Xây dựng trên 863.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên cả nước

Thứ tư, 14/08/2019 14:42
(ThanhtraVietNam) - Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội với 863.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng trên cả nước.

Theo Báo cáo tổng kết của Ban Dân vận Trung ương, sau gần 10 năm thực hiện, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã ban hành 2.754 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quy chế, quy định, hướng dẫn phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phong trào ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Giai đoạn 2009-2010, cả nước đã xuất hiện hơn 200 nghìn mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, đến năm 2015 đã có hơn 400 nghìn mô hình, điển hình, trong đó có 279 điển hình xuất sắc tiêu biểu trên các lĩnh vực được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận. Đến nay đã xây dựng được trên 863.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên cả nước.

Lĩnh vực kinh tế là lĩnh vực có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” nhất. Tiêu biểu là trong sản xuất kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Phong trào đã đi vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế và phạm vi tác động rộng, liên danh, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm, kết hợp hài hòa giữa lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân với lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp. Đặc biệt, phong trào “Dân vận khéo” đã gắn với thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, mang lại những động lực mới, phát huy mọi nguồn lực của xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân.

Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, qua thực hiện phong trào và các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã tạo đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hoá mới; xoá bỏ được nhiều tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội, các hoạt động xã hội từ thiện, góp phần tích cực vào sự phát triển của đơn vị, địa phương, đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng cốt cán, kịp thời đề xuất xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở; khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Không những thế, "Dân vận khéo" còn vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; cùng cấp ủy, chính quyền đối thoại, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp tại cơ sở; cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị; tham gia đấu tranh giải quyết, làm thất bại mọi âm mưu và các thủ đoạn của các thế lực thù địch, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Hay trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Cơ quan hành chính nhà nước xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân... Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tổ chức tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt hương ước, quy ước gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

leftcenterrightdel
 Bộ mặt nông thôn xã nông thôn mới Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc) ngày một khởi sắc. 

 

Vừa qua, tại chương trình Tọa đàm trực tuyến “Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, chúng ta đã đi một chặng đường rất dài để phát triển, và một trong những vấn đề Đảng và Nhà nước tập trung, không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội mà còn là niềm tin của người dân. Ông Lợi cho biết, ông rất thấm thía câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Giải quyết nhà ở cho nhân dân, đó cũng là một trụ cột của an sinh, xã hội”.

Là người từng tham gia rất nhiều đợt giám sát về giảm nghèo và là người trực tiếp giúp đỡ người nghèo, ông Lợi đánh giá rất cao các tổ chức chính trị xã hội, tuy nhiên, không đơn giản người nào cũng làm được việc đi vào cuộc sống của người nghèo một cách dễ dàng. Đó chính là dân vận, tức là phải hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho người dân nhưng quan trọng là làm sao để người ta tin mình. Điều này đòi hỏi các tổ chức, đoàn thể phải vào cuộc với tâm lý coi người nghèo, giảm nghèo, vươn lên làm giàu là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người cán bộ. Có những địa phương người ta còn giao chỉ tiêu cho các cán bộ đảng viên giúp đỡ 1 hoặc 2 gia đình nghèo thoát nghèo bền vững.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, vấn đề đặt ra là chúng ta phải đi sâu nghiên cứu về tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, phong tục tập quán của người nghèo để giúp đỡ một cách thiết thực và hiệu quả. Điều này giúp người nghèo gắn bó với các tổ chức chính trị xã hội, với cán bộ các tổ chức, đoàn thể để giải quyết vấn đề căn bản về giảm nghèo. Đặc biệt, thông qua việc dân vận khéo, thông qua các tổ chức này để tạo ra được sự đồng thuận xã hội, tạo ra được mối mối quan hệ khăng khít, chính là tình làng nghĩa xóm, chính là khối đoàn kết yêu thương lẫn nhau, xây dựng một xã hội văn minh, hay nói cách khác là xây dựng nông thôn mới – nếp sống văn minh.

Điển hình trong thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân phải kể tới Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, Ban Dân vận huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn khối dân vận xã phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của cùng tham gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM); lồng ghép nội dung XDNTM vào các cuộc họp, sinh hoạt của các chi tổ hội, đoàn thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các mô hình phù hợp, hiệu quả.

Đồng chí Bùi Thị Cẩm Tú, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho biết, đến nay, đã có 100% xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp tổ chức lễ ra quân và ký cam kết thực hiện; 100% hộ gia đình ở khu dân cư thực hiện ký cam kết. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở các địa phương, đơn vị; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào...

Có thể nói, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong XDNTM, đô thị văn minh trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc được MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tích cực hưởng ứng, tham gia với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Hội cựu chiến binh thì phát động phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội LHPN tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện tốt các phong trào “5 không, 3 sạch; trao tặng nhà “Mái ấm tình thương”, con bò hạnh phúc cho hội viên; Đoàn thanh niên với câu lạc bộ “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”; triển khai, thực hiện mô hình “Đường hoa tuổi trẻ”; “Tiếng trống khuyến học” tại 2 xã Vĩnh Thành và Vĩnh Khang...

“Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thức được vai trò vừa là chủ thể thực hiện vừa là người thụ hưởng của Chương trình, nhân dân trong huyện phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể. Tiêu biểu là xã Vĩnh Yên đã vận động nhân dân đóng góp trên 45 tỷ đồng để tu bổ, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa và chỉnh trang nhà ở. Xã Vĩnh Tân vận động nhân dân hiến 25.195 m2 đất để mở rộng đường giao thông nội đồng, đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, vận động con em xa quê ủng hộ 650 triệu đồng. Xã Vĩnh Tiến bê tông hóa toàn bộ ngõ xóm, thực hiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông, vệ sinh môi trường hiệu quả. Xã Vĩnh Thành tích cực xây dựng thôn, xã kiểu mẫu, xây dựng nhiều mô hình để phát triển kinh tế... Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”,  Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Lộc khẳng định.

Trong thời gian tới, Ban Dân vận Trung ương cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng.

Đặc biệt, chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo, công nhân ở các khu công nghiệp, trong giải quyết các điểm nóng phức tạp, bức xúc nổi cộm, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân; các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng điển hình./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra