giải ngân nhanh.

 

Theo dự báo của một số nhà tài trợ quy mô lớn, mức giải ngân ODA năm 2011 như sau: WB (819 triệu USD), ADB (760 triệu USD), JICA (1.316 triệu USD), AFD (190 triệu USD), EU (58 triệu USD), Hàn Quốc (147 triệu USD), Hà Lan (20 triệu USD)….

 

Như vậy, so với mức giải ngân theo các chương trình dự án ODA năm 2010 đạt 2.941,5 triệu USD thì khối lượng vốn ODA giải ngân theo các chương trình dự án năm 2011 dự kiến sẽ cao hơn, đạt 3.150 triệu USD, cao hơn 7%.

Ông có thể cho biết, định hướng, giải pháp thu hút và thực hiện nguồn vốn ODA trong thời gian tới?

 

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và quy trình thủ tục để rút ngắn thời gian trình, duyệt của phía Việt Nam. Cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án: “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ” để hỗ trợ thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 – 2015 và tạo đà cho giai đoạn phát triển sau năm 2015; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 131/2006/NDD-CP theo hướng tinh giản và hài hòa tối đa các quy trình thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, đáp ứng tốt những thay đổi về viện tợ phát triển khi Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, mở rộng sự tham gia của các đối tượng, đặc biệt khu vực tư nhân, theo hình thức hợp tác nhà nước và tư nhân.

 

Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho công tác di dân, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn dự án; thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống theo dõi và đánh gia ODA ở cấp bộ, ngành và địa phương; phát hiện sử lý kịp thời các vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA thuộc thẩm quyền.

 

Ngoài ra, sẽ tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho các địa phương về quản lý đầu tư công ở các cấp, đặc biệt kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án ODA thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ tăng cường năng lực hoặc các chương trình, dự án do mình làm chủ quản. Tổ công tác ODA của Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện các chương trình, dự án có nhiều vướng mắc, đặc biết ở trạng thái “báo động”. Phối hợp với Nhóm 6 Ngân hàng phát triển và các Bộ, địa phương triển khai thực hiện thành công các hành động tiến hành trước đối với 6 dự án thí điểm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông có thể tiết lộ nguồn vốn ODA cho Việt Nam vào năm 2012?


7,386 tỷ USD cam kết ODA cho Việt Nam vào năm 2012, thấp hơn năm trước gần 500 triệu USD. Con số này tuy khiêm tốn hơn so với các năm trước, nhưng theo ông Vinh "vẫn là cao" vì nguyên nhân, trong số 7,9 tỷ USD cam kết ODA năm 2011 có gói cứu trợ của Ngân hàng TG (WB) nhưng năm nay không có vì năm nay Việt Nam bước vào nhóm các nước đang phát triển nên ưu tiên có giảm đi.

Và đặc biệt, Việt Nam vẫn nhận được sự trợ giúp của các đối tác phát triển dù hầu hết các nhà tài trợ lớn đều đang gặp khó khăn, các nước châu Âu đang đối phó với khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách lớn, Nhật Bản phải dồn sức khắc phục hậu quả động đất - sóng thần, trong khi nền kinh tế Mỹ đang chao đảo. Các chương trình ODA mà Nhật dành cho Việt Nam đã bị đình hoãn với giá trị gần 800 triệu USD. Nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn quyết định giữ nguyên mức cam kết ODA cho Việt Nam. Thậm chí là cao hơn là 1,9 tỷ USD trong năm nay. Với số tiền nói trên, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam trong năm nay và tiến gần tới con số kỷ lục 2 tỷ USD mà nước này cam kết năm 2009.

Hướng giải ngân năm 2012 sẽ như thế nào, thưa ông?

 

Tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nguồn cung ODA trên thế giới có dấu hiệu giảm sút do nền kinh tế của một số nước thành viên của OECD – DAC gặp khó khăn vì khủng hoảng nợ công, thiên tai nặng nề. Trong khi nhu cầu vốn ODA ngày càng tăng. Thực tế này đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước tiếp nhận viện trợ. Mặt khác, chính sách của các nhà tài trợ ưu tiên nguồn vốn ưu đãi nhiều hơn cho các nước kém phát triển, nên nguồn vốn ODA cung cấp cho các nước có thu nhập trung bình như Việt Nam đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây.

Một trong những hướng tái cơ cấu mà Chính phủ Việt Nam nêu ra cho năm 2012 là tái cơ cấu đầu tư công. Tổng đầu tư xã hội vẫn sẽ phải tăng lên do nước ta còn nghèo, đang phát triển, nhu cầu về cơ sở hạ tầng rất lớn và ngày càng trở thành áp lực, nhưng trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nợ công ở mức cao hiện nay, tiết giảm đầu tư công từ ngân sách nhà nước là một trong những biện pháp mà Chính phủ quyết tâm theo đuổi. Do hai nhu cầu đều cấp bách đó, tư duy của Việt Nam đã thay đổi theo hướng giảm dần đầu tư công, mở ra các kênh mới, tạo thêm điều kiện cho lĩnh vực tư nhân và nước ngoài tham gia đầu tư. Do vậy, ODA trở thành nguồn vốn rất ý nghĩa đối với các dự án lớn.

 

Nhu cầu không ngừng tăng trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang ở mức rất cao để kiềm chế lạm phát. Bối cảnh quốc tế và trong nước cho thấy mặc dù việc thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ trong giai đoạn 2011 – 2015 có nhiều thuận lợi song thách thức sẽ rất lớn. Thực tế này, đòi hỏi phải có sự đột phá về tư duy, về cách tiếp cận, về công tác tổ chức và quản lý để các nguồn vốn này được thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nhất để đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước vừa đảm bảo nợ công bền vững của quốc gia.

 

Xin cảm ơn ông./.

 

Nhất Anh – Minh Nguyệt

 

 

 

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra