Thời bao cấp, hàng hóa còn khan hiếm, ít; mọi thứ cơ bản đều phải tuân theo sự phân phối, quản lý của Nhà nước nhưng việc xếp hàng được tuân thủ chặt chẽ. Bà Yến, 75 tuổi ở khu tập thể Trung Tự - người đã sống trong thời bao cấp, từng đi xếp hàng theo chế độ tem phiếu cho biết: “Ngày ấy khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ, Nhà nước cấp theo tem phiếu mọi thứ nhưng làm sao đủ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Tuy hàng hóa ít nhưng mọi người đi xếp hàng đều tuân thủ đúng theo thứ tự xếp hàng, đến lượt ai người ấy vào chứ không có tình trạng chen ngang như bây giờ”.
Xếp hàng là nỗi sợ của nhiều người thành thị
Ở nông thôn chắc không phải chứng kiến cảnh tắc đường, chen lấn, xô đẩy trong đêm bắn pháo hoa hay xếp hàng đổ xăng, mua kem… Nhưng ở thành phố, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đây là chuyện “thường ngày như cơm bữa”.
Vẫn biết rằng “khách hàng là thượng đế” nhưng không phải bất kỳ ở đâu, lúc nào khách hàng cũng được coi trọng như vậy. Hiện nay, trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta phải xếp hàng trong rất nhiều việc mua bán như: mua xăng, mua kem, mua bánh mỳ trong siêu thị, thanh toán tiền khi mua hàng trong siêu thị, mua vé xem phim ở rạp… ; mua vé tàu, vé xe; mua phiếu khám bệnh ở bệnh viện, mua thuốc ở bệnh viện… và còn rất nhiều sinh hoạt khác khi mua bán cần phải xếp hàng. Bây giờ hàng hóa phong phú song số lượng người mua tăng lên, nhất là không phải ai cũng tuân thủ việc xếp hàng nên việc này đã gây bức xúc cho nhiều người dân.
 |
Ứng xử có văn hóa cũng là một yếu tố đánh giá sự phát triển của xã hội |
Một buổi chiều đi làm về, chị Đặng Thị Hậu, 25 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) dừng lại rút tiền ở cây ATM ViettinBank trên đường Nguyễn Trãi. Khi chị đến đã có 3 người đang chờ đến lượt mình, chị là người thứ 4, ai cũng có ý thức xếp hàng, đợi vào rút theo thứ tự. Chỉ đợi người trước rút xong là đến lượt mình thì có một nam thanh niên tầm tuổi chị cũng đến rút tiền. Khi người ở trong cây ATM đi ra, anh chàng thanh niên trẻ tuổi này ngang nhiên đi qua mặt chị Hậu, tiến thẳng vào “hồn nhiên” rút tiền, phải 10 phút sau mới đi ra. Chị Hậu bức xúc nói, chẳng lẽ lúc cậu thanh niên đi qua trước mặt tôi, tôi lại nói “Thanh niên con trai gì mà cái việc tối thiếu là tôn trọng người khác, xếp hàng đến lượt mình mà cũng không làm được”.
Cũng giống như trường hợp của chị Hậu, cô Mai Minh Thu, 50 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) cho biết trong một lần đi đổ xăng ở cây xăng Ngã Tư Sở, mọi người đều xếp hàng dài đợi đến lượt mình vì đúng vào giờ tan tầm nên rất đông. Đến lượt mình, đang định dắt xe vào đổ xăng thì một nam thanh niên khoảng 25 tuổi đi xe dừng ngay trước đầu xe của cô và chen ngang, dắt xe vào đổ xăng trước con mắt bức xúc của những người khác đang đứng chờ. Cô Thu ngán ngẩm nói: “Thanh niên bây giờ nhiều khi thiếu ý thức và thiếu tôn trọng người khác quá”.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp chen ngang khi đi mua hàng gây bức xúc, bực mình cho người dân. Đấy là còn chưa kể đến những cảnh chen chân mua thuốc ở bệnh viện khi mọi giao dịch đều thông qua cái ô kính nhỏ như tờ giấy A4; hay xếp hàng dài mua vé xem phim ở rạp vào những ngày lễ, tết; ngán ngẩm chờ đến lượt mình thanh toán tiền khi đi mua hàng ở siêu thị… Đang phải xếp hàng, mong sớm đến lượt mình mà lại có người không chịu xếp hàng, chen ngang vào giữa thì đúng là bực mình thật.
Vẫn là vấn đề ý thức của nhiều người dân chưa cao
Lại là vấn đề ý thức – vấn đề đã được nói đến rất nhiều trong việc chấp hành luật giao thông, giảm tắc đường; sản xuất và chế biến thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng… Nhưng đây là mấu chốt, yếu tố quan trọng góp phần giải quyết vấn đề.
Chắc hẳn những người sống ở các đô thị lớn đã ít nhiều bức xúc, bực mình về chuyện xếp hàng mà có người khác chen ngang. Nhiều người muốn xếp hàng đợi đến lượt mình cũng không được vì bị xô đẩy, chen lấn.
Bạn Mai Thu Phương, sinh viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ mỗi lần đi xe bus lúc tan tầm là nỗi sợ của bạn cũng như nhiều bạn sinh viên khác cùng trường. “Lần nào cũng vậy, nhìn thấy xe bus từ xa tới là bất kể nam hay nữ, đều đổ dồn lên phía trước, ai cũng mong mình được bước lên xe trước. Và khi xe bus tới thì “mệnh ai người nấy lo”, ai chen khỏe, nhanh chân thì người đó sẽ được lên trước, nếu không đành ngậm ngùi đợi chuyến tiếp theo. Nên nhiều lúc em muốn từ từ đợi từng người lên một để khỏi chen lấn nhưng cứ bị người đằng sau đẩy lên, nếu không nhanh chân thì bị ngã hoặc bị người khác dẫm lên chân ngay” bạn Phương chia sẻ.
Nói về vấn đề này, bác Nguyễn Văn Thanh, một cán bộ quân đội đã về hưu bày tỏ quan điểm: Việc này cần phải có sự ủng hộ của mọi người dân, nghĩa là mỗi người đều phải có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và ứng xử một cách có văn hóa. Đặc biệt, các cháu học sinh cần được học những bài tập tình huống thực tế về vấn đề ý thức một cách thường xuyên hơn”.
Vẫn biết, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu ngày càng cao trong khi dân số ngày càng đông nên nhiều công tác dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu. Song nên nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, đó là để có cuộc sống lành mạnh, có văn hóa cần sự có ý thức hơn nữa của nhiều người dân. Nhìn ở góc độ sâu xa hơn, cần sự quan tâm, giáo dục của bố mẹ cũng như nhà trường đối với các em học sinh để tạo thành thói quen ứng xử có văn hóa khi gặp những tình huống cụ thể trong cuộc sống./.
Hoàng Minh