Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 15; tại Phủ Liễn gió mạnh cấp 11, giật cấp 15; Cát Hải (gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Đông Xuyên (Tiên Lãng) gió mạnh cấp 10, giật cấp 12, Hòn Dấu cấp 9, giật cấp 12.
Lượng mưa tính từ 19h ngày 06/9 đến 19h ngày 07/9 phổ biến từ 120 - 180 mm, có nơi trên 200mm. Vùng biển ngoài khơi Hải Phòng (bao gồm Bạch Long Vĩ) sóng biển cao 6,0 - 8,0 m. Từ trưa 07/9, vùng ven biển Hải Phòng (Cát Bà, Đồ Sơn, Hòn Dấu) sóng biển cao 2,0-3,5m.
Hải Phòng ghi nhận có 01 người chết tại huyện Tiên Lãng do bị tường bếp đổ (nhà ở kiên cố không thuộc diện di dời); có 13 người bị thương tại gia đình do vỡ kính, mái tôn, đã được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện quận (huyện An Dương: 04 người; quận Ngô Quyền: 07 người; huyện Thủy Nguyên: 02 người).
Tình hình thiệt hại về vật chất liên quan đến các công trình, kết cấu hạ tầng ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết.
Nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn.
Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây.
Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ.
Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại.
Diện tích lúa có khoảng 5.000 ha đang trỗ bông bị hư hại, 1.750 ha rau màu bị ảnh hưởng nặng, 1.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng, 400 ha hoa cây cảnh bị ảnh hưởng.
Liên quan đến việc Tàu Minh Anh 01 (12 thuyền viên) bị trôi dạt tại khu neo vịnh Lan Hạ, hiện nay, Tàu Minh Anh đã được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ neo đậu, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Các đơn vị chức năng tại Hải Phòng đang khẩn trương thu dọn vật cản khôi phục giao thông, sửa chữa khắc phục kết cấu hạ tầng thiết yếu, cấp điện, cấp nước trở lại, khôi phục các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc; tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường; tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng hư hại chưa được khôi phục...; đảm bảo an ninh trật tự; tổ chức hỗ trợ về y tế, … đối với các đối tượng bị thiệt hại;
Tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê thiệt hại; phân loại mức độ hư hại của công trình, kết cấu hạ tầng để có phương án khắc phục phù hợp (trước mắt và lâu dài);
Động viên, hỗ trợ Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, trở lại cuộc sống bình thường. Đồng thời, các lực lượng chuyên trách tiếp tục tập trung ứng cứu kịp thời các sự cố có thể xảy ra.