Hiện tượng nhà sư “không chuyên nghiệp” sau một thời gian ồn ào, thu hút sự quan tâm, bàn luận của xã hội, trước hết là trên mạng xã hội cũng đã dần lắng xuống theo thời gian như bất kỳ một hiện tượng xã hội nào khác.
Trong một xã hội còn đầy rẫy những điều thị phi, thậm chí là những nỗi bất công thì sự buông bỏ những mệt mỏi, ngang trái của đời thường đi theo thế giới tâm linh, tĩnh tại được coi là một sự lựa chọn đúng đắn, đáng được tôn trọng.
Thậm chí có không ít người thể hiện sự tôn vinh coi họ như một vị thánh sống hay đấng cứu rỗi. Nhìn những đoàn người đi theo nhà sư trên nhiều chặng đường bất kể mưa nắng, không phải không có người đã ngất xỉu, thậm chí có người tử vong cũng đã cho thấy phần nào tâm trạng xã hội bây giờ. Rồi tiếng khen chê, bàn luận ngược xuôi không thiếu. Thời đại thông tin bùng nổ, mọi điều có vẻ như đều được thể hiện vượt quá những gì là thực tế với sự trợ giúp cuả công nghệ thông tin.
    |
 |
Đạo Phật dạy: “Kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình”. Ảnh minh họa: L.A |
Người viết bài này không có ý định bình luận khen chê những gì vừa xảy ra mà đơn giản chỉ muốn nhìn nhận nó như chính những gì thuộc về bản chất. Sự thật vốn rõ ràng, chân lý thường đơn giản nên cũng chẳng cần luận bàn, tranh cãi nhiều về chuyện chữ nghĩa. Sự rắc rối chẳng qua đến từ cách nhìn nhận khác nhau về cuộc sống với cái tôi vốn có của mỗi người mà thôi.
Con người sinh ra và lớn lên vốn có đầy đủ các ham muốn và nhu cầu với xu hướng ngày càng tăng theo thời gian. Những ham muốn và nhu cầu chính là lợi ích mà mỗi người hướng tới mà người ta gọi là hạnh phúc. Lợi ích bản thân nó là tự nhiên và chính đáng và nó sẽ trở thành động lực cho những khát vọng tốt đẹp khi nó được đạt đến bởi nỗ lực của bản thân mỗi người trong xã hội. Ngược lại lợi ích đó sẽ trở thành những dục vọng thấp hèn khi nó đạt được bởi những con đường phi pháp vô đạo (trộm cắp, lừa đảo, tham nhũng...).
Quá trình đi đến sự thỏa mãn lợi ích đó không hề dễ dàng, mỗi người đều phải nếm trải những thất bại, niềm đau, những gian truân và chịu đựng và đến một thời điểm nào đó con người sẽ đứng trước sự lựa chọn con đường đi đến hạnh phúc của riêng mình: hoặc là giảm dần tiến tới từ bỏ mọi ham muốn, nhu cầu để được giải thoát cuộc sống đời thường, hướng vào thế giới tâm linh với những điều thiện lành nhất và ở đó họ tìm thấy hạnh phúc. Sướng khổ tại tâm là như vậy. Đó chính là cái người ta gọi là sự buông bỏ. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng không hề dễ dàng bởi họ phải đấu tranh với chính những ham muốn và nhu cầu của mình và không ít người cũng đã phải dừng lại không đi được đến cuối con đường để đắc đạo thành của một kẻ chân tu.
Đạo Phật dạy: “Kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình” là vì như thế. Tất nhiên không phải ai cũng lựa chọn sự buông bỏ sau những biến cố, trải nghiệm cuộc đời. Cũng có những bậc chân tu, theo cách nói của người đời, “có căn, có quả” với thần phật, tâm linh mà ngay từ đầu đã tìm nơi cửa Phật. Ngược lại với buông bỏ là sự phấn đấu để đạt được những ước mơ, hoài bão của con người.
Với nhiều người, không có thất bại mà chỉ có những bài học, ngã ở đâu đứng dậy ở đó, mỗi lần ngã là một lần họ trở nên mạnh mẽ hơn, kiên quyết, kiên trì theo đuổi đam mê, khát vọng chân chính của mình. Lợi ích mà họ theo đuổi nhiều khi không chỉ dừng lại ở những ham muốn và nhu cầu cá nhân mà hơn thế nữa là vì cộng đồng, vì nhiều người và vì mọi người. Sự phấn đấu không ngừng nghỉ đó mang lại cho mỗi người và cộng đồng một cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc và họ tìm thấy hạnh phúc sau bao nỗi lo toan vất vả đó.
Tất cả điều đó nói lên rằng hạnh phúc là do quan niệm của từng người và con đường tìm đến hạnh phúc là do sự lựa chọn của mỗi con người. Buông bỏ hay phấn đấu là do mỗi người quyết định và đều cần được tôn trọng.
Thực tế thì cái mà ngày nay nhiều người khuyên bảo cố gắng buông bỏ, rồi rủ nhau đi “chữa lành” hay cố gắng từ bỏ tham sân si... không phải là có ý định quay lưng mọi thứ để đi vào thế giới tâm linh, thần phật. Nó chỉ thể hiện một tâm niệm muốn gạt đi những lo lắng, bon chen thường nhật, sống lạc quan hơn, bỏ qua những muộn phiền (quên bệnh tật, quên tuổi tác, quên hận thù) để vừa phấn đấu cho sự thành công trong công việc vừa tận hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống. Đạo và đời gặp nhau ở chỗ đó và sức sống của đạo giáo chính là sự thiện tâm của lòng người.
Sự lựa chọn chính đáng của mỗi con người đều được tôn trọng và sự cố gắng vươn lên để mang lại hạnh phúc cho mình, cho mọi người, cho một xã hội bình yên phồn thịnh lại càng đáng được tôn vinh. Cao đẹp hơn nữa là những con người dành cả cuộc đời phấn đấu, hy sinh, buông bỏ những điều tầm thường của cuộc sống vì một điều lớn lao, cao cả hơn, đó là hạnh phúc của người dân, sự giàu đẹp, trường tồn của quốc gia, dân tộc. Đó thực sự là những ông Phật, ông Thánh giữa đời thường sẽ sống mãi trong tâm khảm, ký ức của mỗi người dân. Những câu chuyện về cuộc đời giản dị, đức hy sinh và hình ảnh những giờ phút cuối cùng của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với dòng người đau thương lặng lẽ tiễn đưa đã nói lên tất cả.
Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” . Một ham muốn vĩ đại như chính sự nghiệp mà Người đã trọn đời phấn đấu hy sinh cho dân, cho nước!
TS. Đinh Văn Minh
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ